Nắng sớm viền quanh mây trắng lốm đốm của vùng núi cao, quyện vào hơi gió lạnh làm khung cảnh đậm chất một ngày hội. Mà đúng là ngày hội thật, có cồng chiêng, có nhảy xoan, lại có cả những ghè rượu cần ủ lâu năm được mang đến. Mà dấu ấn quan trọng nhất của tinh thần ngày hội chính là nụ cười của mọi người. Ai cũng cười, niềm vui tỏa ra từ đáy mắt.
Hôm nay, thôn của họ có giếng nước mới, đưa nước về gần nhà. Những người ở xa hơn thì sẽ được tặng gùi nước nhựa để đi lấy nước. Buôn làng thực sự khởi sắc...
Bà chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Kon Tum lên đọc báo cáo tổng kết, 119 chiếc giếng khoan cộng đồng với tổng ngân sách hơn 14 tỉ đồng do ASIF Foundation thực hiện giải quyết cơ bản nhu cầu nước sạch của 50.000 người dân, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số... Tôi ra phía ngoài, nơi có nhiều người đồng bào dân tộc đang đứng quanh trầm trồ nhìn các gùi nước nhựa.
Tôi nhớ có lần ông Cao Tiến Vị, nhà sáng lập Công ty Giấy Sài Gòn, đưa cho xem mớ ảnh mà ông tự chụp trong một chuyến "đi rừng": những người phụ nữ dân tộc, những đứa trẻ gầy còm đi mấy chục cây số đường núi, trên vai trĩu nặng chiếc gùi chất đầy các chai nhựa cũ cáu bẩn. Họ đi lấy nước và gùi về nhà, đều đặn mỗi ngày như mấy mươi năm qua.
Người doanh nhân từng giành danh hiệu Doanh nhân trẻ xuất sắc nhất châu Á này nghĩ rằng phải có cách nào đó hiệu quả hơn mà vẫn tôn trọng tập quán sinh hoạt của đồng bào khu vực Gia Lai - Kon Tum này.
Ông Vị, giờ là chủ tịch Quỹ thiện nguyện ASIF, còn nghĩ xa hơn: làm sao làm được 50.000 cái gùi nước hiện đại để đáp ứng nhu cầu của bà con, và có lẽ cũng cần đào thêm giếng nước để rút ngắn khoảng cách mọi người phải gùi 20 lít nước đi về... Ông Vị nói: "Điều khó nhất là cần tôn trọng phẩm giá của đồng bào".
Ông Trần Duy Hy, nhà sáng lập Công ty nhựa tái chế Duy Tân, hiểu cái đề bài "tôn trọng phẩm giá" của người bạn thân. Họ đi khảo sát, trao đổi, tìm kiếm rất nhiều mẫu thiết kế phác thảo của sản phẩm "gùi nước bằng nhựa" để ủng hộ sáng kiến của ông Vị.
Họ thử nghiệm nhiều lần, từ nghiên cứu giải phẫu học của việc đeo gùi nước sao cho thuận tiện và tránh tác động đến xương cột sống, thử nghiệm các phương thức đặt vòi nước, nắp đậy để tiện dụng và dễ vệ sinh gùi nước cho đến việc chọn chất liệu nhựa nào đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà có độ bền cao và giá thành hạ.
Kể thì nhanh, nhưng quá trình này tốn nhiều công sức của cả hai tập thể. Cuối cùng, chiếc gùi nhựa ra đời. Thiết kế vừa hiện đại vừa truyền thống đúng kiểu gùi, đựng được 20 lít nước sạch, giá 160.000 đồng, đủ dễ dàng cho một chiến dịch cộng đồng: ai đóng tiền tặng một chiếc gùi cho bà con thì Quỹ ASIF sẽ matching - đóng đối ứng một chiếc gùi nước như vậy.
1.000 cái gùi nhựa đầu tiên, tất nhiên là do cán bộ nhân viên của nhà thiết kế Duy Tân trao tặng, ASIF đối ứng 1.000 cái nữa. Hoa hậu H'Hen Niê xung phong làm "người đi tặng gùi nước", kêu gọi bạn bè nghệ sĩ "mỗi người một cái gùi nước cho đồng bào".
160.000 đồng là đủ đơn giản cho một nghĩa cử đẹp. Nhiều bạn trẻ cũng xung phong tham gia, theo kiểu "hôm nay sinh nhật mình, mọi người có thể tặng cho mình một cái gùi nước nhựa không...".
Chụp bức ảnh người phụ nữ trẻ địu con mang phiếu nhận gùi nước với nụ cười hân hoan, tôi hiểu rằng làm từ thiện mà biết tôn trọng phẩm giá - chọn tôn trọng lối sống, văn hóa và hòa mình cùng người nhận là vô cùng khó. Đúng như tên gọi của ASIF là "as if" - tiếng Anh dịch là "thương người như thể thương thân".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận