Mới nhất là khởi công xây cầu Đại Ngãi 1. Trước đó là dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam vốn 67 tỉ USD, rồi hàng loạt dự án metro ở các đô thị như Hà Nội, TP.HCM...
Theo chinhphu.vn, trong kết luận về Quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM phải đồng bộ với Quy hoạch tổng thể đường sắt quốc gia của Thường trực Chính phủ có nội dung "đồng ý chủ trương tăng trần nợ công lên khoảng 80% GDP và bội chi ngân sách ở mức phù hợp".
Có lẽ chưa bao giờ tinh thần xây dựng cơ sở hạ tầng quốc gia lại lên cao như lúc này.
Đúng vậy, cứ nhìn hệ thống quốc lộ, tình trạng quá tải ở các sân bay, đường sắt Bắc Nam "cổ điển"… mới thấy chúng ta phải đầu tư nhanh, nhiều và chất lượng các công trình cơ sở hạ tầng - gồm cả hạ tầng giao thông và hạ tầng năng lượng, trong đó có điện hạt nhân.
Đó chính là hành trang để đất nước cất cánh, bước vào kỷ nguyên mới.
Chúng ta không thể phát triển, không thể có thêm nhà đầu tư nước ngoài, càng không thể có thêm công ăn việc làm, không thể trở thành nước phát triển, người dân có thu nhập cao nếu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, lạc hậu, chật chội và quá tải.
Tình trạng hạ tầng đi sau phát triển chính là điểm nghẽn phát triển, tạo ra trì trệ, mà như nhiều người còn lo ngại không khéo Việt Nam sẽ rơi vào "bẫy thu nhập trung bình".
Chính vì vậy, chúng ta phải dồn sức đầu tư cho hạ tầng giao thông. Có câu nói "lộ thông, tài thông".
Nhưng muốn "lộ thông", chúng ta phải có tiền để đầu tư, vậy tiền đâu? Như dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, vốn ước khoảng 67 tỉ USD. Và hàng loạt tuyến đường sắt đô thị nối với đường sắt quốc gia cũng tốn kém nhiều tỉ USD nữa.
Thêm khoản này, tiền đâu ra? Như chủ tịch UBND TP.HCM đã từng nói TP sẽ tìm vốn xây metro, trong đó có phát hành trái phiếu.
Điều đó có nghĩa là nợ công sẽ tăng lên. Để giải bài toán này, cần phải thay đổi tư duy, không hẳn cứ nghe nợ công tăng là sợ, mà quan trọng là vay để làm hạ tầng cho phát triển, từ đó có nguồn thu để trả nợ.
Nói tóm lại, các dự án này chính là một dự án với phương án kinh doanh như bao doanh nghiệp đã thực hiện nhưng mang tầm quốc gia. Phương án đó cũng phải đảm bảo có hiệu quả, trả được nợ, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.
Và những ngày này, cũng có "lời ra, nghĩ vào" rằng các dự án này có đi vào vết xe của những metro nhiều năm mới xong, những cây cầu "dần xây"…
Lo ngại đó có nguyên nhân từ những dự án đã triển khai mà sau đó phải vất vả gỡ vướng, gây nhiều bức xúc. Nhưng chúng ta cũng tin rằng những ngày này, tinh thần chống lãng phí đang lên rất cao.
Việc tinh gọn bộ máy hướng tới mục tiêu hiệu quả chính là cơ sở để tin rằng mọi việc đầu tư, mọi công tác triển khai các dự án lớn mang tính sống còn của quốc gia sẽ luôn hanh thông. Các dự án này không được sai sót, lãng phí.
Vì vậy ngay lúc này phải làm tốt tinh gọn bộ máy để nâng cao hiệu quả công việc, đề cao tinh thần chịu trách nhiệm, phân cấp phân quyền tối đa nhưng có giám sát.
Đấy chính là những lời gửi gắm cho các dự án khủng, để mọi người cùng tin tưởng đất nước sẽ có nền tảng hạ tầng hiện đại trong thập niên tới.
310 tỉ USD cho đường sắt
Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có tổng mức đầu tư 67,34 tỉ USD với mục tiêu hoàn thành năm 2035. Các dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Hà Nội - Đồng Đăng, Hạ Long - Móng Cái, TP.HCM - Cần Thơ, Thủ Thiêm - Long Thành cũng đang triển khai đầu tư.
Ngoài ra, hàng loạt địa phương cũng đang triển khai các dự án hạ tầng giao thông lớn để hoàn thiện mạng lưới đường bộ của địa phương, kết nối với những tuyến giao thông huyết mạch của quốc gia.
Với metro, Hà Nội phấn đấu đến năm 2035 khai thác thêm 7 tuyến với chiều dài hơn 397km; sau năm 2035 khai thác thêm 5 tuyến, kéo dài 4 tuyến với tổng chiều dài 200km.
TP.HCM phấn đấu đến năm 2035 khai thác 6 tuyến dài 183km; sau năm 2035 phấn đấu khai thác thêm 4 tuyến, kéo dài 5 tuyến với tổng chiều dài 327km.
Giai đoạn 2026 - 2030, tổng nhu cầu vốn đầu tư metro của hai thành phố là 32,12 tỉ USD và cần thêm 37,06 tỉ USD trong 5 năm tiếp theo.
Đến giai đoạn 2036 - 2045, tổng nhu cầu vốn metro của hai thành phố khoảng 39,61 tỉ USD. Riêng TP.HCM giai đoạn 2045 - 2060 cần thêm 24,06 tỉ USD.
Theo Bộ GTVT, vốn đầu tư cho đường sắt đến năm 2030 vào khoảng 151,2 tỉ USD (bao gồm cả metro), đến năm 2050 khoảng 312 tỉ USD.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận