Bệnh gout là gì?
Khi axit uric bị bão hòa ở dịch ngoại bào, tinh thể urat sẽ lắng đọng trong khớp và các mô mềm quanh khớp. Nồng độ axit uric trong máu bình thường của nam giới là dưới 420 micromol/lít và ở nữ giới là dưới 360 micromol/lít. Những người có nồng độ axit uric thường xuyên cao trên mức bình thường dễ mắc bệnh gout.
Căn cứ vào diễn biến lâm sàng, gout được chia hai loại là gout cấp và gout mạn. Gout cấp thường xảy ra đột ngột với đặc điểm khớp sưng, nóng, đỏ và đau nhức. Gout có thể xảy ra ở nhiều khớp, nhưng hay gặp nhất ở khớp đốt bàn ngón cái hai chân. Tinh thể urat hình kim, đầu nhọn là nguyên nhân khởi phát, làm tăng và duy trì phản ứng viêm, gây cơn gout cấp.
Mặt khác, tinh thể urat là chất hóa học, thải trừ chậm nên gây viêm và đau nhức kéo dài.
Gout mạn có thể là hậu của gout cấp hoặc bị gout mạn ngay từ đầu. Gout mạn được đặc trưng bởi hạt tophi, tổn thương khớp mạn tính do muối urat và tổn thương thận do gout.
Nguyên nhân?
Bệnh gout do tinh thể urat của axit uric lắng đọng trong khớp và các mô bao quanh khớp.
Về nguyên nhân, bệnh gout được chia thành gout nguyên phát (nguyên nhân chưa rõ, có tính chất gia đình tới 20%), gout thứ phát (do sự tiêu tế bào quá mức hoặc suy thận) và gout do bất thường men (enzym) có tính chất di truyền.
Cơ chế gây tăng axit uric là do giảm thải trừ axit uric qua thận; tăng dị hóa các axit nhân nội sinh trong tiêu tế bào gây tăng sản xuất quá mức axit uric; hoặc tăng tổng hợp nhân purin dẫn đến tăng axit uric do rối loạn chuyển hóa enzym.
Axit uric máu có từ 03 nguồn chính, gồm: Axit uric ngoại sinh do ăn các loại thực phẩm có nhiều nhân purin; Axit uric nội sinh do thoái giáng các chất có nhân purin trong cơ thể; tổng hợp các nhân purin từ đường nội sinh.
Những yếu tố liên quan tới bệnh gout?
1- Những yếu tố liên quan đến tuổi, giới, chế độ ăn và trọng lượng cơ thể:
- Nam tuổi 40 trở lên, nữ sau tuổi mãn kinh, nam mắc nhiều hơn nữ.
- Béo phì, trọng lượng vượt 14 kg trên mức cân lý tưởng.
- Ăn kiêng quá mức làm cơ thể thiếu năng lượng hoạt động phải huy động năng lượng dự trữ của cơ thể (có người nói đây là hiện tượng tự ăn thịt mình).
- Thường xuyên ăn các loại thực phẩm giàu đạm, có nhiều nhân purin như thịt đỏ, đồ biển...
- Uống nhiều rượu, bia thường xuyên, trong đó bia có hại hơn rượu vì trong men bia có purines là chất thủy phân nhân purin là tăng axit uric...
2- Những yếu tố liên quan tới trị liệu và vận động:
- Trị liệu (xạ trị, xoa bóp, bấm huyệt...) quá mạnh và kéo dài làm bầm dập tế bào.
- Dùng aspirin liều cao, dài ngày (thuốc này cũng lắng đọng thành tinh thể hình kim, đầu nhọn gây đau tăng).
- Dùng thuốc lợi tiểu kéo dài trong điều trị huyết áp hoặc bệnh thận làm mất nước và muối.
- Dùng thuốc ức chế hệ miễn dịch chống thải ghép như cyclosporin...
3- Những yếu tố liên quan tới bệnh tật:
- Gầy sút cân nhanh do thay đổi chế độ ăn hay thuốc uống như thuốc giảm béo.
- Người bị bệnh thận mãn tính, tiểu đường, vữa xơ động mạch, cholesteron cao, cao huyết áp, ung thư, thiểu năng tuyến giáp hay nhiễm độc chì...
Triệu chứng và chẩn đoán cơn gout cấp?
- Cơn đau thường xuất hiện đột ngột về ban đêm, rạng sáng.
- Khớp sưng, nóng, đỏ, đau, nhất là khớp bàn ngón chân cái.
- Xét nghiệm máu thấy axit uric tăng cao.
- Xét nghiệm nước tiểu thấy axit uric tăng cao.
- Dùng thuốc colchicin có tác dụng rõ rệt.
- Trên bệnh nhân có một hay nhiều yếu tổ nguy cơ.
Bệnh gout tiến triển ra sao?
Thông thường tiến triển qua 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Mức độ axit uric trong máu cao (chưa có triệu chứng lâm sàng).
- Giai đoạn 2: Viêm khớp cấp tính (viêm điển hình có bệnh cảnh như mô tả trên).
- Giai đoạn 3: Các đợt viêm tái phát, có khoảng cách giữa các đợt viêm (mức độ nhẹ hơn cơn cấp tính).
- Giai đoạn 4: Gout mạn tính (đau liên tục, lan ra nhiều khớp, không còn khoảng cách giữa các đợt viêm).
Bệnh gout có biến chứng không?
- Do đau nên gout làm hạn chế vận động khớp viêm hoặc vận động toàn thân.
- Do lắng đọng tinh thể muối urat ở khớp và tổ chức phần mềm quanh khớp kéo dài dẫn tới thay đổi cấu trúc giải phẫu làm biến dạng khớp.
- Tinh thể muối urat tích tụ lâu thành các hạt Tophi dưới da, không những làm dị dạng khớp không đi dày dép được, mà còn có thể gây hoại tử dẫn tới nhiễm trùng rất khó chữa trị.
- Do tăng đào thải muối urat qua đường tiết niệu nên có tới 10-25% bệnh nhân gout sẽ bị sỏi thận...
Dự phòng ở những người chưa mắc bệnh gout
Mục tiêu: Không để mắc bệnh gout, những người có một hay một số yếu tố liên quan tới bệnh gout cần thực hiện các biện pháp sau:
- Kiểm tra sức khỏe: Thực hiện khám sức khỏe định kỳ hàng năm, trong đó có xét nghiệm axit uric máu.
- Chế độ ăn: Ăn đủ 5 loại thực phẩm là chất đạm, chất đường, chất béo, rau và khoáng chất với tỷ lệ hợp lý.
+ Đối với chất đạm cần giảm các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt trâu, thịt chó, thịt dê...) vì có nhiều nhân purin, thay thế bằng các loại thịt trắng (thịt lợn, thịt gà...) có ít nhân purin hơn. Mỗi tuần nên ít nhất 2 bữa ăn cá và một bữa dùng đạm thực vật (thực phẩm chế biến từ đậu, lạc, vừng...). Đặc biệt, phải hạn chế dùng phủ tạng động vật (tim, gan, cật, não, lòng) vì có nhiều cholesterol. Hạn chế ăn đồ quay/nướng hoặc rang/rán quá kỹ.
+ Đối với chất đường cũng cần giảm lượng chất bột ăn vào, đồng thời giảm các loại bánh kẹo hoặc các loại sữa đặc và nước ngọt có nhiều đường.
+ Đối với chất béo cần tăng cường ăn các loại dầu thực vật (trong đó có nhiều axit béo không no có lợi cho sức khỏe), giảm sử dụng mỡ động vật (trong đó có nhiều axit béo no không có lợi cho sức khỏe). Thức ăn sốt tốt hơn rán, vì khi rán dễ sản sinh ra các sản phẩm trung gian không có lợi cho sức khỏe.
+ Đối với rau nên dùng rau xanh hàng ngày, số lượng khoảng 300g-500g tùy loại. Sử dụng rau luộc tốt hơn rau xào và nếu có điều kiện nên ăn rau sống (phải rửa thật sạch) và nộm (giữ được vitamin). Trong rau có nhiều chất xơ giúp cho tiêu hóa thuận lợi và giảm táo bón.
+ Đối với khoáng chất cần dùng đa dạng thực phẩm để cung cấp đa dạng chất khoáng nhất là các yếu tố vi lượng có trong các loại thực phẩm đó.
- Chế độ uống: Hạn chế dùng đồ uống có cồn như rượu, bia (bia có hại hơn rượu vì trong bia có nhiều purines là chất thủy phân nhân purin làm tăng axit uric). Uống nước đun sôi để nguội khoảng 02 lít/ngày. Nếu có điều kiện nên uống nước khoáng có gas (trong đó có bicarbonat là chất kiềm nhẹ có tác dụng trung hòa axit uric).
- Chế độ tập luyện: Tập luyện cường độ vừa phải phù hợp với lứa tuổi và các bệnh khác (nếu có). Duy trì tập thể dục buổi sáng khoảng 15 phút ở nơi thoáng và sạch sẽ. Nên tập thể thao buổi chiều khoảng 30 phút/ngày ở nơi thông thoáng, không khí trong lành. Các môn thể thao phù hợp là đi bộ, bóng bàn, cầu lông, aerobic, khiêu vũ thể thao...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận