RÀNH QUÁI THÚ HƠN... SỞ THÚ!
Hồi 17 năm trước, báo The Independent ra ngày 29-3-2002 đã đăng một tin gây sốc, dựa trên kết quả cuộc khảo sát 109 trẻ em trong độ tuổi 4-11, do TS Andrew Balmford và TS Tim Coulson - hai nhà động vật học ở Đại học Cambridge - cùng chủ trì.
Theo đó, ở tuổi lên 4, trẻ em có thể nhận ra chính xác 32% động vật hoang dã ở Anh, còn với trẻ lên 8 thì con số ấy chỉ tăng tới mức 53%.
Cụ thể, trẻ lên 8 ở Anh chỉ xác định được khoảng một nửa số động vật và thực vật trong sở thú và tự nhiên, như bọ cánh cứng, hươu, cây sồi... Tuy nhiên, các bé lại nhận biết tới 78% trong số... 150 loại quái thú trong thế giới Pokémon giả tưởng vào năm đó!
“Trẻ nhỏ rõ ràng có khả năng rất lớn trong việc học hỏi về các loài sinh vật dù là tự nhiên hay nhân tạo. Mặt khác, trong việc truyền cảm hứng cho các đối tượng của họ, có vẻ các nhà bảo tồn sinh vật đang làm việc kém hơn những người... tạo ra quái thú hư cấu Pokémon!” - TS Andrew Balmford kết luận.
Ở năm 2002 ấy, trẻ lên 8 bên nước Anh đã dán mắt ngày càng nhiều vô tivi, máy tính và máy chơi game, cùng loạt phim hoạt hình “Pokémon Series” và loạt trò chơi điện tử Pokémon thế hệ thứ hai (1999-2002).
TẤT CẢ CHÚNG TA CÙNG NGHIỆN... MÔ-BAI!
17 năm sau, trẻ em trên khắp thế giới, không chỉ ở nước Anh, đã chuyển dần từ màn hình tivi và máy tính qua... màn hình điện thoại thông minh. Từ đó, có một thực tế rành rành được báo The Independent phơi bày, trong một bản tin đăng ngày 14-8-2019 rằng trẻ em bên Anh đã... hết nhận ra những loài thực vật, động vật đặc trưng của nước mình!
Theo kết quả khảo sát 1.000 trẻ em ở độ tuổi 5-16 trên cả nước Anh, do Công ty Pickersgill thực hiện với ứng dụng di động Hoop, thì có tới 97% em không thể xác định được lá cây sồi và 96% không biết con bướm cải cánh trắng; 83% trẻ không biết con ong nghệ. Hơn 51% không biết cây tầm ma, cây mâm xôi hay cây hoa chuông vốn có mặt khắp các vùng nông thôn ở Anh; 49% không biết chim mòng biển, dù chúng hay xuất hiện trong nhiều sách cho trẻ em xứ này...
Theo thống kê từ ứng dụng Hoop, trung bình một ngày trẻ em ở Anh sử dụng điện thoại di động 1,88 giờ, xem tivi 1,82 giờ, chơi game 1,68 giờ, còn chơi ngoài thiên nhiên chỉ có 1,36 giờ.
Hơn 1/4 phụ huynh dự khảo sát nói rằng con em họ “không thấy hứng thú với thế giới xung quanh”, còn 1/3 cho biết lũ trẻ dành nhiều thời giờ... ngồi trước màn hình!
Có vẻ đó là một... nghịch lý, báo The Independent viết, bởi nước Anh có tới 27.000 công viên và hơn ba triệu hecta rừng, là một trong các quốc gia có số lượng công viên và không gian xanh nhiều nhất trên thế giới.
Tại sao sự giàu có tài nguyên thiên nhiên ấy lại bị thế hệ trẻ ở Anh ngó lơ?
Đây là câu trả lời nổi bật: tháng 8-2011, phó tổng biên tập của Mashable, ông Erica Swallow, xác nhận rằng: Vương quốc Anh đã tuyên bố mình là một... “quốc gia nghiện điện thoại thông minh”! Dựa trên các số liệu do cơ quan quản lý viễn thông Ofcom của Anh công bố, nổi bật nhất là hai tỉ lệ sau: 37% người lớn, cùng 60% thanh thiếu niên ở xứ sương mù thừa nhận họ rất... nghiện điện thoại thông minh.
BIẾT MỞ ỨNG DỤNG KHI VỪA BIẾT ĐI!
Chuyện đáng buồn trên đang là một vấn đề toàn cầu chứ nào chỉ của riêng nước Anh.
Theo Times of India (14-12-2013), thanh thiếu niên dưới 15 tuổi ở Ấn Độ và các nước có nền kinh tế xã hội thấp cũng bị cuốn theo hội chứng nghiện cái mô-bai, do điện thoại thông minh có mặt ở khắp nơi, với giá bán ngày càng rẻ hơn.
Cũng theo Times of India, một kênh truyền hình hoạt hình ở Ấn Độ đã công bố kết quả một khảo sát, rằng 73% trẻ em Ấn Độ là “người dùng điện thoại di động”, với 70% trong số đó thuộc nhóm 7-10 tuổi. Thêm nữa, do cả cha và mẹ đều có điện thoại di động nên nhiều trẻ Ấn Độ đã truy cập nó từ khi còn rất nhỏ.
Năm 2016, Common Sense Media đã tổ chức cuộc thăm dò với 620 phụ huynh và 620 trẻ em (ở cùng gia đình) bên Hoa Kỳ. Kết quả: 50% thanh thiếu niên Hoa Kỳ “cảm thấy nghiện” thiết bị di động, và 59% cha mẹ đồng ý rằng... con họ bị nghiện.
Các bậc cha mẹ càng có hành vi nghiện điện thoại thông minh, thì càng gặp nhiều khó khăn trong việc điều chỉnh trẻ nhỏ sử dụng các thiết bị ấy. Việc sử dụng mô-bai quá mức cũng có liên quan tới sự căng thẳng trong chuyện nuôi dạy con cái, theo trang web y khoa MDedge.
Hồi đầu tháng 5-2019, chuyên trang khoa nhi của MDedge có kể về một nghiên cứu thú vị, do khoa Tâm lý Đại học Old Dominion ở bang Virginia (Hoa Kỳ) tiến hành, với 355 phụ huynh có con từ 6 tháng tuổi tới 5 tuổi. 40% cha mẹ đã báo rằng con họ có thể bật điện thoại ở độ tuổi từ 12-17 tháng tuổi! Khoảng 1/3 trẻ em ở độ tuổi 12-17 tháng có thể bắt đầu mở vài ứng dụng trên điện thoại của cha mẹ, và hơn một nửa coi video trên mô-bai của cha mẹ. 73% cha mẹ cho biết trẻ mới biết đi (18-24 tháng tuổi) có thể mở ứng dụng trên điện thoại.
Trong số các bậc cha mẹ nghiện điện thoại, 22% báo rằng con họ dành hơn 2 giờ mỗi ngày cho điện thoại thông minh của họ; 59% nói họ cảm thấy khó khăn khi... “tước” điện thoại khỏi tầm sử dụng của con.
CHA MẸ - CON CÁI VÀ "TECHNOFERENCE"
Một nghiên cứu khác, do Bệnh viện Nhi C. S. Mott, thuộc Đại học Michigan phối hợp cùng Đại học Illinois ở Hoa Kỳ thực hiện, đã kết luận: khi sử dụng điện thoại lúc ở bên con cái, “sự hiện diện vắng mặt” của các bậc cha mẹ đã tạo ra sự gián đoạn trong mối quan hệ tương tác giữa cha mẹ - con cái.
Từ đó, nhà nghiên cứu Brandon McDaniel của Đại học Illinois đã nêu lên một... thuật ngữ mới: “Technoference”, được ghép từ “Techno” (kỹ thuật, hay công nghệ) với “ference” (sự can thiệp, trong tiếng Anh).
Technoference chỉ bất kỳ tác động tiêu cực nào, do việc sử dụng (thiết bị) công nghệ, áp đặt lên mối quan hệ giữa các cá nhân.
Nghiên cứu mới này, theo trang Medical News Today (29-5-2017), tập trung vào mối tương quan giữa việc cha mẹ nghiện điện thoại thông minh với những vấn đề về hành vi của con họ.
Gần một nửa (48%) phụ huynh thừa nhận rằng hằng ngày, họ có trung bình tới ba lần “gián đoạn” (technoference) trong tương tác với con mình. Kết quả quan sát tương ứng cho thấy con họ - ở độ tuổi trung bình chỉ hơn 3 tuổi - dễ... rên rỉ, hờn dỗi, bồn chồn, thất vọng và bộc phát cơn giận dữ. Trùng hợp làm sao, đó cũng chính là những hành vi thường thấy nơi những người trưởng thành, lúc họ đối mặt với... “nghịch cảnh” WiFi chậm rì rì như rùa bò!
Dù các nhà nghiên cứu thận trọng cho rằng chưa thể kết luận tức thì, song rõ ràng một khi cả cha và mẹ đều lạm dụng thiết bị công nghệ, thì đó đều là những “tấm gương” đối với hành vi của con cái.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận