13/03/2013 22:38 GMT+7

GS Ngô Bảo Châu: Ý tưởng mới mang lại niềm tin cho bản thân

HỒ NGỌC
HỒ NGỌC

TTO - Sau bài diễn thuyết How to learn (Học như thế nào) tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội ngày 13-3, GS Ngô Bảo Châu đã đối thoại với các khán giả về những vấn đề mà giới trẻ quan tâm.

EWOTMTB4.jpgPhóng to
Giáo sư Châu cho rằng để trở thành một nhà nghiên cứu khoa học thì sự trung thực, tính kỷ luật cộng hưởng với niềm đam mê là những yếu tố quan trọng nhất - Ảnh: Nguyễn Khánh

Ngọn lửa leo lắt vẫn giúp vượt qua khó khăn

Dường như câu hỏi “làm thế nào để Ngô Bảo Châu được giải Fields” là mối quan tâm của nhiều bạn trẻ có mặt tại sự kiện “How to learn”.

Mở đầu cuộc đối thoại, Trần Thanh Huyền, sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, hỏi: “Trong quá trình nghiên cứu, có những khó khăn nào khiến GS muốn rời bỏ công trình của mình?”. Trả lời Huyền, GS Ngô Bảo Châu kể về một trải nghiệm không mấy dễ chịu của bản thân hồi còn ở Pháp, khi vừa làm xong luận án tiến sĩ.

Hồi đó, ông thi vào một viện nghiên cứu của một trường ĐH và bị trượt. Buổi phỏng vấn đầu tiên, tất cả giám khảo phá lên cười khi nghe Ngô Bảo Châu nói hướng nghiên cứu của mình là Bổ đề cơ bản. “Đó là một vấn đề rất khó nên khi nghe một người trẻ nói muốn nghiên cứu thì họ buồn cười, nghĩa là họ không tin rằng tôi sẽ làm được” - GS Ngô Bảo Châu nói.

Bên cạnh rào cản đầu tiên là sự thiếu tin tưởng của người khác, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ ông từng gặp một rào cản khác tương tự nhưng khó vượt qua hơn, đó là sự thiếu niềm tin vào chính bản thân khi ông tưởng như mình rơi vào ngõ cụt vì chưa tìm ra được giải pháp tiệm cận đáp số.

Tuy nhiên, trả lời một SV ở khoa CNTT về kỷ niệm trong quá trình nghiên cứu Bổ đề cơ bản, GS Ngô Bảo Châu cho rằng để tin ở mình cũng cần phải có sẵn một mầm mống ý tưởng mới. Mầm mống đó có thể chỉ là một ngọn lửa leo lắt, nhưng nó là cơ sở để nhà nghiên cứu có sự quả cảm vượt qua những khó khăn ban đầu.

“Khi tôi cảm thấy tất cả những gì mình đang làm là vô vọng thì tình cờ tôi trò chuyện với một đồng nghiệp. Ông ấy nói với tôi về một công trình ông ấy làm từ cách đó 20-30 năm mà theo ông ấy nó chẳng có giá trị gì cả, ngay lập tức tôi hiểu đó là mẩu ghép cuối cùng tôi cần có trong bức tranh của mình" - GS Ngô Bảo Châu tâm sự.

"Tự nhiên tất cả những mảnh ghép mà tôi tưởng vô vọng đã có trước đây bỗng ùa đến, và cùng với mảnh ghép cuối cùng ấy trở thành một bức tranh hoàn chỉnh trong trí não. Tôi cho đó là số phận. Tất nhiên, nếu không có những nỗ lực trước đó thì kể cả khi tôi “gặp” mảnh ghép cuối cùng tôi cũng sẽ không nhận ra đó là cái mà mình thiếu”.

CDP57TUx.jpgPhóng to
Một bạn sinh viên đặt câu hỏi cho giáo sư Ngô Bảo Châu về sự ảnh hưởng và tác động của môi trường làm việc đến với những thành công của ông - Ảnh: Nguyễn Khánh

Say mê có thể ra đi, trách nhiệm phải ở lại

Chủ đề “niềm tin” dường như nhận được sự quan tâm đặc biệt của các bạn trẻ. Một sinh viên bộc bạch: “Tôi cũng như nhiều bạn SV Bách khoa đang gặp vấn đề còn nghiêm trọng hơn cả việc người khác không tin mình hay mình không tin mình, đó là bản thân không còn say mê với con đường mình đã chọn. Chúng tôi không thấy được cái đẹp của khoa học - kỹ thuật. Đã bao giờ GS rơi vào trạng thái không còn đam mê với con đường mình đã chọn? GS đã vượt qua như thế nào, đã tìm thấy trở lại niềm đam mê ra sao?”.

GS Ngô Bảo Châu trả lời: “Trong bài thuyết trình của mình tôi có một ẩn ý trong đó, rằng niềm say mê không bao giờ ổn định. Bạn có thể rất say mê cái gì đó, nhưng rồi thường mọi người sẽ chán, trừ một số trường hợp đặc biệt. Chính vì thế bạn phải xác định, trong cuộc sống cũng như trong học tập, bạn phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, hoàn thành bổn phận. Cần phải tin rằng niềm say mê có thể chia tay chúng ta nghĩa là nó cũng có thể quay lại. Không có gì vĩnh viễn ra đi, cái chính là mình không bỏ cuộc. Khi đó tinh thần kỷ luật, tinh thần tập thể sẽ giúp bạn không bỏ cuộc. Bạn chán nhưng người khác vẫn chưa chán, nếu bạn vì người khác thì bạn vẫn sẽ thấy cần phải nỗ lực”.

Trả lời câu hỏi của một bạn trẻ về một ngày bình thường của mình, GS Ngô Bảo Châu cho biết khi làm việc ở Việt Nam thì một ngày của ông là cuộc họp này nối tiếp cuộc họp kia. Nhưng ở Mỹ, ngày làm việc của ông “đơn điệu hơn”.

“Sáng nào tôi cũng đến cơ quan đúng giờ. Tôi rất tôn trọng kỷ luật, đi học hay đi làm đều phải đúng giờ, mặc dù không ai kiểm soát tôi đi - đến giờ nào. Tôi quy định những người làm việc với tôi, kể cả trong trường hợp bạn có hay không có ý tưởng mới, cứ đúng giờ là phải đến gặp tôi. Nếu không có nguyên tắc đó thì chúng ta sẽ nhanh chóng sa lầy. Phải hết sức tôn trọng kỷ luật. Nhiều khi rất khó chịu khi phải gặp nhau vì không có gì để nói nhưng chính sự khó chịu đó làm cho bạn phải phấn đấu, cố gắng tìm ra cái gì đó để lần gặp sau đỡ ngượng”.

Các bạn trẻ là cán bộ nghiên cứu, giảng dạy trong các trường ĐH đặt câu hỏi làm sao để thu hút được các bạn trẻ ở nước ngoài về cống hiến, giúp ích cho nền toán học nước nhà? Làm sao để phát triển nghiên cứu khoa học trong các trường ĐH? Làm sao một nhà nghiên cứu có thể đọc hết những kiến thức của loài người trong vấn đề mà mình theo đuổi để hi vọng từ đó tìm ra cái mới của mình? Liệu có thể nghiên cứu thành công trong một điều kiện làm việc ở mức trung bình và kém?…

Trả lời những câu hỏi trên, GS cho biết bản thân ông và các giáo sư khác trong cộng đồng toán học Việt Nam trong và ngoài nước đang nỗ lực tận dụng những thuận lợi trong cơ chế chính sách nhà nước (cụ thể là cho ra đời Viện Nghiên cứu cao cấp về toán) để giúp đỡ các nhà toán học trong nước: “Năm đầu tiên, có 65 nhà khoa học trong nước đã đến viện làm việc trong khoảng thời gian ngắn, khoảng 20 nhà khoa học quốc tế đến cộng tác với viện. Còn quá sớm để đánh giá kết quả, chất lượng khoa học của viện, nhưng điều tôi vui mừng là viện đã hoạt động theo đúng tinh thần như kỳ vọng ban đầu”.

GS Ngô Bảo Châu cho rằng một trong những mắc mứu lớn nhất phải giải quyết trong công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đại học hiện nay là làm sao những người làm khoa học được ưu đãi hơn mà không bị sự ganh ghét, đố kỵ xen vào trong nội tại một trường ĐH. Viện Nghiên cứu cao cấp về toán là một mô hình để tạo điều kiện cho các nhà khoa học toàn tâm toàn trí vào công việc nghiên cứu. Họ chỉ đến làm việc ở đó vài ba tháng, trong thời gian đó được hưởng một mức lương đủ để không phải lo toan bận bịu với việc mưu sinh.

Theo GS, để sáng tạo, tìm ra cái mới trong khoa học, nhà nghiên cứu không còn con đường nào khác là đối mặt với yêu cầu bắt buộc đi lại hành trình tìm hiểu thế giới của loài người.

“Vấn đề quan trọng là không được vội và không được sợ. Khi đọc một cuốn sách khó, bạn nên hiểu không phải vì bản chất vấn đề khó, mà do người viết dở và bạn cần phải tìm cách viết lại cho nó dễ hiểu hơn. Tất nhiên không nhất thiết phải đi lại từ đầu và tất cả, nhưng nhất thiết phải tìm hiểu cặn kẽ mọi vấn đề nếu như mình thật sự muốn làm một công trình có ảnh hưởng sâu rộng tới lĩnh vực mình theo đuổi. Nên đặt ra câu hỏi cho mình để hướng cái sự học vào đó. Và đã học là học cho đến cùng, học đến nơi đến chốn” - GS Ngô Bảo Châu khuyên.

GS Ngô Bảo Châu công nhận điều kiện làm việc ở trong nước còn thiếu thốn nên các nhà khoa học phải nỗ lực hơn rất nhiều. Tuy nhiên để đạt được những thành công trong nghiên cứu khoa học, ngoài các điều kiện cơ bản như đảm bảo đời sống cho nhà nghiên cứu, môi trường làm việc thì việc tổ chức làm việc là yếu tố cần được quan tâm.

IcxzthXD.jpgPhóng to
GS. Ngô Bảo Châu tại giảng đường C2 ĐH Bách khoa Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh
1tjwE8WL.jpgPhóng to
Chủ tịch Quỹ Hòa bình quốc tế Uwe Morawetz phát biểu tại buổi giao lưu giữa GS Ngô Bảo Châu với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh
MDLLkItC.jpgPhóng to
PGS.TS Phạm Hoàng Lương - phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa - tặng kỷ niệm chương cho giáo sư Ngô Bảo Châu - Ảnh: Nguyễn Khánh
3gTjASY3.jpgPhóng to
Giáo sư Ngô Bảo Châu bật cười trước một câu hỏi của một bạn sinh viên về chuyện lập gia đình từ khá sớm của mình - Ảnh: Nguyễn Khánh
gBB3064t.jpgPhóng to
Đến 16g30, buổi đối thoại đã kết thúc tốt đẹp - Ảnh: Nguyễn Khánh
HỒ NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên