Báo Politico ngày 3-6 khẳng định Hà Lan cho phép Ukraine sử dụng những chiếc tiêm kích F-16 do mình viện trợ để tấn công các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga.
Chia sẻ với báo này khi tham dự Đối thoại Shangri-La 2024 tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren tuyên bố sẽ không đặt ra bất kỳ giới hạn nào về phạm vi sử dụng cho 24 chiếc tiêm kích F-16 dự kiến được nước này ủng hộ cho Kiev.
"Chúng tôi không có hạn chế theo kiểu Bỉ. Chúng tôi áp dụng một quy tắc mà chúng tôi luôn áp dụng với các lô đã chuyển giao. Đó là một khi chúng tôi giao chúng cho Ukraine, họ được toàn quyền sử dụng.
Chúng tôi chỉ yêu cầu họ tuân theo pháp luật quốc tế và quyền tự vệ được quy định trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Tức là họ sẽ chỉ sử dụng [tiêm kích F-16] để tấn công các mục tiêu quân sự họ cần tiêu diệt nhằm tự vệ", bà Ollongren nói.
Tuyên bố của bà Ollongren ám chỉ việc Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cảnh báo Kiev không được đưa máy bay F-16 do nước này viện trợ vào không phận Nga và chỉ được sử dụng chúng để tấn công những mục tiêu nằm trên lãnh thổ thế giới công nhận của Ukraine.
Hà Lan và Bỉ là hai nước đi đầu trong việc trao cho Ukraine máy bay F-16. Đây là dòng tiêm kích do Mỹ sản xuất, được Kiev yêu cầu hỗ trợ trong nhiều tháng qua. Ukraine kỳ vọng việc sở hữu F-16 sẽ giúp nước này cân bằng phần nào lợi thế trên không với Nga.
Ngày 28-5, ông De Croo ký với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thỏa thuận song phương về hỗ trợ an ninh, trong đó khẳng định Brussels sẽ cung cấp cho Ukraine 30 chiếc F-16 đến năm 2028. Những chiếc F-16 đầu tiên sẽ được chuyển giao ngay trong năm 2024.
Đến nay, các nước phương Tây vẫn tranh cãi việc cho hay không cho Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga. Trong đó, Anh đã bật đèn xanh từ đầu tháng 5, nhưng quan điểm chính thức của Mỹ đến lúc này vẫn là không cho.
Hà Lan tố trực thăng Trung Quốc tiếp cận cuộc tập trận trên Biển Đông
Cũng tại Đối thoại Shangri-La năm 2024, Hà Lan tuyên bố sẽ tiếp tục hiện diện hàng hải trên Biển Đông và khu vực xung quanh.
Bà Ollongren khẳng định một trực thăng Trung Quốc đã thử tiếp cận trực thăng của Hà Lan khi nước này tập trận chung trên Biển Đông với quân đội Mỹ hồi cuối tháng 5.
"Điều đó đáng được lưu ý. Khi ấy, chúng tôi ở vùng biển quốc tế và trực thăng của chúng tôi cũng đang ở không phận quốc tế", bộ trưởng quốc phòng Hà Lan khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận