GS Đặng Hùng Võ phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội sáng 18-9 - Ảnh: NGHĨA ĐỨC
Sáng 18-9, nêu ý kiến dẫn đề phát biểu tại phiên thảo luận về hoàn thiện chính sách đất đai trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - xã hội 2022, GS Đặng Hùng Võ, cựu thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, nói có nhiều vấn đề cần hoàn chỉnh trong chính sách đất đai nhưng điểm đầu tiên là vấn đề tư duy.
Ông nói chúng ta vẫn quen tư duy bao cấp hay công cụ hành chính, điều đang tồn tại trong đầu mỗi người và chi phối rất nhiều ý kiến: "Điều quan trọng nhất mà nghị quyết 18 của Ban Chấp hành trung ương đã nói là phải thương mại hóa quyền sử dụng đất. Chủ trương rất ngắn nhưng câu chuyện rất dài. Điều quan trọng nhất là phải loại bỏ tư duy bao cấp.
Nói cách khác, công cụ hành chính vẫn được chấp nhận nhưng chỉ được sử dụng trong phạm vi nhất định chứ không phải động một chút là đưa công cụ hành chính ra. Chúng ta phải tôn trọng công cụ thị trường. Đây là cách thức tạo ra sự phát triển, bền vững và có thể vốn hóa đất đai một cách hiệu quả".
Ông cũng chỉ rõ trong sửa Luật đất đai có hai vấn đề trọng tâm cần giải quyết thấu đáo. Đầu tiên là giá đất thị trường, đừng nhầm lẫn giá trị đất đai trên thị trường với giá giao dịch của từng thương vụ.
Cụ thể, giá giao dịch của từng thương vụ là con số bấp bênh bởi lần giao dịch này với lần giao dịch khác, địa điểm này với địa điểm khác, có khác biệt. Dựa vào đó sẽ không có giá thị trường.
Giá trị thị trường, ông Võ nhấn mạnh, là kết quả ước lượng về giá thị trường. Cụ thể, đó là kết quả của bài toán thống kê hay ước lượng giá trị thống kê.
"Đây không phải là bài toán số học mà là bài toán thống kê. Đó là ước lượng giá trị dựa vào một tập hợp các số liệu thống kê giá trị giao dịch của từng trường hợp. Chính vì vậy không bao giờ có giá trị thị trường là một con số chính xác. Nhà chức trách cần lập cơ sở dữ liệu và sử dụng phần mềm xử lý để tính toán, xác lập giá đất thị trường", ông Võ nói.
Theo ông Võ, các nước chỉ cần xác định được giá đất của nhà nước bằng khoảng 70-80% giá đất thị trường là đủ mức cần thiết. Việt Nam cũng nên theo thông lệ này.
"Chúng ta cần quan niệm lại, làm rõ thế nào là giá đất thị trường. Điều này liên quan đến tất cả mọi việc điều phối về giá trị đất đai trên thị trường. Chúng ta vốn hóa có thành công hay không chính là có hiểu giá trị đất thị trường hay không", ông Võ nhận định.
Thứ hai là chuyển dịch đất đai. Theo ông Võ, nước ta vẫn đi theo hai hướng là chuyển dịch đất đai bắt buộc do Nhà nước quyết định và chuyển dịch đất đai tự nguyện, tức thỏa thuận theo cơ chế thị trường, tạo thành hai trạng thái cực đoan, không có lợi.
Ông phân tích: Chuyển dịch do Nhà nước quyết định thì phát sinh khiếu kiện của người dân. Chuyển dịch tự nguyện thì đầu tư chẳng bao giờ có đủ đất, bởi chỉ thảo luận được với 70-80%, còn 20-30% vẫn không đồng ý hợp tác.
Giá đất thị trường nên xây dựng trên căn cứ giá trị
GS Hoàng Văn Cường, phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, đồng tình giá đất thị trường nên xây dựng trên căn cứ giá trị, tính ổn định cao hơn, thay vì giá cả - yếu tố luôn biến động.
Theo ông Cường, Luật đất đai sửa đổi cần quy định về đăng ký, cập nhật giá đất hằng năm để phản ánh chính xác đất đai được giao dịch, sử dụng ra sao.
Cơ quan quản lý cần xây dựng cơ sở dữ liệu số, đưa thông tin giá và thuế đất từng thửa đất theo mỗi năm vào kho dữ liệu này... nhằm hạn chế xin - cho, lợi ích cá nhân trong định giá đất.
Bên cạnh đó, cơ chế giá đất cho phát triển bất động sản phải xác định phù hợp với giá trị thị trường của đất đai và dùng cơ chế thị trường để lựa chọn các nhà đầu tư đủ năng lực dự án phát triển bất động sản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận