08/04/2021 15:32 GMT+7

H&M và các công ty đa quốc gia 'tiến thoái lưỡng nan' vì Tân Cương

BẢO ANH
BẢO ANH

TTO - Nhiều công ty đa quốc gia làm ăn ở Trung Quốc đang đứng giữa hai lựa chọn vì vấn đề Tân Cương: hoặc giữ thị trường Bắc Mỹ và châu Âu, hoặc giữ thị trường Trung Quốc. Ngày càng khó để họ làm hài lòng cả phương Tây và Bắc Kinh.

H&M và các công ty đa quốc gia tiến thoái lưỡng nan vì Tân Cương - Ảnh 1.

Công việc hái bông tại một cánh đồng bông ở thị trấn Dolatbag, huyện Bachu, Tân Cương - Ảnh: Tân Hoa xã

Một số thương hiệu bán lẻ đa quốc gia gồm H&M, Nike, Adidas, Uniqlo, Gap, New Balance hay Burberry đang đối diện phản ứng mạnh từ người tiêu dùng Trung Quốc, gồm cả lời kêu gọi tẩy chay, vì lập trường của họ về tình trạng "lao động cưỡng bức" được cho là diễn ra tại khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc. Đằng sau đó là một câu chuyện rối ren, phức tạp.

Mùa xuân đã đến ở bán cầu bắc, nhưng sự lạnh lẽo vẫn kéo dài với ngành thời trang của thế giới.

Tiến sĩ Shirley Ze Yu, nhà kinh tế học chính trị, bình luận trên South China Morning Post hôm 7-4

Vận đen từ đống bông trắng

Gây chú ý nhất gần đây là H&M. Bị cáo buộc hưởng lợi từ tình trạng "lao động cưỡng bức" với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, năm ngoái H&M, công ty bán lẻ thời trang đa quốc gia của Thụy Điển và là nhà bán lẻ quần áo lớn thứ hai thế giới, đã hứa sẽ dừng mua bông từ Tân Cương. Tuy nhiên, tháng trước H&M đã đối diện với một cuộc tấn công mới và lần này là từ người tiêu dùng Trung Quốc.

Tương tự H&M, các công ty khác cũng đưa ra những tuyên bố về lập trường của họ về vấn đề Tân Cương và cho biết sẽ không dùng bông Tân Cương trong các sản phẩm của mình. Những tuyên bố này được đưa ra dựa trên báo cáo do Sáng kiến vì ngành bông tốt đẹp hơn (Better Cotton Initiative, BCI) công bố. Đây là một tổ chức phi chính phủ tuyên bố thúc đẩy những tiêu chuẩn tốt hơn trong trồng bông và những hành vi liên quan trên khắp 21 quốc gia.

Chuỗi sự kiện này đã khiến các công ty trên vấp phải làn sóng phản ứng giận dữ từ những người tiêu dùng theo chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc, gồm việc kêu gọi tẩy chay. Trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, hashtag (thẻ) "Tôi ủng hộ bông Tân Cương" do Nhân Dân Nhật báo tạo đã nhận hơn 7,8 tỉ lượt xem tính đến ngày 8-4.

Theo Đài CGTN, các đối tác kinh doanh Trung Quốc của các hãng này đã nhanh chóng cắt đứt quan hệ với họ. Những người nổi tiếng Trung Quốc hủy hợp đồng, các trung tâm mua sắm tháo bỏ bảng quảng cáo của H&M, các nền tảng bán hàng trực tuyến loại sản phẩm H&M, các cửa hàng ứng dụng điện thoại di động gỡ ứng dụng của H&M… là những phản ứng dồn dập khác.

H&M và các công ty đa quốc gia tiến thoái lưỡng nan vì Tân Cương - Ảnh 3.

Cửa hàng H&M tại một khu mua sắm ở Bắc Kinh, Trung Quốc - Ảnh: REUTERS

Tiến thoái lưỡng nan

Câu chuyện trên cho thấy các thương hiệu thời trang quốc tế vốn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và nhà máy Trung Quốc giờ đây đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan ra sao.

Nếu không loại bông Tân Cương ra khỏi chuỗi cung ứng của mình, các công ty thời trang này sẽ gặp rắc rối pháp lý từ Mỹ do lệnh cấm nhập khẩu của Washington. Các nhà hoạt động cũng sẽ cáo buộc các công ty này đồng lõa trong việc ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ.

Nhưng không sử dụng bông Tân Cương lại kéo theo những rắc rối lớn tại Trung Quốc như bị quay lưng, khi người tiêu dùng của đất nước tỉ dân lên án đây là một phần trong âm mưu của phương Tây nhằm phá hoại sự phát triển của Trung Quốc.

"Vào thời điểm này, họ gần như đang bị thúc: 'Hãy chọn nước Mỹ làm thị trường hoặc chọn Trung Quốc làm thị trường của bạn'", bà Nicole Bivens Collinson, nhà vận động hành lang đại diện cho các hãng quần áo lớn tại công ty luật Sandler, Travis & Rosenberg (Mỹ), bình luận.

Theo đánh giá của báo New York Times, thế tiến thoái lưỡng nan của các công ty này càng trầm trọng hơn trong bối cảnh Trung Quốc "vũ khí hóa" thị trường tiêu dùng rộng lớn của họ.

Giải pháp nào cho các thương hiệu quốc tế?

Vậy giải pháp nào dành cho các hãng thời trang trên? Phản ứng giận dữ vì vấn đề Tân Cương là diễn biến mới nhất có thể khiến họ phải chuyển hoạt động sản xuất sang các nước khác.

Khi chi phí nhân công tại Trung Quốc tăng lên những năm gần đây, nhiều ngành công nghiệp đã chuyển hoạt động sản xuất sang những nước có chi phí thấp hơn như Việt Nam, Campuchia và Bangladesh, theo New York Times. Chính quyền cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đã thúc đẩy xu hướng này bằng cách gây sức ép để buộc các công ty đa quốc gia của Mỹ rời Trung Quốc.

Trong khi đó, một số thương hiệu quốc tế đang tìm kiếm sự cho phép từ Bắc Kinh để nhập khẩu thêm bông từ Mỹ và Úc vào Trung Quốc. Họ có thể dùng số bông này để làm những sản phẩm cung cấp cho thị trường châu Âu và Bắc Mỹ, trong khi vẫn dùng bông Tân Cương cho thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, cách làm này được đánh giá vẫn tiềm ẩn rủi ro. "Nếu thương hiệu bị gắn mác 'vẫn đang sử dụng lao động cưỡng bức, nhưng họ chỉ dùng cho thị trường Trung Quốc', điều này có thích hợp?", nhà vận động hành lang Collinson đặt vấn đề.

Ủy ban Olympic quốc tế dính lùm xùm

Tuần này, trang Axios đưa tin Hengyuanxiang Group - công ty Trung Quốc mà Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã trao cho hợp đồng may đồng phục cho Olympic Tokyo năm 2021 và Olympic Bắc Kinh năm 2022 - có liên quan vấn đề Tân Cương, vì họ có một nhà máy liên kết ở Tân Cương và đã công khai quảng cáo nhiều sản phẩm chứa bông Tân Cương.

Một người phát ngôn IOC nói rằng Hengyuanxiang đã cung cấp cho IOC "giấy chứng nhận nguồn gốc bông" cho thấy bông bắt nguồn từ bên ngoài Trung Quốc, nhưng không rõ cơ quan nào cấp giấy chứng nhận này.

150 thương hiệu toàn cầu có thể vi phạm nhân quyền ở Tân Cương 150 thương hiệu toàn cầu có thể vi phạm nhân quyền ở Tân Cương

TTO - Hàng loạt công ty tại Trung Quốc và ở nước ngoài sản xuất "các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu" có thể liên quan đến các vi phạm nhân quyền khác ở khu vực Tân Cương, Trung Quốc, theo một nhóm làm việc cho Liên Hiệp Quốc ngày 29-3.

BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên