Từ năm 2017 Chính phủ Greenland (Siumut) đã thành lập Ủy ban Hiến pháp và sau hơn bốn năm chuẩn bị, ngày 28-4 bản dự thảo hiến pháp với 49 chương đã được công bố.
Người đứng đầu Siumut, Múte B. Egede, gọi đây là "một ngày lịch sử", trong khi nhà hoạt động chính trị uy tín của Greenland, ông Juno Berthelsen, thì gọi bản dự thảo này là "nền tảng để xây dựng một quốc gia".
Hành trình gian nan
Ngày 1-5, bản dự thảo đã được trình lên Nghị viện Greenland (Inatsisartut). Tuy nhiên theo truyền thông địa phương, dự thảo đã không đi sâu vào một số vấn đề chính như hộ chiếu Greenlandic, quản lý tư pháp, cũng không đề cập đến chế độ quân chủ.
Theo đạo luật về tự trị được áp dụng cho Greenland, nền độc lập của đảo phải được đưa ra trưng cầu ý dân tại Greenland và nhận được sự đồng thuận của cả Inatsisartut (có 31 thành viên) lẫn Nghị viện Đan Mạch (nơi Greenland có 2/179 nghị sĩ).
Ông Rasmus Leander, giám đốc Trung tâm chính sách đối ngoại và an ninh tại Đại học Greenland - Ilisimatusarfik, tỏ ra rất thực tế khi phát biểu: "Ai cũng muốn độc lập, nhưng còn nhiều suy nghĩ khác nhau về thời điểm, cách thức và cách thức".
Bản Hiến pháp 1953 của Đan Mạch công nhận Greenland là một đơn vị hành chính.
Người Greenland (hay Inuit mà ta quen với tên gọi Eskimo) mang quốc tịch Đan Mạch, nhưng nhiều người không hài lòng khi tiếng Đan Mạch là ngôn ngữ chính thức trên đảo, dẫn đến phong trào đòi độc lập vào những năm 1970.
Đến năm 1979 Greenland được quyền bán tự trị, có cơ quan lập pháp riêng và nắm quyền kiểm soát một số chính sách nội bộ.
Ngày 21-6-2009 ghi một bước tiến dài trong quá trình giành độc lập của Greenland khi đảo được quyền tự quản về các vấn đề tư pháp, an ninh và tài nguyên thiên nhiên.
Người Greenland được công nhận là một dân tộc riêng biệt theo luật pháp quốc tế và Greenlandic được tuyên bố là ngôn ngữ chính thức duy nhất tại đây.
Tuy nhiên Đan Mạch vẫn chịu trách nhiệm về quyền công dân, tòa án tối cao, chính sách đối ngoại và quốc phòng, chính sách tiền tệ cùng khoản trợ cấp hằng năm từ 473-500 triệu USD (hơn 50% nguồn thu của Greenland), năm 2023 là 606 triệu USD.
Khoản trợ cấp sẽ giảm dần khi Greenland bắt đầu thu được tiền từ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đan Mạch cũng tiếp tục chịu trách nhiệm đối với 32 khu vực chưa được khai phá trên đảo.
Ước mơ và thử thách
Kinh tế Greenland phụ thuộc nhiều vào đánh bắt cá tôm, chiếm hơn 90% kim ngạch xuất khẩu của đảo, tuy nhiên nguồn thu này giảm đáng kể từ những năm 1970 vì nhiều lý do. Ngành công nghiệp thuộc da hải cẩu cũng gặp khó khăn do phong trào bảo vệ động vật hoang dã.
Greenland có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú với nhiều khoáng sản có giá trị, các loại đất hiếm, kim loại quý, đá quý, than, than chì và uranium. Tuy nhiên do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, chi phí thăm dò và khai thác quá cao, nên nguồn thu từ khoáng sản ở đây vẫn rất nhỏ bé so với tiềm năng.
Tháng 10-2013, Inatsisartut đã chính thức thay đổi chính sách về khai thác khoáng sản và uranium trên đảo. Nắm bắt cơ hội nhanh nhất là các nhà đầu tư Trung Quốc.
Năm 2016 Công ty Greenland Minerals của Úc - Trung Quốc đã giành được quyền khai thác mỏ đất hiếm tại Kuannersuit, được xem là mỏ đất hiếm lớn thứ hai thế giới và mỏ uranium lớn thứ sáu thế giới.
Gần đây EU đã tài trợ cho Liên minh Nguyên liệu thô châu Âu, đơn vị đang điều phối đầu tư và cung cấp vốn ban đầu cho các mỏ, nhà máy chế biến và các ngành công nghiệp như chế tạo nam châm của châu Âu tại Greenland.
Năm 2020 EU đã khởi động khoản đầu tư 10 tỉ euro vào các dự án liên quan đến năng lượng xanh và khai thác đất hiếm nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Hiện Trung Quốc chiếm 95 - 98% nguồn cung đất hiếm cho thế giới. Theo các chuyên gia, nhu cầu đất hiếm của thế giới có thể tăng gấp 10 lần vào năm 2050.
Một vấn đề khiến nhiều người băn khoăn là vị thế của một quốc gia với hơn 56.000 dân khi cả Mỹ, Nga, Trung Quốc dành cho nơi đây sự quan tâm đặc biệt, không chỉ vì tài nguyên, mà chủ yếu vì vị trí chiến lược của Greenland.
Một số chính trị gia Greenland đã đề cập tới khả năng duy trì quan hệ hợp tác chặt chẽ với Đan Mạch, xa hơn nữa là với EU.
Theo ông Juno Berthelsen, khi trở thành quốc gia độc lập, được Liên Hiệp Quốc công nhận, có hiến pháp riêng, "sự hợp tác mà chúng tôi có với Đan Mạch sẽ diễn ra trên cơ sở bình đẳng hơn".
Mô hình "liên kết tự do"
Bản dự thảo hiến pháp cũng đề xuất Greenland có quyền tham gia các thỏa thuận mới, chẳng hạn như về an ninh quốc phòng mà Đan Mạch hiện đang đảm trách.
Một phụ lục của dự thảo này đề cập đến "Thỏa thuận liên kết tự do tiềm năng" có gợi ý là Greenland, với tư cách là một quốc gia độc lập, có thể hợp tác với một hay nhiều nước khác...
Nói cách khác, đây là mô hình liên kết tự do mà một thí dụ điển hình là Hiệp định giữa Mỹ với quần đảo Marshall.
Tới nay thì phía Đan Mạch vẫn chưa đưa ra phát biểu hay nhận xét gì về bản dự thảo hiến pháp của Greenland, một phần vì họ còn đang phân tâm với cuộc chiến Nga - Ukraine, một phần do họ hiểu rằng người dân Greenland cần có thời gian suy ngẫm.
Tuy nhiên điều chắc chắn là các nước trong khối Scandinavia lẫn EU đều không muốn Nga và Trung Quốc giành được vai trò chi phối vùng địa cực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận