09/07/2020 11:20 GMT+7

Hạ Long, Lan Hạ 'ngăn sông cấm chợ': Lợi ích cục bộ gây lãng phí tài nguyên quốc gia

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Chậm trễ xây dựng quy chế chung trong quản lý, khai thác du lịch ở vịnh Hạ Long và Lan Hạ khiến tiềm năng du lịch của đất nước không được khai thác triệt để, không mang lại hiệu quả tối đa.

Hạ Long, Lan Hạ ngăn sông cấm chợ: Lợi ích cục bộ gây lãng phí tài nguyên quốc gia - Ảnh 1.

Tàu du lịch trên vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) không thể chạy sang vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và ngược lại - Ảnh: T.THẮNG

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Minh Đức - phòng pháp chế thuộc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - khi nói về việc tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng chưa thể hợp tác khai thác chung vùng biển vịnh Hạ Long và Lan Hạ. 

Ông Đức nhấn mạnh: Tài nguyên du lịch vịnh Hạ Long là tài nguyên của quốc gia, không phải tài nguyên của riêng Quảng Ninh. Đó là tài nguyên của đất nước được giao cho một địa phương quản lý, nên địa phương có trách nhiệm quản lý tốt để mang lại lợi ích tối đa cho địa phương mình nhưng phải đảm bảo lợi ích bền vững của quốc gia. Thậm chí lợi ích chung của quốc gia cần phải được đặt trên câu chuyện lợi ích cục bộ của một tỉnh.

Hạ Long, Lan Hạ ngăn sông cấm chợ: Lợi ích cục bộ gây lãng phí tài nguyên quốc gia - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Minh Đức

* Doanh nghiệp và khách du lịch bức xúc với tình trạng "ngăn sông cấm chợ" giữa vịnh Lan Hạ và Hạ Long, ông nhìn nhận ra sao về câu chuyện này?

- Vấn đề này đã diễn ra nhiều năm. Mỗi tỉnh đều đưa ra lý do có vẻ hợp lý của mình để giải thích cho việc chậm trễ hợp tác. Nhưng nhiều người hoài nghi bản chất ở đây là câu chuyện các địa phương không vượt được lên trên lợi ích cục bộ địa phương của mình.

Ví dụ như Quảng Ninh đưa ra lý do bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản để hạn chế tàu từ vịnh Lan Hạ sang vịnh Hạ Long. Thế nhưng, nhìn vào cách mà Quảng Ninh giải quyết ở những khu vực khác thì nhiều người sẽ nghi ngờ lý do này. 

Quảng Ninh không quan tâm đến môi trường nhiều như vậy. Nhiều người sẽ nghi ngờ rằng chuyện ách tắc lâu nay giữa hai vịnh là do hai địa phương không thống nhất được trong việc phân chia nguồn lợi với nhau chứ không phải lý do bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản.

Ai cũng nhìn thấy lợi ích tổng thể cho quốc gia nếu có thể khai thác bền vững tiềm năng du lịch của khu vực biển Hải Phòng và Quảng Ninh. Nhưng hai địa phương bao năm vẫn không thể thống nhất được biện pháp quản lý cũng như phân chia lợi ích cho phù hợp khiến tiềm năng này bị bỏ lỡ. Việc mở tuyến giữa hai vịnh chậm ngày nào đất nước thất thu ngày đó.

* Ông có đề xuất giải pháp gì để giải quyết được bế tắc trên?

- Việc này trước tiên phải giải quyết bằng cơ chế phân quyền giữa các địa phương. Nhưng nếu không giải quyết được bằng cơ chế này thì trung ương phải can thiệp. Ít nhất là Tổng cục Du lịch, Bộ VH-TT&DL phải đứng ra làm trọng tài, điều phối để giúp hai địa phương đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, Văn phòng Chính phủ cũng cần chỉ đạo về mặt thời gian cần hoàn thành, để cả Bộ VH-TT&DL và hai địa phương phải khẩn trương đưa ra được quy chế chung.

* Việc các địa phương, các ngành không liên kết với nhau vì lợi ích chung mà mạnh địa phương nào địa phương nấy giành giật lợi ích cục bộ cho mình. Theo ông, cần phải có sự can thiệp mạnh hơn của chính quyền trung ương?

- Đúng vậy. Chuyện này không chỉ diễn ra ở ngành du lịch hay chỉ ở Quảng Ninh và Hải Phòng. Một con sông nằm giữa hai tỉnh, tỉnh này cho phép hút cát, tỉnh kia phải chịu cảnh bờ sông bị lở. Hay tỉnh đầu nguồn phát triển công nghiệp xả thải ra sông khiến tỉnh cuối nguồn chuyên phát triển nông nghiệp bị khó khăn bởi nguồn nước ô nhiễm... Những chuyện này xảy ra khá thường xuyên ở khắp đất nước.

Trong trường hợp này rất cần vai trò can thiệp của chính quyền trung ương. Khi phân quyền về địa phương thì các địa phương có động lực làm tốt một số việc, nhưng đồng thời cũng khiến một số việc khác không đạt hiệu quả cao nhất. Vì thế trong một số vấn đề thì chính quyền trung ương phải can thiệp.

Ông Nguyễn Tiến Đạt (giám đốc Công ty du lịch AZA Travel): Du khách chịu thiệt thòi

nguyễn tiến đạt

Ông Nguyễn Tiến Đạt

Câu chuyện "ngăn sông cấm chợ" giữa vịnh Lan Hạ sang vịnh Hạ Long khiến du khách bị thiệt thòi. Với những khách du lịch ở xa, khách quốc tế không có nhiều thời gian để đi hai tuyến riêng rẽ. Họ rất mong muốn được du lịch liên tuyến, họ sẵn sàng trả thêm tiền.

Nhưng tình trạng ngăn sông cấm chợ giữa hai vịnh Lan Hạ, Hạ Long đang làm giảm trải nghiệm của du khách. Còn các chủ tàu, các doanh nghiệp du lịch không thể đa dạng sản phẩm, ít lựa chọn hơn cho du khách khiến nguồn thu ít hơn.

Tôi rất hiểu lý do mà Quảng Ninh đưa ra là để bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản, bởi gần đây vịnh Hạ Long cũng xảy ra tình trạng quá tải tại một số thời điểm. Nhưng Quảng Ninh cần phải giải quyết song song cả hai việc, vừa phá rào ngăn sông vừa phải lo kiểm soát quá tải, chứ không phải là đóng cửa độc quyền khai thác vịnh Hạ Long cho tàu thuyền của Quảng Ninh.

Một trong những cách để giảm quá tải đó là phải phân bố tàu thuyền khai thác nhiều tuyến, tránh việc tập trung hết vào tuyến đẹp còn các tuyến khác thì bị bỏ phí.

TS Nguyễn Thu Hạnh (chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững): Tình trạng thiếu liên kết rất phổ biến

ts nguyễn thu hạnh

TS Nguyễn Thu Hạnh

Câu chuyện thiếu liên kết giữa các địa phương, giữa các ngành ở Việt Nam đã tồn tại từ lâu. Không chỉ Hải Phòng - Quảng Ninh, nhiều địa phương khác có chung tài nguyên du lịch cũng xảy ra tình trạng thiếu liên kết, chạy theo lợi ích cục bộ địa phương tương tự như Quảng Ninh - Hải Phòng. Các địa phương chung nguồn tài nguyên lại nhìn nhau như đối thủ cạnh tranh chứ không phải là các đối tác cùng hợp tác để cùng thắng.

Không chỉ giữa các địa phương mà giữa các ngành cũng xảy ra tình trạng tương tự. Văn hóa tiểu nông khiến nhiều người chỉ nhìn thấy lợi ích cục bộ. Để giải quyết câu chuyện này cần phải có sự tham gia của chính quyền trung ương làm trọng tài để xây dựng cơ chế mang tính pháp lý cao hơn để các địa phương, các ngành phải tuân thủ.

Vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hạ cùng một vùng biển nhưng muốn thăm phải qua 2 lần "đò" Vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hạ cùng một vùng biển nhưng muốn thăm phải qua 2 lần 'đò'

TTO - Vịnh Hạ Long (thuộc Quảng Ninh) và vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) cùng nằm trên vùng biển nhưng khách tham quan không thể đi một tour hai vịnh.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên