01/11/2020 08:35 GMT+7

Gùi gạo băng rừng cứu trợ gần 3.000 người dân bị cô lập

Đ.CƯỜNG - T.LỰC - S.LÂM - M.HÒA
Đ.CƯỜNG - T.LỰC - S.LÂM - M.HÒA

TTO - Chiều 31-10, hàng chục tấn gạo cứu trợ đã được tập kết về UBND các xã Phước Chánh, Phước Công, Phước Kim, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) để sẵn sàng chuyển lên tiếp tế 2 xã Phước Lộc và Phước Thành đang bị cô lập.

Gùi gạo băng rừng cứu trợ gần 3.000 người dân bị cô lập - Ảnh 1.

Cuộc tìm kiếm tại Trà Leng tiếp tục diễn ra suốt ngày 31-10 nhưng chưa có thêm kết quả, lực lượng cứu hộ đang chuyển hướng tập trung thêm ở khu vực lòng hồ, trong khi đó, nguy cơ sạt lở đang được cảnh báo tại vùng Nam Trà My, quốc lộ 40B hiện vẫn đang bị chia cắt - Ảnh: SƠN LÂM

Trong khi đó, việc tìm kiếm 8 người còn mất tích tại 2 điểm sạt lở ở xã Phước Lộc vẫn đang được tiếp tục nhưng chưa có thêm kết quả. 

Cuộc tìm kiếm 12 người mất tích ở thôn 1, xã Trà Leng, Nam Trà My vẫn diễn ra suốt ngày 31-10 trong cảnh nơm nớp lo núi có thể tiếp tục sạt lở bất cứ lúc nào.

Tiếp tế 2 xã bằng 2 hướng

Trưa 31-10, 100 tấn gạo trong kho dự trữ quốc gia đã được xe của Cục Dự trữ nhà nước khu vực Đà Nẵng vận chuyển lên bàn giao cho huyện Phước Sơn. Sở chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn tại Huyện đội Phước Sơn quyết định dùng tời để đưa thực phẩm vượt sông, sau đó dùng sức người cõng, gùi hàng ứng cứu cho vùng bị cô lập.

Huyện đội Phước Sơn đã đề xuất tổ chức lực lượng thành 5 trung đội tại 5 xã Phước Chánh, Phước Kim, Phước Thành, Phước Công, Phước Lộc, mỗi trung đội 30 người. Lực lượng này sẽ cõng lương thực, thực phẩm tiếp tế vào các khu vực cô lập. 

Tại một số nơi, sẽ dùng cáp treo để chuyển hàng hóa vào. Dự kiến trong hôm nay lực lượng của xã Phước Chánh được điều động lên xã Phước Công hỗ trợ gùi lương thực vào đến cầu Nước Mắt và dùng cáp kéo sang tiếp tế xã Phước Lộc. 

Ở hướng xã Phước Thành, trung đội cơ động của bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam cũng đã hành quân vào xã Phước Kim từ chiều qua để hôm nay phối hợp cùng lực lượng địa phương gùi hàng tiếp tế cho xã Phước Thành.

Về hướng tiếp tế bằng đường không, đại tá Nguyễn Việt Hùng - phó trưởng phòng quân huấn Sư đoàn không quân 372 - cho biết nếu thời tiết cho phép, hoạt động bay cả đi và về khoảng 1 giờ, mỗi lần cất cánh chở được 1 - 1,2 tấn hàng. 

Tuy nhiên, hiện vùng trời Phước Sơn có mưa lớn từ đêm 30-10 đến cả ngày hôm qua kèm theo mây nhiều, không có tầm nhìn.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - trưởng Ban nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam - thống nhất phương án dùng tời đưa hàng qua sông nối xã Phước Công vào xã Phước Lộc. 

Trước mắt sử dụng lực lượng địa phương để tham gia công tác này vì các điểm sạt lở rất nguy hiểm, lực lượng tại chỗ am hiểu địa bàn. Sau đó, nếu cần sẽ huy động bộ đội chính quy hỗ trợ.

Thượng tá Lê Trung Thành - chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam - xác định đường tiếp tế lương thực, thực phẩm chính cho người dân hiện nay là đường bộ từ hướng xã Phước Công sang xã Phước Lộc. 

Để làm được việc này, lực lượng công binh của tỉnh và Quân khu 5 sẽ triển khai khảo sát và xử lý sạt lở đường dẫn vào xã Phước Lộc.

Về việc vận chuyển tiếp tế bằng đường bộ, ông Thành yêu cầu tổ chức vận chuyển theo chặng ngắn để bảo đảm sức khỏe và thông tin liên lạc giữa các chặng với nhau. 

Trong lúc lương thực tiếp tế vào đến nơi, các xã Phước Lộc, Phước Thành sẽ phân phối 3,7 tấn gạo dự trữ tại chỗ giải quyết nhu cầu người dân.

Gùi gạo băng rừng cứu trợ gần 3.000 người dân bị cô lập - Ảnh 2.

Tập kết 100 tấn gạo để vận chuyển lên các xã Phước Chánh, Phước Công, Phước Kim. Sau đó dùng cáp, tời đưa hàng vào khu vực cô lập - Ảnh: TRỌNG Ý

Trà Leng, tìm kiếm trong nỗi lo còn sạt lở

Từ sáng 31-10, lực lượng cứu hộ gồm bộ đội, công an, cảnh sát, dân quân tự vệ... chia ra từng đội thay phiên nhau dùng cuốc, xẻng... và cả tay không để tiếp tục lật tung khu vực 13 nóc nhà bị lũ chồm qua gây sạt lở vào 4 ngày trước. 

Mưa vẫn đổ từng đợt xuống khu vực hiện trường vụ sạt lở và mưa trên diện rộng nhiều khu vực từ Bắc Trà My đến Nam Trà My.

Do mưa dai dẳng và nhiều lúc nặng hạt, đoạn sạt lở trên quốc lộ 2 tại khu vực đập thủy điện Sông Tranh 2 thuộc địa bàn xã Trà Tân, Nam Trà My, nơi núi đã từng lở xuống gây ách tắc suốt đêm 28-10, nay đã bị sạt lở trở lại. 

Lực lượng quân sự địa phương đã phải dựng rào chắn, cấm mọi phương tiện lưu thông để tránh nguy hiểm. Đường từ Bắc Trà My sang Nam Trà My chỉ có thể đi vòng vào đường nhỏ qua UBND xã Trà Tân. 

Trên đoạn đường vào đến Trà Leng này, phóng viên ghi nhận rất nhiều khu vực núi dựng ven đường vẫn đang có đất đá lăn xuống, nhiều cây cổ thụ bị bật gốc trên núi cao từ trước nay đang mắc lại lưng chừng núi, chực chờ rơi xuống đường.

Tại hiện trường vụ sạt lở ở Trà Leng, lực lượng chức năng cũng đã phải căng dây, cử cán bộ túc trực không cho người dân tiếp cận hiện trường để tránh lở núi. 

Tại các con suối gần đó, người dân Trà Leng cũng đã lo sợ sau sự cố sạt lở ở thôn 1, tổ chức nhau thành từng tốp đi chặt cây, lăn đá, khơi dòng để tránh tình trạng suối bị chặn đứng sẽ xảy ra tình trạng nước tràn lên cuốn lở núi. 

Những căn nhà chênh vênh bên núi tại Trà Leng nay cũng đã được đóng cửa. Người dân có nhà gần các vách núi dựng, có cây to đã chuyển đi nơi khác để tạm tránh trước cảnh báo nguy cơ mưa lớn gây sạt lở. 

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mưa sẽ tiếp tục trên diện rộng trong ngày 1-11, nguy cơ sạt lở tại các vùng núi Nam Trà My vẫn ở mức cảnh báo cao.

Sau một ngày tìm kiếm, gần như lực lượng chức năng đã lục tung hết khu vực nơi những căn nhà bị sụp xuống, kể cả việc đưa chó nghiệp vụ vào tham gia, nhưng vẫn chưa có kết quả. 

Do đó, lực lượng chức năng đã tổ chức đưa máy ủi vào phía vách núi sát bờ vực để san đá, tạo đường xuôi xuống lòng hồ và tập trung tìm kiếm nhiều hơn tại các lòng hồ từ sông Leng đổ xuống đến sông Tranh, với hi vọng sẽ tìm thấy được nạn nhân bị nước lũ cuốn xuống.

167 công nhân thủy điện Đắk Mi 2 đã được đưa ra ngoài

Tính đến chiều qua đã có 167 công nhân thủy điện Đắk Mi 2 được đưa ra ngoài, còn 48 người dự kiến sẽ đưa ra trong hôm nay. Ông Nguyễn Mạnh Hà yêu cầu lãnh đạo công ty này tổ chức đưa toàn bộ người ra ngoài, không được để lại bên trong bất cứ người nào.

Thay đổi phương án bay tiếp tế hàng cứu trợ

Đại tá Nguyễn Việt Hùng cho biết ngay khi điều kiện thời tiết thuận lợi đơn vị sẽ nhanh chóng triển khai bay thả hàng cứu trợ.

Phương án bay có thay đổi là máy bay sẽ cất cánh trực tiếp đến hiện trường từ sân bay Đà Nẵng thay vì bay chuyển sân từ sân bay Chu Lai để tiết kiệm thời gian. Sư đoàn 372 cũng hỗ trợ huyện Phước Sơn một số lượng lương thực để giúp dân.

Lũ thượng nguồn sông Đăk Mi, hàng trăm công nhân bị cô lập Lũ thượng nguồn sông Đăk Mi, hàng trăm công nhân bị cô lập

TTO - Mưa thượng nguồn từ đỉnh núi Ngọc Linh những ngày qua khiến cho thượng nguồn sông Đăk Mi nằm giữa Quảng Nam và Kon Tum trở nên hung dữ. Lũ núi đã khiến hàng trăm công nhân đang làm dự án tại đây bị cô lập 2 ngày qua.

Đ.CƯỜNG - T.LỰC - S.LÂM - M.HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên