Rồi cũng chính chuyến tàu ấy trở về TP còn lưu luyến mãi hình ảnh người lính hiên ngang giữa biển trời giữ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền nơi đầu sóng ngọn gió.
Ông Nguyễn Hữu Châu (con trai cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ) nhắc mãi kỷ niệm lần đầu được đặt chân lên quần đảo này năm 2014, trong đoàn đi thăm cán bộ, chiến sĩ Trường Sa do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM mời. Năm đó, ông đã ngoài 70 tuổi.
Gửi trọn niềm tin nơi Trường Sa
Ở cái tuổi ấy, vượt sóng vượt gió của quãng đường biển khoảng 2.000km với ông Châu thật không dễ dàng. Nhưng chính khó khăn đó giúp ông càng thấu hiểu nỗi gian nan, vất vả của các chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió.
Trong ký ức của mình, ông Châu nhớ rằng thời điểm ông đến thăm, đời sống cán bộ, chiến sĩ Trường Sa cũng còn nhiều thiếu thốn, phải chờ từng chuyến hàng tiếp tế. Nhưng dù ở trên tàu, đảo nhỏ, đảo lớn hay trên nhà giàn DK1, chiến sĩ đều cố gắng chăn nuôi, trồng rau cải thiện đời sống. Xa gia đình, ai không buồn và nhớ nhưng vượt qua những điều ấy, họ vẫn lạc quan cách mạng.
Nước ngọt trên đảo là thứ được ví quý hơn vàng. Khẩu phần của mỗi người chỉ có 15 lít nước ngọt mỗi ngày dùng tắm giặt và dành để tưới rau. Cuộc sống thiếu thốn tiện nghi, chỉ có tình thương yêu giữa tập thể, đồng đội lúc nào cũng đong đầy.
Ông Châu kể nhớ nhất lúc mọi người làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trong trận hải chiến Gạc Ma. Phút thinh lặng dâng hương tưởng niệm những người anh hùng đã để lại niềm xúc động lớn cho những người con TP.HCM có mặt hôm ấy.
"Trận chiến ngày 14-3-1988 lịch sử ấy đã ghi tên 64 anh hùng Gạc Ma vào sử sách. Bởi ngay giây phút sinh tử, các chiến sĩ vẫn dũng cảm chiến đấu, ôm chặt quốc kỳ biểu tượng chủ quyền Tổ quốc và chấp nhận hy sinh. Hình ảnh đó đã in sâu vào tâm trí của từng thành viên trong đoàn, nhắc mỗi chúng tôi về sự thiêng liêng của chủ quyền Tổ quốc" - ông Châu bồi hồi.
Trong chuyến đi đó, ông mang theo 18 cuốn sách về người thanh niên Nguyễn Hữu Thọ (cha mình) đi theo lý tưởng Bác Hồ để động viên cán bộ, chiến sĩ phấn đấu. Trở về, ông vận động các thành viên Câu lạc bộ Truyền thống Đoàn thanh niên các cơ quan Trung ương Cục miền Nam cùng góp một phần lương hưu hỗ trợ chiến sĩ.
Người nhiều góp vài triệu, người ít góp vài trăm ngàn cũng được khoảng 100 triệu đồng gửi ra Trường Sa với ước mong chia sẻ phần nào giúp đời sống chiến sĩ đỡ vất vả hơn. Và 10 năm qua, cứ mỗi lần lãnh lương, ông đều trích một ít ủng hộ Quỹ "Vì biển đảo quê hương, vì tuyến đầu Tổ quốc".
"Tôi yêu nước hơn"
Hỏi về chuyến đi, ca sĩ Thùy Trinh nói ngay: "Thăm Trường Sa về, tôi yêu nước hơn". Thùy Trinh là một trong những người trẻ trong đoàn ra Trường Sa năm 2019. Dẫu 5 năm đã qua song mỗi khi nhắc về Trường Sa, chị vẫn không khỏi xúc động. Thùy Trinh đã chuẩn bị ca khúc Gần lắm Trường Sa như chia sẻ nỗi nhớ từ hậu phương đến các chiến sĩ. Sân khấu không ánh đèn rực rỡ, chỉ có những tiếng vỗ tay, những cái ôm nhưng là một trong những buổi diễn đáng nhớ nhất trong đời làm ca sĩ như chị nói.
Với nữ ca sĩ, lời kể của các chiến sĩ về những đêm biển trời nổi sóng dữ dội, mọi người chỉ biết buộc mình vào nhà giàn như mới hôm qua. Đến nỗi mãi tận bây giờ, mỗi lần nghe tin bão vào biển, ai cũng lo, lại nhắn cho nhau không biết các chiến sĩ ngoài đó thế nào, có ổn không.
Sau chuyến đi ấy, Thùy Trinh nói mình đã sống khác trước rất nhiều, thấy yêu Tổ quốc hơn bao giờ hết.
"Mình nhớ mãi chuyện các anh tuyên thệ, lúc nào cũng trong tâm thế sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Với họ, chuyện sinh tử bình thản lắm. Nhiều người nhìn gầy gầy, nhỏ con, đen nhẻm, cười rất tươi và hiền lành như vậy mà không hiểu sao họ lại dũng cảm đến thế" - Thùy Trinh kể.
Cũng có mặt trong chuyến thăm năm 2019, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM Trịnh Thị Thanh ấn tượng với những người dân sống tại đảo. Dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn so với đất liền nhưng mọi người, cả các cháu nhỏ vẫn yên tâm gắn bó với đảo khiến đoàn ai cũng yên tâm.
Chị Thanh nói từng chuyến tàu ra Trường Sa mong động viên cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo. Nhưng chính mỗi đại biểu trong đoàn lại được động viên, khích lệ nhiều hơn. Để mỗi người nhắc nhau và tự dặn chính mình sống có lý tưởng hơn với những đóng góp thiết thực hướng về xây dựng biển đảo quê hương.
Chị chia sẻ: "Chúng tôi khâm phục ý chí, tinh thần mạnh mẽ, tình yêu Tổ quốc của mỗi chiến sĩ, người dân ở Trường Sa. Nhiều chiến sĩ chỉ mười tám, đôi mươi nhưng tinh thần trách nhiệm rất cao. Trong tâm thức mỗi người, đó là những hình ảnh không thể nào quên".
Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Phước Lộc dẫn đầu đoàn TP.HCM thăm Trường Sa
Năm 2024, Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Phước Lộc dẫn đầu đoàn đại biểu TP.HCM thăm cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.
Chuyến đi là tình cảm của đồng bào TP dành cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cùng sự động viên về vật chất và tinh thần với phương châm "Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước".
Đây cũng là niềm tin, gửi gắm kỳ vọng lực lượng Hải quân ngày càng lớn mạnh, trưởng thành, hiện đại, xứng đáng là lực lượng trực tiếp, nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận