Bà Virginia Mary Lockett trực tiếp tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG |
2 giờ chiều, cơ sở 1 của Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng trên đường Trần Thủ Độ tiếp nhận một ca bệnh sau điều trị cấp. Bệnh nhân là My, một cô gái 22 tuổi bị tai nạn giao thông. Sau cú ngã cách đây đã ba tháng, tính mạng của My đã được giữ lại nhưng chân không thể cử động. Các bác sĩ muốn lượng giá chính xác tình trạng để có giải pháp trị liệu nhưng bệnh nhân liên tục than khóc.
Có một thứ mà tôi thấy ở VN tốt hơn Mỹ rất nhiều chính là bệnh nhân được người nhà hỗ trợ chăm sóc rất tuyệt vời. Tôi có niềm tin rằng nếu có phương pháp luyện tập đúng, cộng với sự hỗ trợ từ người nhà thì việc phục hồi cho bệnh nhân sẽ rất khả quan. Đó là cơ hội mà tôi mong muốn mang tới cho mọi người |
Tình nguyện viên
Lúc này, một người phụ nữ nước ngoài dáng cao lớn dẫn đầu đoàn người mang blouse trắng bước vào. Bà đặt ghế ngồi cạnh bên giường bệnh nhân. Tay cầm, mắt nhìn cô gái, bà hỏi bằng thứ tiếng Việt lơ lớ: “Đau không?”.
Sau cuộc trò chuyện dài tiếp theo (có người phiên dịch), tinh thần của cô gái đã khá hơn. Người phụ nữ nước ngoài mang một bình kem dưỡng da và yêu cầu bệnh nhân tự bôi lên những chỗ đau ở chân.
Chị Hà Thị Nhung, nhân viên kỹ thuật của bệnh viện, giải thích: “Đó là liệu pháp tâm lý. Bà ấy luôn tìm hiểu về bệnh nhân trước khi tìm hiểu về bệnh tật. Bà ấy truyền niềm tin cho họ bằng ánh mắt, cử chỉ và tìm ra nhiều cách để giao tiếp với họ. Anh thấy ban đầu khi đụng vào chân là cô gái sợ đau, bây giờ thì khá hơn rồi”.
Đã bảy năm qua, chị Nhung và đội ngũ y bác sĩ ở đây đã quen với cách dẫn dắt chuyện đầy yêu thương của người phụ nữ nước ngoài này. Bà tên Virginia Mary Lockett (64 tuổi, chuyên gia vật lý trị liệu người Mỹ), một tình nguyện viên tại bệnh viện.
Tiếng khóc ám ảnh
Năm 1995, Virginia cùng chồng lần đầu tiên đến Nha Trang để nhận con nuôi. Biết bà là một chuyên gia vật lý trị liệu, người thông dịch viên liền mời ghé ngang nhà để giúp luyện tập cho người cha đang bị tai biến.
Bà Virginia kể: “Người này bị tai nạn giao thông gãy xương đùi lúc 50 tuổi, sau đó bị tai biến do trình độ y tế tại VN lúc đó còn hạn chế nên không phẫu thuật kịp thời dẫn đến chân tay bất động. Tôi nói với cậu phiên dịch rằng nếu cha anh ta ở Mỹ có lẽ sẽ không phải như thế này. Không rõ anh ta có nói lại với cha mình hay không nhưng tôi thấy ông ấy bật khóc rất to, người con trai cũng khóc theo”.
Tiếng khóc đó đã theo Virginia về Mỹ để rồi 10 năm sau, bà quay lại VN khi làm tình nguyện cho Tổ chức Tình nguyện y tế hải ngoại (HVO). Trong vai trò là chuyên gia vật lý trị liệu, Virginia đã có ba tuần cùng làm việc với các bác sĩ tại một cơ sở y tế chuyên về phục hồi chức năng ở Đà Nẵng.
Virginia làm nhiệm vụ hướng dẫn các kỹ thuật viên điều trị phục hồi cho bệnh nhân nhưng bà không hài lòng. Bởi thời gian ngắn, bất đồng ngôn ngữ khiến các kỹ thuật viên không nắm hết được các kỹ năng, nhiều người vẫn thích làm việc theo lối cũ...
Bán nhà
Quay về Mỹ, Virginia lại trăn trở việc trở lại VN bởi theo bà: “Ở đây (Mỹ) không có tôi thì sẽ có người khác làm, nhưng nếu ở đó (VN) có tôi thì nhiều người sẽ có cơ hội lành bệnh hơn”. Vài lần qua lại VN ngắn ngày khiến Virginia cảm thấy mệt mỏi bởi mất sức và tốn tiền qua lại.
“Tôi nghĩ tại sao mình không sang hẳn VN luôn để có thể theo dõi, đào tạo và chuyển giao kiến thức liền mạch cho nhiều người. Đứa con ruột và con nuôi đầu của tôi đã đủ tuổi để tự lập, hai vợ chồng chỉ cần dẫn theo đứa con (nuôi) út người Việt về lại quê hương nó thôi” - Virginia chia sẻ.
Khi Virginia quyết tâm bày tỏ ý định đó với chồng, trong đầu bà đinh ninh sẽ mất nhiều thời gian thuyết phục. Không ngờ khi nói ra, David lại gật đầu “cái rụp”. Đó là mùa hè năm 2006, Virginia và chồng là David bán nhà để đi nửa vòng trái đất tới VN với tấm visa du lịch.
Virginia kể trước khi bán nhà bà đã viết thư cho đại sứ VN tại Washington D.C để hỏi rằng liệu mình có thể hành nghề y dài lâu tại VN không. Đại sứ trả lời rằng bà nên làm việc với một tổ chức phi chính phủ.
Virginia nghĩ ra cách xin giấy phép lập một tổ chức cho riêng mình để sau này có tư cách pháp nhân ở lại VN dài lâu. Tổ chức Steady Footsteps mà bà cùng chồng sáng lập với mục tiêu cải thiện cuộc sống cho người tàn tật ở VN ra đời từ đó. Nói là tổ chức nhưng kỳ thực chỉ có hai vợ chồng bà và anh Nguyễn Hữu Huy, trợ lý phiên dịch cho bà suốt 10 năm qua.
Bà Virginia Mary Lockett (thứ hai từ phải) hướng dẫn các kỹ thuật viên giải pháp trị liệu cho một ca tai biến - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG |
Thổi luồng sinh khí mới
Anh Huy kể trong năm năm đầu, vợ chồng Virginia sống và làm việc tình nguyện từ số tiền bán nhà có được, mãi đến mấy năm gần đây hai ông bà mới có tiền hưu non.
“Họ có một tấm lòng tuyệt vời, cách sinh hoạt đạm bạc, giản dị và sẵn lòng làm tất cả vì bệnh nhân. Họ có niềm vui là được nhìn thấy bệnh nhân điều trị không mất tiền. Với bà Virginia, miễn bệnh nhân thấy mình tiến triển, cần khám hoặc luyện tập thì bà có thể giúp họ bất cứ lúc nào. Đó là điều khiến tôi muốn gắn bó lâu dài với họ dù tôi vẫn có nhiều cơ hội nghề nghiệp khác” - anh Huy nói.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Ánh - giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, từ khi đến VN, bà Virginia đã thổi luồng sinh khí mới trong điều trị vật lý trị liệu tại bệnh viện. Bằng chứng là số ca điều trị phục hồi chức năng và vật lý trị liệu tại bệnh viện đã tăng lên nhiều lần khiến bệnh viện phải nới thêm nhiều phòng ốc làm không gian luyện tập.
Ngoài chuyên môn, sự tận tâm trong công việc đã chữa khỏi cho rất nhiều bệnh nhân thì bà Virginia còn làm nhiệm vụ đào tạo nâng cao cho các bác sĩ, kỹ thuật viên tại bệnh viện.
Theo bác sĩ Ánh, bà Virginia là người rất khắt khe trong đào tạo khi luôn yêu cầu cộng sự phải làm việc toàn tâm, toàn ý. “Nhiều năm qua bà Virginia làm tình nguyện viên với chế độ thời gian như nhân viên bệnh viện mà không nghỉ ngày nào. Có lần tôi nghe nói vì quá lâu không về Mỹ nên người ta dọa cắt lương hưu của bà, vì thế tôi đề nghị bà để bệnh viện trả tiền lương cho anh Huy phiên dịch nhưng bà từ chối ngay” - bác sĩ Ánh nói.
Với Virginia, những gì bà làm trong suốt 10 năm qua tại VN chính là những mong muốn của bà từ khi tốt nghiệp trường y.
“Tấm lòng rộng mở” Đó là nhận định của ông Phạm Hùng Chiến - nguyên giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng. Theo bác sĩ Chiến, bà Virginia kỳ lạ ở chỗ bà coi việc tiếp xúc với bệnh nhân là lẽ sống của đời mình. “Năm 2005, bà ấy đến Đà Nẵng đề nghị được làm việc tình nguyện không lương khiến chúng tôi rất bất ngờ. Lúc đó luật nước ta chưa bắt buộc đội mũ bảo hiểm nhưng bà vẫn mua hơn 3.000 mũ bảo hiểm để tặng nhân viên ngành y toàn thành phố Đà Nẵng. Bà nói tiền mua mũ là một phần từ tiền bán nhà của bà. Lúc đó thì chúng tôi hoàn toàn bị bà thuyết phục. Qua 10 năm quan sát bà chăm chú, với công việc không mang cho bà đồng lương nào, tôi thấy rằng người phụ nữ này thực sự có một tấm lòng rộng mở vĩ đại” - ông Chiến nói. |
Thay đổi cuộc đời Đó là họa sĩ khuyết tật Nguyễn Tấn Hiền. Khi đang là sinh viên, Hiền bị tai nạn giao thông cướp đi đôi chân và một phần khả năng hoạt động của đôi tay. Từ sự giúp đỡ hồi phục của bà Virginia và công sức dạy vẽ của ông David, Hiền đã phát huy hết khả năng của mình. Ban đầu tổ chức của bà Virginia đã đặt hàng những bức tranh của anh để khích lệ động viên. Không ngờ vượt quá mơ ước, bằng tài năng và sự cố gắng, tranh của họa sĩ Hiền giờ đã được triển lãm ở nhiều nước trên thế giới. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận