TTCT - Hồi năm 2019, khi tổng thống Mỹ lúc đó là Donald Trump hỏi mua hòn đảo khổng lồ ở Bắc Cực Greenland từ Đan Mạch, ông đã bị chê là vô duyên và lố bịch. Nhưng giờ, khi cuộc bầu cử sớm sắp diễn ra ở đấy - chính quyền Greenland sụp đổ vì tranh cãi liên quan tới tài nguyên đất hiếm - xem chừng ông Trump đã nhìn xa trông rộng. Cuộc bầu cử ở Greenland, với tổng dân số chỉ hơn 56.000 người, dự kiến diễn ra vào ngày 6-4, và chỉ hơn một tháng sau sẽ là cột mốc trọng đại khác - 300 năm ngày vùng đất này trở thành lãnh thổ của Đan Mạch. Đầu cua tai nheo cũng là từ đó: ở đây có một phe đang đòi độc lập.Đất đâu đất lạ đất lùngDù dân Inuit bản xứ của Greenland đã sống ở đó tối thiểu từ năm 1200, cho tới trước năm 1721, với “thế giới văn minh”, đây coi như hoang địa không người. 12-5-2021 đánh dấu tròn 300 năm mục sư Tin lành Hans Egede, được Hoàng gia Đan Mạch bảo trợ, giương buồm đi truyền giáo ở đảo Greenland. Với nhiều dân bản xứ ngày nay, ngày đó trở thành biểu tượng cho việc kết thúc nền tự trị của họ. Một bức tượng nhà truyền giáo này ở thủ phủ Greenland, Nuuk, ngày nay vẫn gây tranh cãi dữ dội và suýt nữa đã trở thành một nạn nhân không lời của cuộc thanh trừng văn hóa quá khứ rầm rộ đang diễn ra.Tương Hans Egede ở Nuuk, thủ phủ Greenland, từng bị bôi bẩn và là một biểu tượng gây nhiều tranh cãi. Ảnh: Arctic Today Dù nhiều quyền tự trị rộng rãi đã được Đan Mạch trao lại vào năm 2009, một số lượng không nhỏ những người đòi độc lập hoàn toàn ở hòn đảo lớn nhất thế giới (hoặc lớn thứ hai, nếu ta tính Úc là đảo, thay vì một đại lục) đang ngày càng lớn tiếng. Trở ngại duy nhất của họ lúc này là… tiền, khi Greenland vẫn đang phải ngửa tay xin một nửa ngân sách chi tiêu hằng năm từ “mẫu quốc” Đan Mạch.Nhóm đòi độc lập, do cựu thủ hiến Hans Enoksen của Đảng dân túy Partii Naleraq đứng đầu, đã tính toán là với tài nguyên đất hiếm sẵn có ở đây - điều khiến Greenland, dù lạnh lẽo băng giá, người thưa đất nghèo, vẫn được không ít đại gia khắp thế giới ve vãn đòi bao (như ông Trump năm 2019, nhưng không chỉ có ông Trump) - hòn đảo này có thể độc lập hoàn toàn.Ông Enoksen còn đặt một cột mốc mục tiêu rõ ràng: độc lập ngay lập tức vào 21-6-2021 nếu đảng ông thắng cử lần này.Vị thế chính trị của Greenland khá phức tạp. Họ là lãnh thổ tự trị thuộc Vương quốc Đan Mạch, dân chúng Inuit bản xứ chiếm đa số ở đây rất ý thức xây dựng bản sắc quốc gia riêng và hầu hết các vấn đề quốc nội, thực ra họ đã độc lập với Copenhagen rồi. Nhưng dân Greenland giờ muốn mở rộng thêm những quyền đó, để bao gồm chính sách di dân, hàng hải và cả một số khía cạnh đối ngoại - tất nhiên điều kiện đi kèm là họ phải tự chi trả với tỉ lệ nhiều hơn mức một nửa do ngân sách trung ương đài thọ như hiện nay. Quyền độc lập hoàn toàn cũng được ghi rõ trong hiến pháp Greenland, miễn là trưng cầu ý dân thông qua.Còn phức tạp hơn cả lịch sử và “tư cách pháp nhân” là địa lý của hòn đảo này. Bản đồ thế giới kiểu Mercator phổ biến ngày nay khiến ai không rành địa lý sẽ thấy sao Greenland bự quá xá: gần bằng cả Phi châu. Nhưng ngay cả khi ngoài đời thực Greenland nhỏ hơn vậy 14 lần, hòn đảo này vẫn bự thiệt: 2,16 triệu km vuông, tức gấp 6,5 lần Việt Nam. Còn về mức độ xa xôi cách trở, nếu một con quạ định bay từ Greenland tới Nhật Bản thì đường gần nhất của nó sẽ là theo hướng… bắc (qua Bắc Cực), và nó sẽ tới Nhật trước khi tới Brazil ở gần cực nam bán cầu.Do nằm gần cực bắc Trái đất, gần như toàn bộ Greenland là một bình nguyên băng khổng lồ - không biết đất đai kết thúc ở đâu và băng tuyết bắt đầu chỗ nào. Biến đổi khí hậu khiến tình hình thêm phức tạp: Mỗi năm các nhà khoa học lại phải dò lại bờ biển Greenland và sẽ phát hiện những hòn đảo mới do băng tan. Băng tan với tốc độ chóng mặt cũng mở ra nhiều đất mới có thể khai thác, mà bên dưới là các nguồn khoáng sản dồi dào, đặc biệt là đất hiếm - nguồn cơn của mọi sự khiến băng đảo bỗng nhiên nóng hổi trên nghị trường quốc tế.Sốt đất ở GreenlandTháng trước, chính quyền liên minh ở Greenland sụp đổ vì tranh cãi liên quan tới một mỏ khai thác đất hiếm và uranium mới. Căn cứ không quân Mỹ ở Thule, bắc Greenland. Ảnh: af.mil Phó thủ hiến Kuupik Kleist của Đảng Inuit Ataqatigiit là người chủ trương ở lại với Đan Mạch. Thủ hiến Kim Kielsen của Đảng Siumut, đã tại chức từ năm 2014, đồng ý về nguyên tắc việc độc lập, nhưng có lập trường lâu dài và thận trọng. Nhưng tình hình giờ đã khác, sau khi ông Kielsen mất ghế.Bình thường ai làm thủ hiến xứ khỉ ho cò gáy này hẳn chẳng làm kinh động tới nhiều “thiên đình” như vậy, nhưng báo cáo công bố đầu tháng 3 của tổ chức Anh chuyên nghiên cứu về vùng cực The Polar Connection - “Lập luận ủng hộ liên minh Ngũ nhãn với những nguồn khoáng sản quan trọng tập trung vào Greenland” - cho thấy dù có mật độ dân số 1 người/38 km vuông, đất đai ở đảo này vẫn sốt không thua gì đất Phú Quốc.Có lẽ vì là dân bất động sản chuyên nghiệp, ông Trump đã sớm nhận ra điều này nên sấn sổ đòi mua trọn hồi năm 2019. Dù chính Đan Mạch thực ra không quyết được chuyện bán buôn này và như tình cảnh chia rẽ ở Greenland cho thấy đây đang là “đất tranh chấp - không bán”, màn đánh tiếng của ông Trump đã đủ gây chấn động. Dân tình Mỹ bấy giờ mới nhiều người giật mình nhận ra Trung Quốc “đồng thời là nơi nắm giữ, nhà sản xuất, tiêu thụ, chế biến, nhập khẩu và xuất khẩu đất hiếm lớn nhất thế giới”.Kiểm soát thêm được nguồn đất hiếm Greenland, ưu thế đó của Bắc Kinh sẽ càng lớn - Trung Quốc hi vọng qua đó sẽ có thêm một mồi nhử trong cuộc mặc cả gay go với Mỹ hiện giờ. Giai đoạn 2012 - 2017, các công ty khai khoáng Trung Quốc đã thực hiện số giao dịch tổng cộng lên tới hơn 2 tỉ USD với những công ty nước ngoài có sở hữu quyền khai khoáng ở Greenland, nơi có GDP chỉ hơn 1 tỉ USD.Mỹ tất nhiên không khờ. Ông Trump không khờ, và ông Joe Biden lại càng không. Hồi tháng 2, tân tổng thống ký sắc lệnh hành pháp nêu rõ đường lối chủ trương của Hoa Kỳ nhằm xây dựng “những chuỗi cung ứng vững vàng, đa dạng và an toàn”, trong đó chỉ thị cụ thể bộ trưởng quốc phòng “đệ trình báo cáo phân tích rủi ro với nguồn cung các khoáng chất thiết yếu và những tài nguyên chiến lược khác, bao gồm đất hiếm”, kèm theo “khuyến nghị chính sách nhằm xử lý các rủi ro đó”.Greenland do đó đang được “nâng hạng” trong sự quan tâm của Mỹ, và giống như trong nhiều chuyện khác, sau khi đấu đá sứt đầu mẻ trán, trong chuyện này, nhiều khả năng ông Biden rồi sẽ lại nối bước… ông Trump - người vào tháng 6-2020 đã chấp thuận mở một lãnh sự quán Mỹ mới ở Nuuk. Phàm ở phương Tây, chuyện gì Mỹ đã phát pháo hiệu thì thường là “nhất hô bá ứng”. Ngay sau sắc lệnh của ông Biden, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen bình luận việc Trung Quốc áp đảo trong lĩnh vực đất hiếm là “không bền vững”. Ở Anh, nhóm “Nghị sĩ tất cả các đảng vì Greenland” được thành lập tháng 11-2020. Phó chủ tịch nhóm này Andrew Rosindell nói thẳng là phương Tây “không được phép quên” Greenland. “Vùng này có những khoáng sản thiết yếu với liên minh Ngũ nhãn…, một cơ hội có một không hai để giảm sự phụ thuộc của chúng ta vào Trung Quốc trong những nguồn tài nguyên quan trọng với quốc phòng và an ninh”.Sản xuất đất hiếm đã tăng 9% trong năm 2020 so với 2019, dù kinh tế suy thoái trầm trọng. Khoảng 95% việc chế biến hiện diễn ra ở Trung Quốc - chủ yếu bởi chi phí thấp. Tầm quan trọng của chúng với những công nghệ xanh và quân sự thế hệ mới như vũ khí laser, tuôcbin điện gió, lò phản ứng hạt nhân… là điều đã rõ ràng. Greenland, theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ, có trữ lượng đất hiếm chưa khai thác lớn nhất thế giới.Dân Greenland biểu tình phản đối một dự án khai khoáng. Ảnh: ejatlas.org Dân Greenland muốn độc lập gửi gắm hi vọng ở nguồn tài nguyên này, nhưng có một vấn đề: Đan Mạch là một nước rất nghiêm túc với chuyện môi trường, mà khai thác đất hiếm thường gây ra phóng xạ và nhiều vấn đề môi trường khác.Chính việc triển khai khai thác ở một khu mỏ, Kuannersuit, là nguồn cơn khiến chính trị Greenland lộn xộn suốt mấy tháng qua.Kuannersuit là “khu khai thác đất hiếm lớn thứ hai và uranium lớn thứ năm thế giới”, theo báo cáo kể trên. Nó nằm cách thị trấn Narsaq, thị trấn lớn thứ 9 toàn đảo với 1.300 cư dân, chỉ gần 10km. Dân chúng ở đây phản đối mạnh, dẫn tới tháng 11-2020, Thủ hiến Kielsen thua trong một cuộc bầu cử chủ tịch của đảng cầm quyền Siumut. Chủ tịch đảng mới, vốn hứa thay đổi chính sách ở Kuannersuit, là Erik Jensen, theo thông lệ sẽ là thủ hiến, nhưng Kielsen từ chối trao quyền. Hai tuần sau, Đảng Dân chủ rút khỏi liên minh cầm quyền, dẫn tới bầu cử sớm dự kiến vào tháng 4 này.Chủ đầu tư của dự án Kuannersuit là công ty Úc Greenland Minerals. Cổ đông lớn nhất của công ty này ư? Shenghe Resources (Thịnh Hòa Tư Nguyên), đại gia về đất hiếm đến từ Trung Quốc. ■Phía bắc Greenland có căn cứ không quân Thule, ban đầu được lập theo một thỏa thuận Mỹ - Đan Mạch trong Thế chiến II, rồi sau đó trở thành nơi Mỹ bí mật triển khai đầu đạn hạt nhân để đối phó Liên Xô trong chiến tranh lạnh. Nhưng tình thế nay đã thay đổi. Năm 2016, Bộ Quốc phòng Đan Mạch từ chối trả lời dứt khoát là họ có ngăn một công ty Hong Kong mua lại căn cứ hải quân không còn sử dụng tại Kangilinnguit hay không. Năm 2017, một phái đoàn “khách du lịch” Trung Quốc, bao gồm một sĩ quan hải quân cao cấp, tới thăm khu vực có khả năng dùng làm trạm phóng vệ tinh vũ trụ ở sân bay chính của Greenland. Mới tháng trước, chính quyền Đan Mạch tuyên bố tăng cường sự hiện diện trong khu vực này, với những khoản chi tiêu rất lớn cho máy bay không người lái để đối phó với điều mà Bộ Quốc phòng Đan Mạch gọi là “sự gia tăng các hoạt động của nước ngoài” trong vùng. Tags: Giết ngườiVladimir PutinQuan hệ Nga MỹChiến tranh lạnhJoe Biden
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Đạo diễn Việt Tú: Có 3 việc cần làm ngay để vươn đến nền công nghiệp giải trí ĐẬU DUNG 23/12/2024 Chỉ một, hai concert đơn lẻ như Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai thành công thì chưa thể gọi là công nghiệp biểu diễn.
Tin tức sáng 23-12: Thưởng Tết ở đâu cao nhất?; Mức sinh ở TP.HCM tăng nhẹ lên 1,4 con/phụ nữ TUỔI TRẺ ONLINE 23/12/2024 Tin tức đáng chú ý: Thưởng Tết ở đâu cao nhất?; Mức sinh ở TP.HCM dự báo tăng nhẹ lên 1,4 con/phụ nữ nhưng vẫn ở mức rất thấp...
Bài ca không quên lần đầu tiên biểu diễn ngoài trời, đường đi bộ Nguyễn Huệ rực cờ hoa HOÀI PHƯƠNG 22/12/2024 Nhiều ca sĩ như Cẩm Vân, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng, Phan Mạnh Quỳnh... góp giọng trong chương trình nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bournemouth nhấn chìm Man United ngay tại Old Trafford HOÀI DƯ 22/12/2024 Khuya 22-12, Man United tiếp tục chuỗi trận bất ổn khi để thua đậm Bournemouth 0-3 ngay trên sân nhà ở vòng 17 Giải ngoại hạng Anh (Premier League).