Nhiều chuyên gia cho rằng mô hình dịch vụ đi xe chung cần khuyến khích nhằm giảm kẹt xe. Trong ảnh: Grab taxi hoạt động tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Uber, Grab được các cơ quan quản lý gọi là taxi công nghệ để phân biệt với taxi truyền thống như Vinasun hay Mai Linh. Cuộc chiến giữa hai loại hình này ngày một nóng, với các ý kiến nhiều chiều. Cấm vì không quản được hay để thị trường, người tiêu dùng quyết định. Hoặc không cấm nhưng hạn chế số lượng để giảm kẹt xe. Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến xung quanh vấn đề này.
Ông Võ Kim Cương (nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM):
Bộ đang can thiệp vào thị trường
Việc hãng xe tổ chức cho hành khách đi chung xe là rất có lợi vì một ôtô chở được nhiều người sẽ kéo giảm ùn tắc giao thông ở TP.HCM. Tôi không hiểu vì sao Bộ Giao thông - Vận tải lại ra văn bản không chấp nhận cho tổ chức dịch vụ này.
Theo tôi, Bộ Giao thông - Vận tải đang can thiệp vào hoạt động kinh doanh của thị trường, trong khi chính doanh nghiệp và người tiêu dùng mới có quyền quyết định việc đi chung xe. Lẽ ra Bộ chỉ nên can thiệp khi xe chở khách vượt quá số người trên xe để bảo đảm an toàn giao thông.
Bà Nguyễn Thu An (Giám đốc truyền thông Grab VN):
Dịch vụ phù hợp với đề án thí điểm
GrabShare (đi xe chung) là một tính năng mới và hoàn toàn nằm trong phạm vi của đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử GrabCar. Chúng tôi hiểu rằng sự có mặt và phát triển của công nghệ đã tạo ra những sự thay đổi lớn trong ngành vận tải và đôi khi gây ra sự bối rối trong việc áp dụng pháp luật.
Tuy nhiên, không phải vì vậy mà loại bỏ hay kết luận điều đó là trái pháp luật. Chúng tôi tin rằng chỉ cần một tính năng mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và xã hội thì các cơ quan Chính phủ sẽ hoàn toàn ủng hộ và tạo điều kiện phát triển.
Ông Trần Bằng Việt (Chuyên gia tư vấn):
Hãy để người tiêu dùng tự lựa chọn
Tôi rất ngạc nhiên về những lý do mà Bộ Giao thông - Vận tải đưa ra để yêu cầu các doanh nghiệp ngừng triển khai dịch vụ đi chung xe, bởi dịch vụ này được xem là giải pháp tối ưu cho những người có nhu cầu trên một tuyến đường chia sẻ xe chung.
Cần ủng hộ các dịch vụ mới ra đời như một tiện ích đáp ứng nhu cầu của xã hội, giúp sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, tài sản chung, phục vụ tiện ích đi lại của người dân. Vai trò của cơ quan quản lý là hỗ trợ phát triển chứ không phải ngăn cản những cái mới phát triển.
Nếu những cái mới này chưa phù hợp luật hiện hành, cần điều chỉnh luật để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, thay vì cấm. Các nước khác đang áp dụng mô hình này như một cách thức giảm thiểu tình trạng kẹt xe, tăng hiệu quả sử dụng phương tiện vận chuyển. Hơn nữa, hãy để người tiêu dùng tự lựa chọn dịch vụ cho mình khi sử dụng.
Ông Đặng Việt Dũng (Giám đốc điều hành Uber Việt Nam):
Dịch vụ đi xe chung phổ biến tại nhiều nước
Dù đã triển khai dịch vụ đi chung xe tại nhiều quốc gia nhưng chúng tôi chưa có kế hoạch để triển khai dịch vụ này tại Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, UberPOOL (dịch vụ đi chung xe của Uber) là một trong những dịch vụ được nhiều quốc gia trên thế giới xem là giải pháp giảm thiểu kẹt xe hiệu quả và hỗ trợ tích cực cho hệ thống giao thông công cộng.
Ông Trần Quang Thắng (Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM):
Khống chế số lượng GrabShare, UberPool
Dịch vụ đi xe chung giúp hành khách tiết kiệm được nhiều chi phí đi lại, cách thức phục vụ lại rất tốt. Thế nhưng, nếu để dịch vụ này phát triển tràn lan sẽ gây ra vấn đề cạnh tranh không công bằng giữa các hãng taxi và nhiều hệ quả kinh tế - xã hội.
Do vậy, theo tôi, chỉ nên khống chế số lượng xe tham gia dịch vụ Grab, Uber Share, không cho phát sinh, đồng thời tạo điều kiện cho các hãng taxi cải thiện dịch vụ đã quá lạc hậu, chậm phát triển. Trong tương lai, TP.HCM cũng nên quy định rõ số lượng xe Grab, Uber, taxi được hoạt động, chứ nếu phát triển ồ ạt như hiện nay sẽ khiến tình hình kẹt xe ngày càng trầm trọng.
Dừng dịch vụ đi xe chung để bảo vệ khách? Trao đổi với chúng tôi về việc yêu cầu các doanh nghiệp dừng thực hiện dịch vụ đi xe chung, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông - Vận tải, cho biết yêu cầu này dựa trên kiến nghị của Sở Giao thông - Vận tải và Hiệp hội Taxi TP.HCM cũng như quy định pháp luật hiện hành. Theo ông Ngọc, Bộ Giao thông - Vận tải hoàn toàn hiểu được lợi ích của việc đi chung xe, như chi phí rẻ, giảm số xe chạy trên đường khi sử dụng dịch vụ đi chung xe... Tuy nhiên, do pháp luật hiện hành chưa cho phép một xe ký hai hợp đồng nên các đơn vị vận tải cần tuân thủ. Việc này cũng nhằm giảm thiểu rủi ro khi khách đi chung xe (?). “Trước mắt Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị các đơn vị vận tải tuân thủ quy định pháp luật. Còn cơ quan quản lý nhà nước sẽ nghiên cứu để có thể bổ sung quy định pháp lý khi có những vấn đề mới phát sinh từ thực tế” - ông Ngọc cho biết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận