24/05/2013 08:20 GMT+7

Gót chân Asin

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TT - Vụ mất điện trên 22 tỉnh thành miền Nam được cho là chưa có tiền lệ. Cứ truy lại lịch sử vùng đất này, kể từ khi có lưới điện, từng có vụ mất điện nào có quy mô chịu ảnh hưởng rộng lớn đến như thế? Từng nhà, từng người, từng đơn vị phải vất vả bởi mất điện.

Sự cố đã xảy ra từ hành vi bất cẩn của người lao động nhưng lại gây tác hại cực lớn trên diện rộng. Thiệt hại kinh tế có thể thống kê nhưng không ghi hết được.

Về tinh thần, ai cũng trăn trở, thậm chí bức xúc với câu hỏi: sao điều đó có thể xảy ra quá dễ dàng như thế? Điều này khiến người ta đi đến chỗ hình dung mạng lưới điện cao áp chẳng khác bình pha lê được đặt giữa nơi công cộng được che chắn, bảo vệ nhưng vẫn không an toàn. Chỉ cần ai đó vô ý tứ lỡ chạm vào thì chiếc bình tan nát.

Mạng lưới điện, với tính chất là một công trình phục vụ cuộc sống của người dân, yêu cầu số một là phải lập được hành lang an toàn, che chắn, ngăn chặn mọi khả năng tiếp xúc, dù là cố ý hay vô ý. Sự cố vừa xảy ra cho thấy yêu cầu này chưa được đáp ứng đầy đủ. Không chỉ mạng điện cao áp luôn đối mặt với nguy cơ mất an toàn, cả lưới điện hạ thế cũng đã và đang tiềm ẩn khả năng tạo bẫy rập nguy hiểm.

Xây dựng hành lang an toàn cho lưới điện chưa đủ. Để bảo đảm một sự cố, mà vì lý do gì đó không tránh được, không gây tác hại trực tiếp đối với toàn hệ thống thì phải thiết lập cơ chế khắc phục sự cố tự động nhiều tầng. Với cơ chế như thế, mỗi khi một nơi nào đó trong mạng lưới bị tổn thương thì chỉ nơi đó được khoanh lại, cô lập để chờ cứu hộ, phần còn lại của hệ thống vẫn vận hành bình thường.

Mất điện cả miền Nam chỉ vì lỗi của một người lái xe cẩu đã bật ra hàng loạt câu hỏi cho những người có trách nhiệm của Bộ Công thương, của Tập đoàn Điện lực VN (EVN). Tại sao hệ thống điện dễ bị rã lưới như thế? Có giải pháp nào an toàn hơn để đảm bảo nguồn điện - năng lượng của quốc gia không bị gián đoạn như vừa xảy ra? Toàn bộ sinh hoạt của xã hội trong khu vực mất điện đã bị đảo lộn trong chiều thứ tư 22-5 cho thấy chuyện không thể dừng ở chỗ sự cố và khắc phục sự cố. Đừng cho rằng lưới điện đã được bảo vệ theo quy định trong Luật điện lực, người vi phạm phải bị xử lý. Với người dân và an ninh năng lượng quốc gia, nói như thế khác nào “chờ được vạ thì má đã sưng”. Ngay lúc này, cần phải có sự mổ xẻ thấu đáo, tìm ra giải pháp khắc phục trên tinh thần phải bảo vệ an toàn tuyệt đối cho an ninh năng lượng của quốc gia. Không ai chấp nhận lưới điện quốc gia mỏng manh, dễ vỡ như vậy. Xã hội đang chờ câu trả lời của Bộ Công thương và EVN.

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên