10/10/2021 09:55 GMT+7

GS Ngô Bảo Châu: 'Con không theo nghiệp toán, tôi không quá buồn'

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Ngày 8 và 9-10, nhiều chuyên gia giáo dục đã tham dự hội nghị thường niên về giáo dục mang tên "Bản hòa ca trí tuệ" (Symphony of the mind) để cùng phác họa những xu hướng của giáo dục trong một giai đoạn nhiều biến động như hiện nay.

GS Ngô Bảo Châu: Con không theo nghiệp toán, tôi không quá buồn - Ảnh 1.

Học sinh TP.HCM tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Chương trình do Tổ chức Embassy Education thực hiện, quy tụ những nhà hoạt động giáo dục nổi tiếng trong và ngoài nước như GS Howard Gardner, GS Ngô Bảo Châu, GS Trần Thanh Vân, nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh... Tuổi Trẻ lược ghi ý kiến tại hội nghị:

GS Trần Thanh Vân (chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam)

Tạo thêm điều kiện để học sinh phát triển tư duy

- Theo tôi, chúng ta cần tạo thêm điều kiện để học sinh phát triển tư duy, sự tò mò, khả năng quan sát và phân tích. Một trong những phương pháp hiện khá thành công là hướng tiếp cận Reggio Emila, đặc biệt dành cho những trẻ mẫu giáo. 

Trong lớp học, các em được khuyến khích đặt ra rất nhiều câu hỏi. Thầy cô sẽ cho các em hoạt động theo nhóm, cùng làm thí nghiệm, quan sát và ghi nhận rồi trình bày ý tưởng. 

Các em sẽ tiếp tục hỏi, đối thoại và làm thí nghiệm dưới sự hướng dẫn cho đến khi hiểu bài. Lúc này thầy cô mới đưa ra các khái niệm, và khi đó, các tế bào thần kinh của các em sẽ ghi nhận những kiến thức như đã học từ lúc nào.

Ở Quy Nhơn, Hội Gặp gỡ Việt Nam với sự hỗ trợ của Chính phủ và tỉnh Bình Định đã thành lập một trung tâm khám phá khoa học. Tại đây, thầy cô và cha mẹ có thể cùng các em "chơi" khoa học, làm bạn với khoa học. 

Càng nhiều sân chơi khoa học, học sinh sẽ say sưa tìm hiểu, khám phá thêm về thế giới xung quanh, trau dồi cho sáng tạo. Vì vậy, chúng ta - thế hệ đi trước - có thể bắt tay để tạo thêm môi trường mà trí tuệ được dùi mài. 

Chỉ khi được bồi đắp trên một nền tảng khoa học dồi dào, một nền tảng gia đình và xã hội vững chắc thì sự sáng tạo mới có thể nảy nở.

Tôi mong rằng thế hệ tiếp theo có thể thụ hưởng môi trường phù hợp để tiếp xúc với một thế giới rộng lớn hơn, có dịp bộc lộ tiềm năng. Nhờ vậy, các em sẽ có đủ năng lực để tư duy độc lập, nói lên nguyện vọng của mình và không bị bó hẹp bởi những thiên kiến từ trước. 

Lúc ấy, tình yêu thương và lòng trắc ẩn ngưng tụ trong nội tâm sẽ là động cơ mãnh liệt để các em cùng chung sức đem trí sáng tạo "lèo lái" xã hội đến những bờ bến tích cực, nhân văn và tươi sáng.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh (chủ tịch Quỹ hòa bình và phát triển TP.HCM)

Bồi đắp trí tuệ cảm xúc ở ngay trong cộng đồng

Giáo dục hiện đại là giáo dục toàn diện, vừa kích thích trí thông minh tổng quát (IQ) vừa nuôi dưỡng trí thông minh cảm xúc (EQ) cho mỗi người học. Ở đó, học sinh không chỉ biết giải những bài toán mà cần được trau dồi thêm về nghệ thuật, văn hóa và cả tính nhân văn. Ở đó, giáo dục toàn diện luôn có mối quan hệ tác động qua lại giữa IQ và EQ, để có sự cân bằng giữa khối óc và trái tim.

Khái niệm EQ bao gồm việc phát triển tâm hồn, trí tưởng tượng, khát vọng hướng về cái đẹp. Khi hiểu được cái đẹp, các em sẽ biết được cái thiện. Để bồi đắp EQ, các môn học về văn hóa, nghệ thuật cần đặt một vị trí quan trọng trong nhà trường ngay từ cấp I. Học sinh sẽ được khuyến khích cảm xúc cá nhân để biết được những giá trị cảm xúc, tinh thần.

Dù vậy, cần lưu ý EQ là một quá trình hai chiều. Học sinh không chỉ được dạy cách bày tỏ cảm xúc của mình mà cần biết cách lắng nghe, đồng cảm với cái đẹp, cái đau của người khác. Nói cách khác, phát triển EQ cần gắn với cộng đồng và được vun đắp trong xã hội, nếu không học sinh chỉ biết thể hiện và giải tỏa bản thân. Vấn đề này cần được đặt ra khi tích hợp EQ trong các chương trình giáo dục hiện đại ngày nay. Dạy học EQ có rất nhiều hứa hẹn nhưng không đơn giản.

GS Ngô Bảo Châu: Con không theo nghiệp toán, tôi không quá buồn - Ảnh 2.

Trẻ đam mê thiên văn trong sự kiện ngắm nhật thực tại TP.HCM - Ảnh: TRỌNG NHÂN

GS Ngô Bảo Châu (huy chương Fields năm 2010)

Không sáng tạo, việc học chưa đến nơi đến chốn

Sáng tạo là phần cốt yếu trong nhiều lĩnh vực như nghiên cứu, khoa học, nghệ thuật, văn hóa... và cả trong dạy học. Với học sinh, nếu không có sự tìm tòi sáng tạo thì việc học, theo tôi, chưa đến nơi đến chốn. Người học cần chủ động tiếp thu những gì được thầy giáo dạy qua những cách hiểu của riêng mình. 

Tương tự, người thầy thực thụ cũng không bao giờ truyền đạt những kiến thức "chết". Họ không chỉ đọc thuộc lòng lại những gì trong sách, không giảng đi giảng lại những kiến thức năm nay cũng giống năm trước.

Tôi thích câu nói của John Deway cho rằng "Giáo dục không phải là sự chuẩn bị cho cuộc sống mà giáo dục chính là cuộc sống". Ngay trong khi học, trẻ con cần được sống cuộc sống của mình, sống như một đứa trẻ. Không phải trẻ chỉ có chơi, chúng có thể học khoa học, học viết, toán, những môn nghệ thuật khác... tùy theo sở thích và khả năng. Người lớn có thể tạo điều kiện để khơi gợi trẻ học những gì chúng muốn hơn là bắt trẻ học quá nhiều những thứ không thích.

Trước nay cha mẹ thường quan niệm cho con có một nghề nào đó, không có nghề là không sống được. Theo tôi, có một nghề cũng quan trọng nhưng thực tế ít ai cứ làm mãi một nghề. Nhiều người cũng học nghề này nhưng lại làm nghề khác. Vậy đâu là yếu tố quyết định thành công trong cuộc sống và sự nghiệp mà có thể giáo dục các em?

Tôi nghĩ đó là sự mềm dẻo trong tư duy, là kỹ năng, sự sáng tạo... trong cuộc sống luôn luôn thay đổi. Ngoài ra, vốn văn hóa cũng là một yếu tố giúp các em hội nhập trong mọi điều kiện. Khi đó, dù ở đâu thì các em cũng có thể hiểu được mọi người, có thể đem những gì tốt đẹp của mình lan tỏa cho người khác.

Văn hóa cũng ngày càng hữu ích để có một cuộc sống dễ chịu hơn. Một người không thể đón nhận những chia sẻ của người khác hoặc không biết chia sẻ gì thì khó lòng có được hạnh phúc thật sự. Tôi nghĩ là các em được trao cho một vốn văn hóa từ sớm cũng quan trọng không kém gì cho các em một cái nghề, để có thể thành công trong công việc và cuộc sống.

"Con không theo nghiệp toán, tôi không quá buồn"

"Trẻ con nhà tôi học không xuất sắc lắm đâu. Các cháu có nhiều đam mê khác như nghệ thuật, âm nhạc và cả kinh doanh. Tất nhiên tôi cũng mong muốn một trong những đứa con mình theo đuổi sự nghiệp toán, nhưng khi điều này không thành công, tôi không quá buồn. Cái mà tôi thật sự mong muốn là các con trở thành một người thật sự độc lập, biết làm chủ cuộc sống và hạnh phúc trong cuộc sống của mình, cảm nhận những cái hay, cái đẹp, biết sống chan hòa, biết đem lại niềm vui cho người khác" - GS Ngô Bảo Châu.

Nhà giáo dục Tony Diệp - giám đốc công ty i-IVY:

Học sinh giỏi không chỉ điểm số cao

Theo tôi, định nghĩa một học sinh giỏi hiện nay không đơn giản chỉ là có điểm số cao. Một học sinh giỏi cần có thêm ba yếu tố khác, bao gồm biết cách áp dụng kiến thức đã học, biết nhìn những vấn đề với nhiều khía cạnh khác nhau và biết cách suy nghĩ rộng trong cuộc sống.

70% các trường ĐH thường đánh giá điểm số của các hồ sơ đăng ký để xem có đáp ứng được tiêu chuẩn hay không. Tuy nhiên để được nhận, ứng viên phải đáp ứng được yêu cầu về các kỹ năng và tư duy. Trường sẽ xem việc các em có thể đóng góp được gì cho cộng đồng sau khi vào trường hay không. Vì vậy, việc tạo điều kiện tham gia hoạt động bên ngoài trường học để lấy điểm số có thể sẽ là xu hướng của giáo dục trong thời gian tới.

Như vậy, người giáo viên không đơn giản chỉ làm nhiệm vụ truyền đạt kiến thức. Giáo viên nên là những "mentor" (những người hướng dẫn), không chỉ dừng lại ở các bài giảng mà có thể đi cùng với học sinh trong hành trình rèn luyện. Ngoài ra, giáo dục hiện nay cần tăng cường sự tham gia của chính các học sinh. Hoạt động trao đổi, học hỏi lẫn nhau sẽ giúp các em có thêm rất nhiều góc nhìn mới. Cuối cùng, học sinh cần được xây dựng một cách nghĩ rộng hơn về việc học, rằng các em có thể dùng chính những kiến thức đã tiếp thu để đóng góp cho cuộc sống sau này.

Giáo sư Ngô Bảo Châu: Giáo sư Ngô Bảo Châu: 'Không có sự tìm tòi sáng tạo, việc học chưa đến nơi đến chốn'

TTO - Chia sẻ của giáo sư Ngô Bảo Châu tại hội nghị về giáo dục 'Bản hòa ca trí tuệ' diễn ra trong hai ngày 8 và 9-10 thu hút hàng ngàn lượt theo dõi trên các nền tảng trực tuyến.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên