Người dân xã Phước Năng thu hoạch rau lủi - Ảnh: LÊ TRUNG
Hiện nay, rau lủi của Phước Sơn đã được cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn ở Đà Nẵng và nhiều tỉnh tại Tây Nguyên. Huyện có hướng giao phòng nông nghiệp tham mưu xây dựng đề án trồng rau lủi, liên kết với các doanh nghiệp tìm đầu ra để hỗ trợ dân
Ông NGUYỄN MẠNH HÀ (chủ tịch UBND huyện Phước Sơn)
Chiều chiều, tận rừng sâu ở xã Phước Năng, huyện Phước Sơn (Quảng Nam), hàng chục phụ nữ Bh’Noong cõng những gùi rau rừng xanh um về bản. Thương lái từ miền xuôi đánh ôtô lên chờ sẵn, có bao nhiêu rau mua bấy nhiêu, cứ cân ký tính tiền.
Ông Nóc, người tiên phong
Ông Hồ Văn Nóc ở thôn 1, xã Phước Năng, huyện Phước Sơn là đầu tiên biến cây dại thành loại rau trồng. Khu rẫy hơn 2ha của ông Nóc nằm trên triền núi, bạt ngàn loại rau này.
Phải cuốc bộ gần một giờ đường rừng, vượt qua những con dốc dựng đứng mới đến khu rẫy của ông.
"Trồng trong rừng sâu như vậy thì chất lượng mới tốt. Chúng tôi hái đợt rau này gần 100kg cung cấp cho thương lái mang về tận tỉnh Đắk Lắk" - ông Nóc quệt mồ hôi, nói.
Ông Nóc cho biết rau lủi mọc hoang trên các đồi núi, người dân hay đi rừng hái từng gùi đem về nhà.
Từ năm 2010, trong những lần đi rừng, vợ chồng ông Nóc nhổ những cây rau lủi về rẫy của mình trồng để ăn.
Mãi đến năm 2013, khi thứ rau này được người dân mua nhiều, người thành phố cũng biết đến, thương lái đến mua thì lúc này ông Nóc nghĩ: "Tại sao mình không trồng để bán?".
Ông Nóc nói loại rau này rất dễ trồng, chỉ cần cắm xuống đất thì nó tự khắc sống, mọc nhánh bò lan ra, không cần phải tưới nước nhiều, dùng nước mưa thôi. Lâu lâu chỉ cần dọn cỏ.
Cứ 3-5 ngày là vợ chồng, con cái ông bà lại lên rẫy thu hoạch rau lủi, mỗi lần 40-50kg với giá bán 12.000 đồng/kg.
"Ôi sao người xuôi ăn rau này nhiều quá. Mỗi tháng tôi bán được 5-7 triệu đồng tiền rau" - bà Hà, vợ ông Nóc, nói.
Những phụ nữ Bh’Noong gùi rau về bản bán cho thương lái - Ảnh: L.TRUNG
Trồng theo nhóm hộ, làm thương hiệu
Chuyện ông Nóc "làm chơi ăn thiệt" làm ưng cái bụng những người Bh’Noong trong bản. Như ông Hồ Văn Nhé bắt chước ông Nóc nay cũng trồng được 2 sào, mỗi tháng kiếm được 4-5 triệu đồng cải thiện cuộc sống.
Ông Hồ Văn Rô - phó chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Năng - cho biết hiện có 30 hộ dân trồng rau lủi, hiệu quả cao hơn cả trồng lúa, giúp bà con không chỉ vươn lên thoát nghèo mà còn tạo ra được thương hiệu rau rừng của địa phương.
Từ năm 2016, Hội Nông dân huyện Phước Sơn đã triển khai mô hình trồng rau lủi theo nhóm hộ. Và hội hỗ trợ giống, tập huấn kỹ thuật trồng, làm phân vi sinh, chăm bón, thu hoạch, đóng gói sản phẩm một cách khoa học hơn.
Hội cũng làm cầu nối, liên kết với các doanh nghiệp mua rau cho bà con, ổn định đầu ra.
Hiện nay, tại xã Phước Năng có gần 4,5ha đất trồng rau lủi. Trước đây người dân trồng nhỏ lẻ, tự phát, mạnh ai nấy làm, bây giờ hội tập hợp họ lại trồng một cách bài bản để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Nhờ đó dân làng có việc làm, thu nhập ổn định, đời sống thay đổi.
Vừa là rau vừa là vị thuốc
Rau lủi có danh dược là Kim thất với tên khoa học Gynura Acutifolia, thuộc họ Asteraceae, thuộc loại bò trườn, chiều dài trên 1m.
Lá rau lủi mọc so le, cuống ngắn, đầu lá nhọn, mép khía răng cưa không đều và có mùi thơm đặc trưng như thuốc bắc.
Rau lủi thường mọc hoang, hoặc được trồng làm rau ăn hoặc làm thuốc.
Theo Đông y, rau lủi có vị cay ngọt, thơm, tính bình, tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, tiêu viêm, tán ứ tiêu thũng, chỉ khái. Được sử dụng trị viêm họng, viêm khí quản mạn, phong tê thấp khớp...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận