HLV Gasperini đã giúp Atalanta trở thành đội chơi tấn công hấp dẫn nhất Serie A mùa này - Ảnh: Washington Post
Có một trùng hợp thú vị giữa hai đội bóng này. Ajax Amsterdam được đặt tên theo người anh hùng Ajax lớn trong thần thoại Hi Lạp. Còn Atalanta là tên một nữ thợ săn có năng lực phi thường, mang hình ảnh đại diện cho nữ thần Artemis.
Nhỏ bé nhưng mạo hiểm
Thành công của Ajax mùa này là sự tái sinh từ một nền tảng truyền thống hùng mạnh từng làm cả bóng đá thế giới kính nể. Còn Atalanta ở đâu trong lịch sử bóng đá Ý? Câu trả lời: hoàn toàn không có chút vị thế nào.
Nhưng thật kỳ lạ, tính từ đầu thế kỷ 21 đến nay, đội bóng vùng Lombardy này chỉ vỏn vẹn 3 lần rớt hạng và sau mỗi lần xuống hạng là lập tức mùa sau họ trồi lên lại. Quen mặt với khán giả Serie A (Giải vô địch Ý) đến vậy, nhưng suốt 30 năm qua chỉ lần duy nhất Atalanta lọt vào top 6.
Đó là mùa giải 2016-2017, thời điểm HLV Gian Piero Gasperini đến và tạo ra một cuộc cách mạng. Sự nghiệp của HLV Gasperini cũng giống như Atalanta: không thành tích nào đáng kể. HLV 61 tuổi này toàn gắn bó với các đội bóng trung bình yếu. Và trong lần duy nhất được huấn luyện một đội bóng mạnh là Inter Milan, ông bị sa thải sau đúng... 5 trận.
Nhưng không nhiều người biết Gasperini là một trong những HLV người Ý đặt nền móng cho sự trở lại của sơ đồ chiến thuật ưa thích 3-4-3. Nhà báo Chuek Hei Ho của trang FootballBH lý giải sở dĩ Gasperini không gặt hái nhiều thành công là bởi chiến thuật của ông quá mạo hiểm.
Đã chơi với 3 hậu vệ, Gasperini còn yêu cầu 2 trung vệ đá lệch biên phải hỗ trợ tấn công thường xuyên, thậm chí rê dắt lúc cần thiết. Trên hàng tiền vệ, ông muốn các cầu thủ hoán đổi vị trí liên tục, gây sức ép lên đối phương bằng những pha tấn công biên không ngừng nghỉ. Chiến thuật ấy chẳng khác gì kiểu đánh thí mạng và thường các đội bóng Ý cũng không có nhiều cầu thủ đủ tài năng đáp ứng yêu cầu của Gasperini.
Juventus cũng phải sợ
Cuối cùng, Gasperini cũng tìm được mảnh đất phát huy tài năng của mình. Khi ông đến Atalanta vào mùa hè 2016, đội bóng đã trải qua mùa giải vật vã trụ hạng thành công thứ 5 liên tiếp. Có vẻ như quá nhàm chán với cuộc sống bấp bênh, các ông chủ Atalanta chơi canh bạc mạo hiểm: tin tưởng tuyệt đối và đáp ứng những yêu cầu của Gasperini.
Do Atalanta là một đội bóng nhà nghèo và cũng chẳng có lò đào tạo xuất sắc như Ajax, Gasperini chỉ có thể yêu cầu mang về cho ông hơn 10 cầu thủ với tổng giá trị 11,3 triệu euro. Nhưng ở chiều ngược lại, họ thu gấp 4 lần số tiền đó từ bán cầu thủ.
Atalanta nghèo đến mức phải áp dụng hình thức chuyển nhượng mượn cầu thủ với rất nhiều điều khoản mua đi bán lại chồng chéo lên nhau. Họ là nơi trung chuyển cho hàng loạt tài năng trẻ đến Atalanta như một cách khẳng định bản thân và rời đi ngay sau đó như Roberto Gagliardini, Mattia Caldara, Andrea Conti...
Nhưng cũng chính những cầu thủ trẻ đó mới đáp ứng được yêu cầu chiến thuật mạo hiểm của Gasperini. Ngay trong mùa đầu tiên, ông đưa Atalanta vào top 4 - vị trí cao nhất trong lịch sử CLB. Ở mùa tiếp theo, Atalanta vào đến vòng 32 đội Europa League. Và mùa giải này, họ đang chễm chệ vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng Serie A và lọt vào đến chung kết Cúp quốc gia Ý.
Juventus có thể thống trị bóng đá Ý, nhưng có 2 điểm họ vẫn đang chào thua Atalanta. Đầu tiên là số bàn thắng, hiện Juventus ghi 69 bàn mùa này, còn Atalanta là 73. Thứ hai là thành tích đối đầu. Ở lượt đi Serie A họ bị Atalanta cầm hòa (chưa đá trận lượt về), còn ở Cúp quốc gia Atalanta nghiền nát Juventus 3-0.
Thành công của Atalanta 3 năm qua thực sự là một điều lạ lùng bậc nhất bóng đá thế giới. Đội ngũ của họ vẫn chỉ được định giá ở mức trung bình (Transfermarkt xếp Atalanta hạng 8 ở Serie A), ngân sách chuyển nhượng eo hẹp, cầu thủ phần lớn vô danh... Nhưng bằng sức mạnh của tinh thần mạo hiểm, Atalanta đã nghiền nát Juventus, Inter Milan, Lazio trên con đường kỳ diệu của mình.
Nữ chiến binh thần thoại Atalanta đang thực sự hiện diện trong hình ảnh tập thể vô danh của HLV Gasperini.
Sức ép danh hiệu
1h45 ngày 16-5 sẽ diễn ra trận chung kết Cúp quốc gia giữa Lazio và Atalanta trên sân Olimpico.
Atalanta được đánh giá mạnh hơn với thành tích đối đầu toàn thắng cả hai trận trước Lazio ở Serie A mùa này, nhưng Lazio lại có lợi thế sân nhà. Sức ép danh hiệu với cả hai đội là rất lớn. Với Lazio, họ chưa giành được một danh hiệu đáng kể nào từ năm 2013 đến nay, còn Atalanta thậm chí đã trắng tay hơn 50 năm qua (không tính các giải đấu hạng dưới).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận