GS.TS Nguyễn Quang Tuấn từng là giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và là bác sĩ đầu ngành tim mạch can thiệp.
Hơn hai năm nay, ông Tuấn vướng vòng lao lý vì những sai sót trong đấu thầu thời kỳ ông làm giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội.
Những ngày qua, ông Tuấn xuất hiện trở lại trong vị trí một bác sĩ: bác sĩ thực hành trong 12 tháng trước khi được xem xét cấp lại chứng chỉ hành nghề. Ông Tuấn nói mình bắt đầu trở lại công việc từ 1-7, tại Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội).
Chia sẻ của giáo sư Nguyễn Quang Tuấn khi trở lại 'thực hành bác sĩ'
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, 87 tuổi (quận Đống Đa, Hà Nội), là một trong số bệnh nhân ông Tuấn khám ngày 11-7. Bà Vân kể hơn 10 ngày trước, khi bà mới nhập viện, bác sĩ bệnh viện đã giới thiệu hôm nay có GS Tuấn khám.
"Tôi vô cùng xúc động, còn ôm chầm lấy bác sĩ Tuấn. Tôi bị tim đã gần 30 năm, hơn 20 năm trước, bác sĩ là người đã đặt stent tim cho tôi. Lúc đó tôi lo lắng lắm nhưng bác sĩ nói: đặt xong là bác nhẹ người ngay. Và đến giờ, hơn 20 năm stent trong tim tôi vẫn còn tốt.
Khi đi khám lại các bác sĩ nói stent của bác vẫn tốt. Tôi kể lại là bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn đặt cho. Tôi không ngờ lần này đến đây lại gặp ân nhân", giọng yếu nhưng rất minh mẫn, bà Vân nắm tay bác sĩ Tuấn xúc động, nước mắt giàn giụa.
Tuổi Trẻ đã có cuộc đối thoại với bác sĩ Tuấn.
Học không phải là điều khiến ta phải xấu hổ
* Ông có nhớ bệnh nhân Vân không?
- Thú thực là tôi không nhớ từng bệnh nhân. Trong cuộc đời làm nghề chữa bệnh, tôi đã gặp hàng ngàn người. Nhưng cuộc gặp này khiến tôi nghĩ nhiều về nghề bác sĩ. Mỗi một bệnh nhân là mỗi lần phải suy nghĩ cặn kẽ phương pháp điều trị, làm sao hiệu quả tốt hơn. Và điều bác sĩ nhận được là tấm lòng của bệnh nhân.
Hôm tôi gặp lại cụ Vân lần đầu thì cụ khóc, sáu cụ trong cùng phòng đều khóc. Tôi phải quay mặt đi để tránh rơi nước mắt. Tôi cũng rất xúc động.
* Khi lại khoác lên mình chiếc áo blouse, trở lại với bệnh viện, cảm xúc của ông thế nào?
- Sau khi trở lại xã hội, tôi đã xin thực hành tại Bệnh viện Hữu Nghị và được bệnh viện ủng hộ, tạo điều kiện. Từ khi đang công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, tôi đã đến hội chẩn với Bệnh viện Hữu Nghị, trực tiếp để hỗ trợ các y bác sĩ khi có những ca khó. Vì vậy, khi trở về Bệnh viện Hữu Nghị, tôi giống như được trở về nhà, mọi người chào đón rất nhiệt tình.
Ngay ngày đầu tiên quay trở lại và đi buồng (từ nghề y dùng để mô tả công việc thăm khám bệnh nhân tại buồng bệnh - PV) cùng các bác sĩ, khi được bác sĩ giới thiệu bác sĩ Tuấn đến thăm khám, cụ bà nói cách đây hơn 20 năm đã được tôi điều trị, đặt stent tim cho cụ.
Sau khi mọi người biết thông tin tôi quay trở lại ngành y, rất nhiều bệnh nhân, đồng nghiệp, thậm chí người lạ đã nhắn tin, gọi điện chúc mừng. Điều đó khiến tôi rất vui vì mọi người đón nhận sự trở lại của tôi. Nhưng sau đó, tôi nghĩ rằng mình cần có thời gian lắng lại để học tập, trau dồi chuyên môn, sớm được quay trở về với công việc khám chữa bệnh.
* Công việc ở đây có khác gì kinh nghiệm khám chữa bệnh trước đây của ông? Lúc quay lại có điểm gì khiến ông lúng túng?
- Bệnh nhân ở đây nhiều người cao tuổi, bệnh nặng, có người có sáu bệnh, vì thế chẩn đoán và điều trị cũng cần hội chẩn đánh giá kỹ càng. Khi quay lại thì tôi cũng làm công việc như trước đây, tôi không thấy có gì phải lúng túng.
* Ông sẽ phải mất 12 tháng thực hành để được quay lại làm bác sĩ một cách trọn vẹn. Là một người đã có gần 30 năm kinh nghiệm, chắc hẳn việc thực hành cũng rất khác với vai trò của ông trước đây?
- Công việc thực hành của bác sĩ đã có 30 năm kinh nghiệm đúng là trước nay chưa có, bởi ít khi người nào đã bị như tôi mà quay trở lại công việc. Họ có thể làm quản lý ở cơ sở tư nhân, bởi vị trí quản lý sẽ không yêu cầu có giấy phép hành nghề.
Nhưng là một bác sĩ, việc được trực tiếp khám chữa bệnh cho người dân là ước mơ của người bác sĩ. Và để được khám chữa bệnh, tôi phải trải qua 12 tháng thực hành theo luật định.
Nhiều người nghĩ một người có kinh nghiệm 30 năm lại phải học 12 tháng sẽ là điều gì đó không đúng, không ổn. Nhưng không phải, con người ta luôn phải học, học nữa học mãi. Trước kia khi còn làm chuyên môn, làm lãnh đạo tôi vẫn học hằng ngày, vì vậy học không phải là điều khiến ta phải xấu hổ.
Hiện tôi hằng ngày đến bệnh viện, có thể tư vấn cho người bệnh, đi buồng cùng các bác sĩ xem các ca khó, tư vấn các ca cần can thiệp để lựa chọn cách điều trị tốt nhất cho người bệnh. Sau khi có giấy phép hành nghề, tôi có thể quay lại thực hiện các can thiệp tim mạch và quyết định ký giấy điều trị cho người bệnh, còn hiện giờ tôi chưa được làm điều đó.
Và chuyện này cũng khá thú vị, tôi là học viên thực hành, nghĩa là bình thường sẽ phải gọi các bác sĩ trong khoa là thầy. Nhưng vì tôi là tiến sĩ chuyên khoa tim mạch, đã từng là giảng viên của các bác sĩ ở trường y, vì vậy khi thực hành thay vì tôi phải gọi bác sĩ là thầy thì mọi người lại gọi tôi là thầy.
Tôi dự định hoàn thành 12 tháng thực hành và trong thời gian này sẽ hoàn thành bộ sách của mình. Đó sẽ là quà tặng cho bản thân và cho người dân muốn tìm hiểu về lối sống lành mạnh và phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm.
* Sau khi bị kết án 3 năm tù, chắc hẳn ông đã có khoảng thời gian khó khăn?
- Để trải qua chuyện đó, điều quan trọng là phải buông bỏ. Buông bỏ những hào quang bên ngoài. Còn bên trong tôi là bác sĩ, là người thầy giáo thì không thể thay đổi được.
Tôi cũng đã trải qua những việc cần phải trải qua và đã trở về. Những điều mình làm sai mình phải trả giá, bây giờ mình trở lại là công dân, dù lý lịch không tốt lắm nhưng mình còn sức khỏe, hiểu biết trong việc khám chữa bệnh.
Trong thời gian chấp hành án phạt, tôi cũng được khám cho người bệnh. Khi cán bộ có vấn đề về sức khỏe, mình cũng tư vấn để họ biết chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Có lẽ khó khăn nhất là sự nhớ nghề, nhớ trong từng giấc mơ - nó khủng khiếp đến mức độ ấy. Vì vậy, khi thi hành án, tôi vẫn học tập, cập nhật kiến thức y khoa từ những tài liệu được người thân, bạn bè chuyển vào.
Trong thời gian ấy, tôi đã viết được một cuốn sách, và hy vọng trong năm tới sách sẽ ra đời. Cuốn sách có tên Minh triết trong lối sống, bí quyết để phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm, viết về chế độ luyện tập, ăn uống, sinh hoạt hằng ngày để phòng ngừa các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường... - những bệnh lý không lây nhiễm gia tăng rất nhiều trong những năm gần đây, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà gây ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế - xã hội.
Ngoài là thầy thuốc, tôi còn là thầy giáo, bởi vậy việc viết sách cũng là việc làm tâm huyết của mình.
Vì tôi là bác sĩ
* Tại sao ông quyết định trở lại ngành y?
- Đó là điều đương nhiên, bởi tôi là một bác sĩ. Cuộc đời có thể trải qua những va vấp, nhưng ngã ở đâu thì mình đứng lên ở đó. Điều quan trọng nhất là bản thân còn sức khỏe, khả năng và trí tuệ để đóng góp cho cuộc sống. Đó là hạnh phúc của các bác sĩ chứ không riêng bản thân tôi. Tôi đã nghĩ đến những ngày mặc lại áo blouse mỗi ngày trong suốt hơn hai năm qua.
Bởi vậy tôi chưa bao giờ nghĩ rằng chắc chắn mình sẽ quay trở lại ngành y mà tôi nghĩ đó là điều đương nhiên.
Tôi cũng muốn quay trở lại với giảng đường. Khi tôi quay trở lại, nghĩa là tôi sẽ phải làm lại từ đầu. Tôi sẽ nộp đơn vào một trường đại học nào đó để được tiếp tục đứng trên giảng đường để truyền tải những kiến thức của mình cho các thế hệ.
* Nhiều người nói người có chuyên môn tốt không nên làm quản lý, bản thân ông đã trải qua cả hai vị trí, ông thấy sao về quan điểm này?
- Thật ra mỗi người sẽ có những quan điểm khác nhau. Nhưng tôi nghĩ rằng để quản lý tốt phải hiểu được chuyên môn và phải có uy tín trong chuyên môn. Như vậy có thể nói cho những đồng nghiệp hiểu và hiểu đồng nghiệp.
Nếu chỉ là nhà quản lý mà không có chuyên môn thì cũng rất khó để thấu hiểu những tâm tư của bác sĩ, điều dưỡng. Hoặc không hiểu chuyên môn để đưa ra những quyết định có giá trị cho người bệnh và định hướng cho bệnh viện phát triển theo hướng mô hình bệnh tật thay đổi theo thời gian.
* Từng vướng vào vòng lao lý, nhưng chấp nhận bắt đầu lại từ đầu, ông có điều gì muốn chia sẻ không?
- Trong vụ việc của tôi cũng có những đồng nghiệp cũng vướng vào vòng lao lý. Một số người lớn tuổi đã đến tuổi hưu thì có thể sẽ đơn giản hơn. Nhưng với những người trẻ, họ vẫn còn muốn làm nghề thì đó là vấn đề rất lớn. Họ phải vượt qua được mặc cảm, tự ti và khoảng cách xã hội để trở lại cuộc sống.
Tôi mong rằng các bạn hãy cứ lạc quan, bởi những gì mình đã làm thì mình chịu trách nhiệm và hoàn thành. Bây giờ điều mình cần làm là quay trở lại để làm cuộc sống tốt hơn, phải tự tin, mạnh mẽ và quyết tâm. Và tôi cũng nghĩ rằng mình có thể đã làm sai nhưng mình có thể làm lại vì một cuộc sống tốt đẹp hơn.
* Sau 12 tháng thực hành tại Bệnh viện Hữu Nghị, ông còn có dự định gì khác?
- Hãy cứ làm tốt 12 tháng này đã. Hiện thực là quan trọng nhất. Những gì của tương lai thì để tương lai tính. Còn quá khứ đã lùi xa rồi.
* Thông tin cho rằng hiện có rất nhiều nơi muốn mời ông về làm việc, điều đó có đúng?
- Đúng như vậy, nhưng tôi chưa có dự định cụ thể, như tôi đã nói thì tôi muốn làm tốt nhất công việc hiện tại.
Ông Tuấn nói rồi đi, ông rất vội vì có nhiều bệnh nhân đang chờ.
Biệt danh "Tuấn tim"
* Về biệt danh "Tuấn tim", ông thấy sao?
- Đây là biệt danh mà người dân và đồng nghiệp yêu quý tặng cho tôi. Thật ra có rất nhiều y bác sĩ làm trong lĩnh vực tim mạch nhưng rất ít người được gắn chữ "tim" vào tên của mình. Đó là điều hạnh phúc và tôi coi rằng đó là sự tôn vinh, công nhận của mọi người về chuyên môn của mình.
Vì sao giáo sư vẫn phải trở lại làm bác sĩ thực hành như vừa ra trường?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trọng Khoa, cục phó phụ trách quản lý, điều hành Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho hay ông Tuấn có học hàm giáo sư nhưng đã gián đoạn hành nghề y hơn hai năm, nguyên nhân không phải do sai phạm liên quan đến chuyên môn.
Vì vậy, theo quy định của Luật Khám chữa bệnh mới, cần phải đào tạo trong thời gian 12 tháng tại cơ sở khám chữa bệnh để được cấp lại giấy phép hành nghề. "Hiện nay quy định về cấp giấy phép khám chữa bệnh khá rõ ràng. Sau khi hoàn thành hồ sơ cấp phép hành nghề sẽ được các đơn vị tiếp nhận, xử lý và cấp phép theo quy định", ông Khoa thông tin.
Một phó giáo sư, bác sĩ với nhiều năm kinh nghiệm khám chữa bệnh và giảng dạy tại Trường đại học Y Dược TP.HCM cũng cho hay theo quy định, bác sĩ từng có giấy phép hành nghề nhưng không thực hiện hoặc gián đoạn khám chữa bệnh cho bệnh nhân trong vòng hai năm thì phải thực hành lại tại một bệnh viện trong thời gian 12 tháng để được cấp giấy phép hành nghề.
Từng nhận giải Nhân tài đất Việt
Ông Nguyễn Quang Tuấn sinh năm 1967 tại tỉnh Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội). Năm 1994, ông tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội. Năm 1996, ông đi tu nghiệp hai năm ngành tim mạch can thiệp tại ĐH Toulouse, Pháp. Năm 2005 ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại ĐH Y Hà Nội và được phong học hàm phó giáo sư năm 2009.
Năm 2010, ông và đồng nghiệp Phạm Mạnh Hùng nhận giải nhất Nhân tài đất Việt lĩnh vực y dược cho Nhóm Điều trị bệnh tim mạch bằng phương pháp can thiệp động mạch vành qua đường ống thông.
Năm 2012 ông Tuấn được bổ nhiệm giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, đến 2016 ông trở thành đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2016 - 2021. Năm 2017 ông nhận học hàm giáo sư ngành y.
Năm 2020, ông trở lại Bệnh viện Bạch Mai và được bổ nhiệm làm giám đốc bệnh viện. Ngay trong ngày ông nhậm chức (18-3-2020), Bạch Mai phát hiện ca dương tính COVID-19 đầu tiên và sau đó bệnh viện phải phong tỏa trong một thời gian. Cuối năm 2021, ông Tuấn bị đình chỉ công tác và sau đó bị bắt do các sai phạm về đấu thầu thuốc trong thời kỳ làm giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận