28/12/2003 08:00 GMT+7

GS Phạm Phụ: 5 đề nghị để nâng cao chất lượng và đánh giá chất lượng giáo dục ĐH

THANH HÀ ghi
THANH HÀ ghi

TTCN - Cuộc hội thảo “Làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo” do báo Nhân Dân và Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức trong tuần tại Hà Nội đã thu hút được nhiều ý kiến đóng góp đầy tâm huyết của các nhà giáo, nhà khoa học, nghiên cứu giáo dục... với mong muốn đề xuất những giải pháp cấp bách cho một vấn đề cấp bách: chất lượng giáo dục.

ioE0x6CE.jpgPhóng to
Ảnh: Duy Anh
TTCN - Cuộc hội thảo “Làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo” do báo Nhân Dân và Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức trong tuần tại Hà Nội đã thu hút được nhiều ý kiến đóng góp đầy tâm huyết của các nhà giáo, nhà khoa học, nghiên cứu giáo dục... với mong muốn đề xuất những giải pháp cấp bách cho một vấn đề cấp bách: chất lượng giáo dục.

Trong đó ý kiến của GS Phạm Phụ và Hoàng Tụy đã được đánh giá cao vì đề xuất được những giải pháp khá cụ thể, có thể giải quyết đồng bộ cả bài toán qui mô và chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu thực tế của xã hội và đất nước.

Qua một số kinh nghiệm chung trên thế giới và qua phân tích một số đặc điểm của nền GD ĐH VN, giáo sư Phạm Phụ nêu lên năm đề nghị để nâng cao chất lượng và đánh giá chất lượng trong GD ĐH.

Đề nghị 1: Cần sớm chuyển đổi nền GD ĐH. Ở VN hiện nay, GD ĐH chỉ mới ở qui mô bình quân 120 SV/1 vạn dân và rất mất cân đối: Về trình độ, số SV CĐ chỉ chiếm khoảng 20% tổng số SV. Về ngành nghề, số SV các ngành nông - lâm - ngư chỉ chiếm dưới 4%, các ngành kỹ thuật - công nghệ chiếm khoảng 17% trong khi số SV kinh tế - luật chiếm trên 42%. Về sự phân bố lãnh thổ, có tỉnh có chưa đến 10 SV/1 vạn dân (so với con số bình quân chung của cả nước là 120 SV). Vì vậy, thiết nghĩ, tuy rất khó xác định nhưng việc nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu chắc sẽ cải thiện được rất nhiều chất lượng của nền GD ĐH VN.

Đề nghị 2: Đặt hoạt động đánh giá chất lượng trong quản lý hiệu quả và trách nhiệm xã hội. Khoảng 12 năm qua GD ĐH VN đã xảy ra hai hiện tượng lớn: thứ nhất số lượng SV tăng lên rất nhanh và biến nền GD ĐH thành nền GD cho số đông và thứ hai là nguồn tài chính công tính theo đầu SV đã bị giảm đáng kể. Đây cũng là hiện tượng phổ biến đối với nền ĐH của nhiều nước trên thế giới khiến GD ĐH lúng túng trước hai vấn đề lớn, có tính chất đánh đổi nhau là “chất lượng” và “chi phí”.

Ở VN, các trường ĐH công lập và ngoài công lập, trọng điểm và không trọng điểm... có tình trạng tài chính rất khác nhau. Vấn đề hiệu quả tài chính ở trường ĐH, nhất là các trường công lập, cũng như vấn đề trách nhiệm xã hội của các trường ĐH chưa được đặt ra đúng mức. Đó là do GD ĐH VN chưa có “cạnh tranh”, một nguyên nhân chủ yếu là do các trường ĐH mới chỉ thu nhận được 20% số người muốn vào ĐH.

Mà trong quản lý, không có cạnh tranh thì không có chất lượng và cũng dễ xao lãng trách nhiệm xã hội. Nhưng đấy là những nội dung đan xen lẫn nhau và nói chung có tính chất đánh đổi. Vì vậy, nếu không đặt hoạt động đánh giá chất lượng trong trục quản lý hiệu quả và trách nhiệm xã hội, e rằng kết quả đánh giá chất lượng sẽ không hợp lý và ít có tác dụng. Cần đánh giá chất lượng đi kèm với đánh giá hiệu quả và công bố công khai các kết quả đánh giá chất lượng ra trước công chúng.

Đề nghị 3: Nên bắt đầu đánh giá chất lượng theo các chương trình đào tạo (CTĐT). Có ba lý do:Thứ nhất, GD ĐH VN đang có tỉ lệ SV trong đối tượng ở độ tuổi thanh niên chưa cao (khoảng 10%) nhưng nền GD ĐH của ta đã có tính chất đại chúng, nền GD cho số đông. Với nền GD ĐH cho số đông, tất yếu là phải được tổ chức theo kiểu “phân loại” hay “phân tầng” theo tính chất.

Ít nhất có ba loại (có thể lên tới năm loại): loại 1 là các trường ĐH có định hướng nghiên cứu, loại 2 là các trường ĐH đào tạo bốn năm trở lên và loại 3 là các trường CĐ, CĐ cộng đồng có định hướng “kỹ thuật/huấn luyện nghề nghiệp”. Chỉ sau khi phân loại như vậy mới có thể đánh giá chất lượng trường ĐH vì đánh giá chất lượng ở đây luôn được bắt đầu với sứ mệnh, mục tiêu của nhà trường tùy theo tính chất của trường ĐH đó. GD ĐH VN còn chưa làm được việc này.

Thứ hai, đánh giá chất lượng trường ĐH tuy tổng quát hơn nhưng khá phức tạp. Nó liên quan chẳng những đến giảng dạy mà còn nghiên cứu khoa học, trách nhiệm xã hội... Theo kinh nghiệm một số nước, hãy xuất phát từ việc đánh giá chất lượng của việc dạy và học, chưa bao gồm lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

Thứ ba, xã hội đang đặc biệt quan tâm đến chất lượng của người được đào tạo như là một sản phẩm trực tiếp của một CTĐT. Nhiều trường ĐH hiện nay có những CTĐT hết sức đa dạng, do đó chất lượng người được đào tạo có thể cũng rất khác nhau ngay trong cùng một trường ĐH. Hơn nữa, việc đánh giá chất lượng một CTĐT cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc phân bổ lại nguồn lực, kể cả việc xóa bỏ một CTĐT nếu không đảm bảo chất lượng.

Đề nghị 4: Quan điểm “phù hợp với mục đích” và cần sử dụng hợp lý hơn các chỉ số thành tích. Trong bối cảnh của GD ĐH VN hiện nay, việc đánh giá chất lượng dựa chủ yếu trên quan điểm phù hợp với mục đích có lẽ là thích hợp hơn cả. Các chỉ số thành tích mặc dù hiện được sử dụng khá phổ biến trong quản lý GD ĐH nhưng chỉ nên xem đó mới chỉ là một phần của chất lượng, là những dữ liệu thống kê hết sức quan trọng để việc phán xử trong đánh giá chất lượng có cơ sở hơn nhằm phát hiện ra những điểm yếu để cải tiến và để việc đánh giá chất lượng được minh bạch hơn. Nghĩa là các chỉ số thành tích có mối quan hệ với chất lượng chứ không phải là lời giải cuối cùng trong đánh giá chất lượng.

Đề nghị 5: Nên sử dụng đánh giá chất lượng từ bên ngoài qua đánh giá ngang cấp. Xu thế hiện nay của nhiều nước trên thế giới là áp dụng đánh giá ngang cấp bởi một đoàn đánh giá gồm 5-7 thành viên có chuyên môn. Qua cách đánh giá ngang cấp của một đoàn đánh giá cho nhiều trường ĐH cũng có điều kiện để so sánh giữa các CTĐT cho dù chúng ta chưa đặt vấn đề xếp hạng như ở Mỹ và một số nước khác.

Về mặt đánh giá chất lượng, GD ĐH VN hiện nay có những đặc điểm: Bộ GD-ĐT thống nhất tổ chức quản lý và kiểm soát các trường ĐH, kể cả chương trình khung GD ĐH. Do đó Bộ GD-ĐT lại là người bên trong của việc đánh giá chất lượng. Trong khi các trường ĐH còn chưa có tính cạnh tranh trong thu nhận SV mà “không có cạnh tranh thì không có chất lượng”, trách nhiệm xã hội của các trường ĐH cũng còn chưa được xác lập. Bên cạnh đó, số chuyên gia về GD ĐH còn rất hạn chế. Trong bối cảnh đó, chúng ta nên chủ yếu phỏng theo mô hình đánh giá chất lượng từ bên ngoài qua “đánh giá ngang cấp”.

THANH HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên