Hàng ngàn nhà khoa học trẻ, cộng đồng khởi nghiệp và sinh viên đã đến tham dự cuộc giao lưu với các nhà khoa học vừa được nhận giải thưởng VinFuture 2023.
Gửi lời chúc mừng chân thành tới các nhà khoa học giành được Giải thưởng, TS Lê Mai Lan - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH VinUni - cũng bày tỏ: "Các vấn đề về an ninh lương thực, thiên tai, ô nhiễm môi trường… là các vấn đề thế hệ chúng tôi đang gặp và tiếp tục là gánh nặng tương lai. Đồng thời cũng là thách thức và cơ hội cho thế hệ trẻ, các nhà khoa học tiếp tục khám phá tìm các giải pháp để giải quyết".
Kết quả nghiên cứu cần "chạm tới cuộc sống của người dân"
Tâm điểm thu hút sự chú ý của các sinh viên tại cuộc giao lưu là GS Võ Tòng Xuân, nhà khoa học Việt Nam được trao giải thưởng VinFuture.
Theo bà Mai Lan, "Trong đêm trao giải VinFuture 2023, lần đầu có nhà khoa học Việt Nam và công trình nghiên cứu của Việt Nam được vinh danh, góp phần đánh dấu sự hiện diện nhiều hơn của các nhà khoa học Việt Nam trên bản đồ thế giới".
Với đề nghị của các bạn trẻ tham dự cuộc giao lưu mong muốn được GS chia sẻ với các nhà khoa học Việt Nam khi là người Việt Nam đầu tiên nhận Giải thưởng VinFuture, GS Võ Tòng Xuân bày tỏ: "Giải thưởng VinFuture đã ghi nhận công trình từ nhóm nghiên cứu của tôi, dựa trên nhiều báo cáo nghiên cứu khoa học. Chúng tôi chỉ nhìn vấn đề thực tế người nông dân gặp phải, làm sao nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân, từ đó chúng tôi xây dựng các công trình nghiên cứu khoa học".
"Tôi phải nói rằng xu hướng ở nhiều quốc gia hiện nay, trong đó có Việt Nam, các nhà khoa học hay suy nghĩ về quá nhiều chủ điểm để nghiên cứu và cố gắng đưa các bài báo lên tạp chí quốc tế, công bố là xong, mà không có ứng dụng trong thực tế. Điều đó tốn kém về tiền của", GS Võ Tòng Xuân thẳng thắn. "Có rất nhiều nhà khoa học cũng làm nghiên cứu, kết quả sau đó lại không sử dụng được, làm tốn tiền của nhà nước, của cơ quan tài trợ".
Ông bộc bạch: "Khi đứng lớp nói chuyện với sinh viên, tôi thấy mình phải làm sao cho thực tế để có thể giúp được những đối tượng khó khăn. Nếu mình nghiên cứu để đăng trong các tạp chí khoa học, từ đó tính điểm thành tích. Làm như vậy thì tốt cho sự nghiệp của bản thân, nhưng đối với xã hội, nhất là những xã hội đang khó khăn, phát triển như Việt Nam, rất nhiều đề tài sẽ không thể sử dụng được".
GS Võ Tòng Xuân chân thành nhận xét: "Các nhà khoa học hiện nay, khi ngân sách nghiên cứu hạn chế, nên tìm và xác định vấn đề thực tiễn, vấn đề xã hội ở những địa bàn, khu vực mà gần gũi với chuyên ngành của chúng ta. Từ đó kết quả nghiên cứu mới được ứng dụng bởi chính con người ta quan tâm. Thay vì chỉ làm nên một bài báo, chủ đề hay, nhưng kết quả xong rồi chỉ để trên giá sách hoặc kết quả không chạm tới cuộc sống người dân".
"Hy vọng các nhà khoa học trẻ theo định hướng đó. Các bạn hãy học tập học hỏi, trước hết học tập thật xuất sắc đã. Học thật chứ không phải học giả", GS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.
Tận dụng nguồn lực từ doanh nghiệp
Chia sẻ quan điểm này, GS Gurdev Singh Khush - đồng chủ nhân Giải thưởng dành cho các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển - cũng chia sẻ: "Động lực của tôi là làm gì để tạo ra giống lúa tạo ra nhiều thực phẩm hơn cho mọi người, để nhà nào cũng có đủ đồ ăn. Động lực của tôi là thay đổi các giống cây trồng để tạo ra năng suất cao hơn, giảm giai đoạn trồng, giảm chiều cao các cây... Nhờ thế, tăng mùa vụ khai thác, tăng 30% năng suất, tăng cơ hội sản xuất lúa gạo toàn cầu và chúng ta không còn sợ nạn đói".
Trả lời băn khoăn của các nhà khoa học trẻ về việc quan ngại làm nghiên cứu khoa học ở Việt Nam lương thấp, khó mà chuyên tâm nghiên cứu được, trong khi hạn chế cơ sở vật chất, GS Daniel Joshua Drucker không nói: "Đây là vấn đề nhiều người gặp và hy vọng sẽ thay đổi".
"Hồi tôi còn trẻ cũng gặp vấn đề đó. Hy vọng tới thế hệ này có thể thay đổi giúp ngành nghiên cứu hấp dẫn hơn trong tương lai", ông chỉ dẫn phương thức làm sao giúp sự nghiệp nghiên cứu bền vững hơn và mang lại lợi nhuận cho các nhà nghiên cứu.
"Có nhiều cách để tận dụng thành công của nghiên cứu. Ví dụ có một nghiên cứu thành công thì dễ lấy được tài trợ của doanh nghiệp, nhà nước hơn cho nghiên cứu sau. Phương án dễ hơn là kết hợp doanh nghiệp làm nghiên cứu mà kết quả tạo ra thì doanh nghiệp sử dụng luôn. Doanh nghiệp có lợi nhuận sẽ đầu tư ngược lại".
"Khi ta có nhà nghiên cứu thành công thì đó là chuyện có thể lan tỏa tới cộng đồng, các trường, nghiên cứu, từ đó huy động nguồn tài trợ các mạnh thường quân, từ xã hội", GS Daniel Joshua Drucker khẳng định.
GS Võ Tòng Xuân: Người làm khoa học phải học đến nơi đến chốn
* Thưa GS, GS có nói đến việc các đề tài nghiên cứu cần phải xuất phát từ nhu cầu thực tế, các vấn đề xã hội và có thể ứng dụng để "chạm tới cuộc sống của người dân", GS có thể chia sẻ về góc nhìn này?
- Mỗi nhà khoa học cần phải tìm hiểu xã hội của mình, xem xã hội có gì khó khăn, hướng giải quyết như thế nào. Tôi cũng nói với sinh viên của mình rằng không có gì bằng việc học, học thiệt chứ không học giả. Học thiệt rồi mới thấy rõ vấn đề, phân tích, mổ xẻ nó để thấy cái gì cần phải giải quyết. Nhờ khoa học, mình tìm ra hướng nghiên cứu, đặt ra giả thiết, từ đó tìm ra giải pháp. Sau đó ta mới ứng dụng vào những nơi gặp khó khăn, để xem những giải pháp này có hiệu quả hay không.
Với trường hợp của tôi, tôi muốn làm sao để người nông dân Việt Nam giàu hơn. Đi nước này nước kia, tôi thấy sao người nông dân người ta giàu quá vậy, mà người nông dân nước mình tại sao lại nghèo thế. Cần làm sao đó để người nông dân trồng lúa Việt Nam có thu nhập cao lên. Từ đó tôi xác định mục tiêu để học, nghiên cứu nhằm giải quyết vấn đề.
Trước kia, giống lúa của Việt Nam mình là giống dài ngày, 6-7 tháng mới thu hoạch được, mà năng suất chỉ có 1-2 tấn. Mong muốn của tôi là phải làm sao để cùng một diện tích đó, người nông dân trồng giống lúa khác có năng suất cao hơn.
Lúc đó tôi vẫn chưa biết cần phải lai tạo như thế nào. Khi thấy Viện lúa quốc tế mới thành lập với nhiều chuyên gia rất giỏi, tôi liền sang đó học. Lúc đầu chưa được học chính thức, đành học lỏm, từ từ rồi cũng quen công việc. Sau đó, tôi đem những kết quả nghiên cứu của người ta về thử nghiệm trên vùng đất của mình, rồi chọn ra những giống mới thích hợp với đất đai, khí hậu Việt Nam và nhân giống, thuyết phục bà con nông dân trồng.
Tôi thuyết phục người nông dân rất nhanh bởi tôi vừa làm nghiên cứu, vừa dạy học về nông nghiệp. Thế nên tôi dạy nghiên cứu, ứng dụng cho người nông dân. Sau khi làm theo cách của tôi, thấy rằng làm kiểu này hay hơn, từ đó họ mới chấp nhận cái mới. Đây là con đường mà tôi đã đi suốt gần 50 năm nay.
* Theo ông, trong điều kiện và môi trường làm việc hiện nay, các nhà khoa học Việt Nam nên phát triển định hướng nghiên cứu như thế nào cho hiệu quả?
- Khi tiếp xúc với các vị lãnh đạo, tôi thấy rằng, kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học của chúng ta hiện nay ít hơn, có lẽ tại vì ngân sách nhà nước không đủ để chi cho tất cả. Nhiều nhà khoa học do đó không thể làm nghiên cứu được, nhất là các nhà khoa học trẻ, nếu họ không có sự hướng dẫn của các thầy có kinh nghiệm thì lại càng khó khăn hơn nữa.
Các nhà khoa học Việt Nam thay vì nghiên cứu theo các hướng cao xa, rồi không có tiền làm, hãy trở về với vấn đề của các địa phương, xem những khó khăn của người ta rồi làm các nghiên cứu chung với doanh nghiệp.
Ví dụ một công ty muốn chế biến trái sầu riêng, có thể tới các nhà vườn, bàn với người ta cách để làm. Kết quả đầu tiên dĩ nhiên là ông ấy sử dụng. Mình sẽ không cần phải chạy kiếm tiền nữa mà chỉ làm cái này thôi.
Khi ở trường Cao đẳng nông nghiệp Cần Thơ, hồi mới giải phóng, mình có rất nhiều đề tài có ích cho nông dân. Sau khi sinh viên học trên lớp, họ đưa vấn đề nghiên cứu trở về đồng ruộng, làm trên chính mảnh đất của gia đình mình hoặc bàn cách làm với cán bộ địa phương, nhờ họ bố trí, hỗ trợ. Lúc đó sinh viên của tôi nghiên cứu rất nhiều, mà không tốn tiền. Các nghiên cứu đó giúp cho bà con nông dân địa phương rất nhanh.
Các nghiên cứu đó nếu viết thành bài báo khoa học bài bản thì đăng không được. Nhưng kết quả này lại được người dân mình chấp nhận rồi.
Chúng ta cũng có thể mang những khó khăn của địa phương đến gặp các mạnh thường quân, thuyết phục họ hỗ trợ việc nghiên cứu. Quan trọng nhất là người làm khoa học phải học đến nơi đến chốn, thấy rõ vấn đề, rồi từ đó mới tìm các tài nguyên để nghiên cứu khoa học. Muốn người ta tin, mình phải chứng tỏ cho họ thấy được kết quả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận