GS Trịnh Xuân Thuận (thứ 2 từ trái) đang cùng các nhà vật lý Phạm Văn Thiều, Vũ Công Lập giao lưu cùng bạn đọc - Ảnh: L.Điền |
Điều thú vị là có nhiều ý kiến hỏi ông rằng kinh nghiệm từ việc nhìn ngắm vũ trụ với các quy luật vận động của tự nhiên liệu có đem lại bài học gì để giải quyết vấn đề nhân loại trên trái đất hiện nay.
Sách đi cùng tôi
Với chủ đề Sách và nhà khoa học, buổi giao lưu bắt đầu với sự hồi tưởng của GS Trịnh Xuân Thuận về thập niên 1960, “những sự kiện vật lý thiên văn đã cuốn hút và quyến rũ tôi, tôi quyết định sẽ trở thành một nhà vật lý thiên văn từ đó”.
Nhưng để chắp cánh ước mơ thành hiện thực là cả một quãng đường dài, mà điểm khởi đầu dĩ nhiên từ những trang sách. GS Trịnh Xuân Thuận tâm sự rằng hồi nhỏ ông thường vào thư viện của Sứ quán Pháp tại Sài Gòn mượn sách đọc. Ông bảo rằng đã đọc rất nhiều sách tiếng Pháp vào dạo đó, và sách khoa học ấn tượng nhất là của Albert Einstein.
Thế rồi cùng với hành trình trưởng thành khoa học, người đọc nhận ra trong các tác phẩm khoa học ông viết có cả kiến thức của các chuyên ngành khác như hội họa, sinh học...Ông đã đọc những gì để có được sự “liên ngành” trong một nhà khoa học như vậy?
Câu trả lời của GS Trịnh Xuân Thuận cũng thật là giản dị. Ông cũng đọc và tìm hiểu như mọi người thôi. “Tôi lúc nhỏ từng yêu thích truyện Hoàng tử bé của nhà văn Pháp Antoine de Saint-Exupéry, và đến chừng lớn lên, đọc lại quyển truyện này vẫn thấy càng đọc càng hay” - ông tâm sự.
Không những thế, GS Trịnh Xuân Thuận còn cho biết ông yêu thích dòng văn học Mỹ Latin, “tôi thích nhà văn Garcia Marquez với tác phẩm Trăm năm cô đơn, tôi yêu thích dòng văn học Mỹ Latin vì nó gợi lại những huyền thoại về người Mỹ Latin cổ điển, bên cạnh đó là tác phẩm của các nhà văn như Dostoyevsky, Victor Hugo, William Faulkner… được ông xem “là những người bạn đi cùng tôi trong cuộc đời”.
Nếu quần chúng yêu thích khoa học...
Nhiều bạn đọc yêu thích sách khoa học của GS Trịnh Xuân Thuận đã xếp hàng xin chữ ký tác giả tại buổi giao lưu - Ảnh: L.Điền |
Ở góc độ phát triển chuyên ngành vật lý, có ý kiến cho rằng chương trình dạy vật lý trong trường phổ thông dường như đang làm thui chột niềm yêu thích vật lý của các em học sinh, và liệu có thể cải thiện chương trình giáo dục vật lý được không.
GS Trịnh Xuân Thuận thừa nhận mình chỉ là nhà khoa học và không có thẩm quyền trong việc làm giáo dục ở Việt Nam. Tuy nhiên, ông chia sẻ một thực tế là Việt Nam đang giảng dạy vật lý không bằng các nước xung quanh. "Chúng ta cần phải vươn lên ngang hàng với các nước Á châu, ngay cả Trung Quốc trong những năm gần đây đã vươn lên rất nhiều” - ông cảnh báo về sự tụt hậu trong giảng dạy môn vật lý.
Nếu mỗi con người, mỗi quốc gia cứ sống ích kỷ, thì rốt cuộc cách sống đó sẽ hủy hoại trái đất này thôi |
Tuy nhiên, khi một số bạn trẻ cùng đặt vấn đề liệu những hiểu biết về vũ trụ, về thế giới tự nhiên có giúp thay đổi được những vấn đề lớn mà loài người đang gặp phải hay không, GS Trịnh Xuân Thuận chia sẻ rằng quả đúng là xã hội loài người đang có rất nhiều vấn đề: chiến tranh, dịch bệnh, biến đổi khí hậu…
Những vấn đề xã hội gắn liền với thế giới tự nhiên, và hiểu biết thế giới tự nhiên giúp con người thấy rằng cần đoàn kết với nhau để giải quyết các vấn đề chung rất lớn đó. “Nếu mỗi con người, mỗi quốc gia cứ sống ích kỷ, thì rốt cuộc cách sống đó sẽ hủy hoại trái đất này thôi”, GS Thuận nhấn mạnh.
Tự nhận mình là người lạc quan, ngay cả việc phát triển các câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư như ở TPHCM đang có, GS Trịnh Xuân Thuận cho rằng điều đó sẽ làm cho quần chúng yêu thích khoa học.
“Không phải ai cũng muốn trở thành nhà khoa học, nhưng nếu quần chúng yêu thích khoa học, họ sẽ hưởng ứng những đầu tư vào khoa học. Và những nhà chính trị đến lúc nào đó sẽ hiểu rằng công chúng muốn đầu tư vào khoa học như thế nào”.
Điều GS Trịnh Xuân Thuận đưa ra tuy giản đơn nhưng chính là sự cộng hưởng thú vị giữa ý tưởng khoa học, viễn kiến của nhà cầm quyền và sự hưởng ứng của công chúng. Tin rằng nền khoa học Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển tốt hơn trên ba trục cơ bản này.
Trong một cái nhìn tự vấn, người dẫn chương trình đặt vấn đề rằng người Việt Nam ít đọc sách, và hỏi ý kiến GS Trịnh Xuân Thuận xem có thể cải thiện điều này bằng cách nào. Ông cho rằng trước hết những người viết sách phải viết hay hơn lên, những người dịch sách cũng cần dịch không những hay mà còn dịch các sách cần thiết hữu ích thích thú nhằm phục vụ tốt hơn cho người đọc. Nhà vật lý Phạm Văn Thiều đồng thời cũng là người được ủy quyền dịch các sách của GS Trịnh Xuân Thuận sang tiếng Việt cho rằng việc đọc sách cần được nuôi dưỡng từ tuổi ấu thơ. Còn nhà vật lý, dịch giả Vũ Công Lập lại nêu vấn đề truyền thông ở ta chưa làm tốt công việc giới thiệu sách. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận