Đô đốc Gary Roughhead - Ảnh: AFP
"Chúng ta đang bỏ bê lực lượng hậu cần, nhưng hậu cần là cách đã giúp chúng ta giành chiến thắng trong nhiều cuộc chiến", đô đốc Roughhead cảnh báo trong phiên điều trần tại Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ hôm 5-6.
Vị tướng 4 sao của Mỹ đã kể lại việc một đô đốc Trung Quốc "dằn mặt" ông ra sao khi ông còn đương chức từ năm 2007 đến 2011.
"Ông ta đã nói rất rõ với tôi rằng các tàu hậu cần của Mỹ sẽ là mục tiêu chính, bởi vì nếu có thể loại bỏ hoàn toàn hạm đội hậu cần, nó giống như việc cắt đứt huyết mạch chiến đấu của các tàu chiến Mỹ vậy", ông Roughhead kể lại.
Vấn đề hậu cần, theo đô đốc Roughhead, không phải chỉ là chuyện tiếp tế thực phẩm, nhiên liệu hay thư từ cho các thủy thủ. Điều mà ông cảnh báo mang tính chiến lược nhiều hơn.
Chẳng hạn, các tàu chiến Mỹ khi bắn hết tên lửa đang đem theo sẽ phải quay về căn cứ để tái nạp. Điều đó khiến chúng trở nên vô dụng trong suốt thời gian trở về cảng.
Khác với Trung Đông, nơi các tàu chiến Mỹ đang hoạt động mà không cần nghĩ đến tiếp tế vì gần các căn cứ trong khu vực, Thái Bình Dương rộng lớn và khoảng cách từ đảo này đến đảo kia rất xa khiến việc hậu cần trở nên khó khăn hơn.
Thêm vào đó, Trung Quốc đang liên tục phát triển các loại tên lửa tấn công đặt những căn cứ của Mỹ trong "chuỗi đảo thứ nhất" vào tầm hủy diệt. Những căn cứ này được đặt trải dài từ Philippines, Đài Loan đến quần đảo Kyushu và Okinawa của Nhật Bản.
"Những cảng mà hải quân Mỹ đang sử dụng thường xuyên, đặc biệt ở Tây Thái Bình Dương, rất dễ bị tổn thương", đô đốc Roughhead nhận định.
Tuần dương hạm USS Antietam (trái) nhận ống tiếp nhiên liệu trên biển Hoa Đông từ tàu USNS Carl Brashear - Ảnh: US NAVY
Tư lệnh thủy quân lục chiến Mỹ, tướng David Berger, người đã đề xuất tái cấu trúc lại lực lượng này để đối phó tốt hơn với những cuộc chiến tiềm tàng tại Thái Bình Dương, cũng thừa nhận hạm đội hậu cần của Mỹ là một vấn đề.
Theo ông Berger, thách thức của thủy quân lục chiến hiện nay là phải xây dựng được một hạm đội tàu hậu cần mới, đủ năng lực hỗ trợ và đưa lính thủy quân lục chiến đi đến tất cả các địa điểm trong "chuỗi đảo thứ nhất".
"Trong 70 năm qua, lực lượng hậu cần của nước Mỹ chưa bao giờ bị thách thức và chúng ta đã chẳng bao giờ phải lo nghĩ chuyện đằng sau lưng mình khi chiến đấu. Nhưng giờ là lúc nước Mỹ phải thay đổi, phải tập trung vào điều này bởi vì kẻ thù đang âm mưu cắt đứt các tuyến đường huyết mạch của ta", ông Berger lập luận.
Giới quan sát quân sự nhận định trong khi xét về tổng thể, Trung Quốc không thể bì kịp Mỹ về sức mạnh hải quân, những vấn đề về lực lượng hậu cần có thể trở thành điểm yếu chí mạng khiến Washington trả giá.
Đội tàu hậu cần dự bị của Mỹ đã có tuổi đời từ 40 năm trở lên nhưng phải sẵn sàng hoạt động trong vòng 5 ngày nếu có biến - Ảnh: US NAVY
Bryan Clark, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Hudson, đã chỉ ra tuổi tác của các tàu hậu cần trong quân đội Mỹ là một vấn đề. Hồi năm ngoái, trong một cuộc diễn tập mô phỏng, Mỹ đã phát lệnh huy động khẩn 61 tàu thuộc Organic Surge Fleet - đội tàu sẵn sàng cơ động trong thời gian ngắn.
Kết quả cho thấy chỉ có 31 tàu sẵn sàng ra khơi trong thời gian quy định khiến các quan chức quân đội lo lắng. Ông Clark đề nghị trong tương lai, ngoài việc hiện đại hóa các tàu hậu cần, Mỹ cần tính thêm việc trưng dụng các tàu khác của tư nhân và bổ sung hạm đội tàu chở dầu chiến lược.
Trong khi đó, Trung Quốc đang tăng tốc phát triển năng lực hậu cần cho hải quân. Các lớp tàu mới như Type 075 vừa có thể đảm nhiệm vai trò là tàu tấn công đổ bộ, vừa là tàu hậu cần chuyển quân khi cần thiết.
Đáng chú ý, các loại tàu biển cỡ lớn phục vụ dân sự như tàu ro-ro, tàu chở container được chế tạo ở Trung Quốc cũng được đóng theo kỹ thuật quân sự, cho phép chúng được huy động phục vụ quân đội khi cần thiết.
Mới đây nhất, Tập đoàn quân 74 đóng tại Huệ Châu (Quảng Đông) đã tổ chức diễn tập đổ bộ và huy động các tàu ro-ro chở hàng trăm xe tăng, xe bọc thép chiến đấu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận