GS Lê Thị Hoài An
Năm 2021 qua là một dấu mốc đáng nhớ với GS.TS Lê Thị Hoài An (Đại học Loraine, Pháp): tròn 30 năm chị sống và làm việc trên đất Pháp. Ở một giai đoạn tròn đầy của sự nghiệp với lòng đam mê và sự cống hiến không ngừng nghỉ, chị tự hào khi nhận được những vinh dự cao nhất trong đời của một người trí thức. Và thật hạnh phúc khi chị có một người bạn đời vừa là thầy, là bạn, là đồng nghiệp, là người chung đam mê cũng như mối quan tâm trong nghiên cứu khoa học.
Có một thực tế thú vị là mọi hoạt động trong thực tiễn đều có thể biểu diễn bằng ngôn ngữ toán học. Và nhìn vào mọi điều trong đời sống, chúng ta đều mong muốn có những giải pháp tối ưu hóa, nghĩa là làm sao đó tìm ra cách thức tiến hành hoạt động có hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất có thể. Lĩnh vực nghiên cứu của chúng tôi mong muốn tìm ra những giải pháp tối ưu đó.
GS Lê Thị Hoài An
Cha mẹ và tình yêu kiến thức
Hơn 30 năm qua, chị vẫn vẹn nguyên một niềm say mê, nhiệt huyết với nghiên cứu, giảng dạy, ứng dụng thuật toán tối ưu do chị và chồng chị - GS Phạm Đình Tảo - phát triển.
Nhớ lại những ngày tháng bắt đầu sự nghiệp và 10 năm công tác tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1 sau khi chị được giữ lại làm giảng viên tại khoa toán với những khó khăn chung của cả một thế hệ, chị thầm cảm ơn những kiến thức và tài sản tinh thần cha mẹ đã dành cho lúc đó.
Nhà có bốn anh chị em, cha mẹ của chị đều là nhà giáo, kinh tế rất chật vật, "của cải" lớn nhất cha mẹ dành cho các con là trí tuệ và niềm khát khao tri thức. Với hành trang vào đời như thế, cả bốn người con đều là tiến sĩ, hai người là giáo sư và hai người là phó giáo sư ở các trường đại học, viện nghiên cứu. Mẹ chị cũng chính là người đã dạy, truyền cho chị tình yêu với tiếng Pháp, một ngôn ngữ mà lúc học, chị không bao giờ nghĩ sẽ trở thành nhịp cầu quan trọng tạo nên bước ngoặt lớn sau này.
"Tôi tâm đắc với một câu nói nổi tiếng của một nhà triết học Pháp: "Mọi thứ tồn tại trong vũ trụ đều là kết quả của sự ngẫu nhiên và tất yếu", chị chia sẻ thêm về những trải nghiệm trong đời đã khiến chị cảm nhận sâu sắc hơn câu nói đó.
Theo học tiếng Pháp ở một thời điểm nó không phải ngôn ngữ được ưa chuộng nhất để rồi sau đó có được cơ hội học bổng ở Pháp, mở ra hướng đi mới trong cuộc đời cũng như sự nghiệp là một trong những sự ngẫu nhiên như thế với chị.
Bạn đời và tình yêu khoa học
Trong gia đình lớn của GS Hoài An cũng có một sự "phân chia" ngẫu nhiên vô cùng thú vị. Trong khi hai người con theo đuổi sự nghiệp văn chương giống cha - PGS nghiên cứu lý luận văn học Lê Bá Hán, hai người con khác lại theo đuổi ngành toán giống mẹ - cô giáo Nguyễn Thị Lộc.
Nhưng hẳn là không "ngẫu nhiên" khi chị chọn người bạn đời có chung một niềm đam mê toán học. Đó là GS.TS Phạm Đình Tảo, người thầy, người bạn và người đồng nghiệp của chị trong chuyên ngành tối ưu hóa - một lĩnh vực toán học đóng vai trò rất quan trọng trong thực tiễn.
Điều đặc biệt hơn khi chính những công trình trong luận án tiến sĩ của chị đã tạo ra bước nhấn ngoạn mục cho sự phát triển của thuật toán hiệu hai hàm lồi, tên tiếng Việt viết tắt là "Quy hoạch DC và DCA" tìm ra hướng giải quyết cho công trình nghiên cứu thuật toán tối ưu hóa mà anh đã sáng lập ở trạng thái sơ khai năm 1985.
Với thành quả đó, chị đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán ứng dụng chuyên ngành tối ưu hóa và vận trù học chỉ sau 2 năm 3 tháng. Cũng chỉ 2 năm rưỡi sau đó chị bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học, đây là một thành tích xuất sắc nếu nhìn vào thời gian trung bình giữa hai lần bảo vệ luận án này của một nghiên cứu sinh tại Pháp là từ 8 - 10 năm, hoặc lâu hơn thế.
Quy hoạch DC và DCA đã trở thành "đứa con" thành công nhất của vợ chồng chị khi càng ngày càng trở nên hữu dụng hơn trong các lĩnh vực công nghệ hiện nay, đặc biệt là khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Niềm vui và tự hào của anh chị là đã sáng lập ra một trường phái riêng trong khoa học, được thế giới khai thác, sử dụng trong nhiều lĩnh vực quan trọng. Cho tới nay "Quy hoạch DC và DCA" đã trở thành công cụ hiệu quả và được ứng dụng rất nhiều trong các quy trình sản xuất, quản lý của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn ở Pháp cũng như các nước.
Hiện chị đang chủ trì nhiều dự án lớn ở Pháp trong quản lý năng lượng của tập đoàn vận chuyển điện quốc gia (RTE) và quản lý, điều hành phương tiện không người lái của NAVAL Group, một tập đoàn lớn gắn liền với Bộ Quốc phòng Pháp.
Trước các nhu cầu mới của thời hiện đại, đặc biệt là những thách thức xử lý dữ liệu lớn (big data), hai nhà khoa học chung một mái nhà vẫn đang ngày đêm say mê và bận rộn với nghiên cứu để "đứa con" đó của họ lớn mạnh hơn nữa và không ngừng đổi mới.
"Quy hoạch DC và DCA không đơn giản là một thuật toán, mà đó là một triết lý, một cách tiếp cận để xây dựng một họ các thuật toán. Mặt khác một thuật toán tốt không thể giải nhiều bài toán bằng cùng một cách giống nhau, chúng tôi luôn nghiên cứu để thuật toán thích ứng với cấu trúc đặc biệt của mỗi bài toán cần giải", chị nói.
Khi được hỏi điều gì chị tâm đắc nhất trong sự nghiệp 30 năm qua, chị chia sẻ đó là "được làm những việc mình thích và luôn đam mê những việc mình làm".
Mong gây dựng ngành toán ứng dụng ở Việt Nam
Kể từ năm 1998 (khi trở thành PGS) đến nay, chị Hoài An đã nhiều lần về Việt Nam tham gia các chương trình hợp tác giảng dạy, đào tạo nghiên cứu sinh với các trường trong nước. Ngay từ lúc đó, vợ chồng chị đã ấp ủ giấc mơ xây dựng ở Việt Nam một trung tâm nghiên cứu về toán học ứng dụng và công nghệ tính toán.
Điều này được thúc đẩy bởi thực tế bấy giờ là toán học ứng dụng vẫn chưa phát triển ở Việt Nam, trong khi nhu cầu của xã hội trước sự phát triển với tốc độ cao của công nghệ không ngừng lớn mạnh.
Sau bao năm đào tạo nhiều tiến sĩ và thạc sĩ toán ứng dụng người Việt, mới đây chị đã thành lập được ở Trường Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội một phòng nghiên cứu về khoa học dữ liệu và tối ưu hóa các hệ thống phức tạp, với phần lớn là các tiến sĩ do anh chị đào tạo.
Chị đã dành nhiều tâm huyết và đóng góp cho Việt Nam thông qua các chương trình đào tạo thạc sĩ Pháp - Việt, hợp tác khoa học với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, và Ban Cơ yếu Chính phủ. Đặc biệt chị đã và đang đào tạo 25 tiến sĩ toán ứng dụng của Việt Nam, trong số đó 16 tiến sĩ đang đảm đương những vai trò quan trọng tại các trường đại học lớn ở Việt Nam, 4 PGS/nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Pháp và Mỹ.
Các thành tựu nổi bật
* Huân chương "Ordre des Palmes Académiques" của Chính phủ Pháp - giải thưởng quốc gia cho các học giả và nhân vật có đóng góp lớn trong lĩnh vực "Văn hóa và giáo dục".
* Giải thưởng toán học thế giới Constantine Caratheodory 2021 của Hiệp hội Quốc tế về tối ưu hóa toàn cục. GS Lê Thị Hoài An là nhà nghiên cứu đầu tiên ở Pháp, thứ ba châu Âu và thứ mười trên thế giới nhận được giải thưởng danh giá này.
Vợ chồng GS Lê Thị Hoài An và GS Phạm Đình Tảo
* Thành viên cao cấp của Viện Hàn lâm Pháp (IUF), một tổ chức uy tín của Chính phủ Pháp bao gồm một số ít các GS/PGS đại học có thành tích xuất sắc nhất trong nghiên cứu với sự công nhận của cộng đồng khoa học quốc tế. Với hơn 280 công trình khoa học trong hai lĩnh vực toán tối ưu và khoa học dữ liệu, trong đó có 140 bài báo công bố trong các tạp chí khoa học quốc tế uy tín, hồ sơ khoa học của GS Hoài An được Hội đồng đánh giá là Đặc biệt xuất sắc (Exceptional) với số điểm 29/30.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận