11/11/2020 18:31 GMT+7

Góp ý văn kiện Đại hội XIII: Cải cách tư pháp phải hướng đến độc lập xét xử

THÂN HOÀNG
THÂN HOÀNG

TTO - GS Lê Hồng Hạnh, nguyên viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, cho rằng dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII cần làm rõ hơn nội dung về cải cách tư pháp, hướng tới các giải pháp đảm bảo tính độc lập của tòa án.

Góp ý văn kiện Đại hội XIII: Cải cách tư pháp phải hướng đến độc lập xét xử - Ảnh 1.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình chủ trì hội nghị - Ảnh: THÂN HOÀNG

Ngày 11-11, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức hội nghị góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII. Ông Nguyễn Hòa Bình, chánh án Tòa án nhân dân tối cao, chủ trì hội nghị.

Cơ quan tư pháp phải là chỗ dựa của dân

Đánh giá về những nội dung lĩnh vực tư pháp thể hiện trong văn kiện, GS Đào Trí Úc, nguyên viện trưởng Viện Nhà nước và pháp luật, đánh giá dự thảo báo cáo chính trị vẫn duy trì nội dung tiếp tục xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, công bằng, văn minh là đúng đắn.

"Dự thảo nhấn mạnh một số tố chất rất quan trọng của các cơ quan tư pháp là uy tín của các cơ quan đó. Đây cũng là sự tiếp tục phát triển yêu cầu mà chiến lược cải cách tư pháp đã đặt ra: Các cơ quan tư pháp phải là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người", ông Úc nói.

Ông Úc đưa ra kiến nghị, Đại hội XIII của Đảng cần tiếp tục khẳng định quan điểm đã được lý luận và thực tiễn kiểm nghiệm, coi tòa án là trọng tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm.

"Hiến pháp 2013 đã đi một bước dài hơn, giao nhiệm vụ bảo vệ công lý cho tòa án nhân dân, nói rõ tòa án là thiết chế thực hiện quyền tư pháp mà không phải là các thiết chế khác. 

Ta phấn đấu mãi mới được điều này, nếu không giữ cho chặt thì tôi sợ dần dần sẽ rơi mất. Nhưng dự thảo lại làm mờ đi, bằng việc lôi cả "anh" bảo vệ pháp luật vào. Cơ quan điều tra, viện kiểm sát, thi hành án đều có trọng trách bảo vệ công lý thì cái này phải sửa lại, vì sẽ là thiếu chính xác nếu gộp chung tất cả các cơ quan đó cùng với tòa án vào chủ thể có trọng trách bảo vệ công lý", GS Úc phân tích.

Góp ý văn kiện Đại hội XIII: Cải cách tư pháp phải hướng đến độc lập xét xử - Ảnh 2.

GS Đào Trí Úc đưa ra các góp ý tại hội nghị - Ảnh: THÂN HOÀNG

GS Úc cũng đưa ra trăn trở để thực hiện các lý tưởng đặt ra trong cải cách tư pháp thì cần cơ chế gì?

Theo ông, giải pháp quan trọng là phải bảo đảm sự tham gia của nhân dân vào hoạt động xét xử thông qua việc cải cách cơ bản chế định hội thẩm nhân dân.

"Thế giới rất coi trọng cái này, họ hoàn thiện nó, chúng ta lại có ý định "thẩm phán hóa" các hội thẩm. Thẩm phán trình độ ngày càng cao nhưng thế giới đã chỉ ra rằng phải bảo đảm sự tham gia của người dân vào hoạt động xét xử một cách thực chất", ông Úc nói.

Giải pháp thứ hai GS Úc đưa ra là chú trọng xây dựng đội ngũ thẩm phán ngày càng chuyên nghiệp, trong sạch, có lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp cao.

"Làm gì cũng phải do con người quyết định. Linh hồn của tư pháp là các thẩm phán. Thẩm phán phải có lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp cao, dũng cảm duy trì bảo vệ công lý", GS Úc nhấn mạnh.

Đảm bảo tính độc lập trong xét xử

Nguyên thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cũng đề nghị trong văn kiện, rất mong muốn Đảng khẳng định tư pháp là xét xử nên cơ quan tư pháp là tòa án. "Khẳng định này sẽ chấm dứt được rất nhiều thứ, chấm dứt được nhiều cuộc tranh luận kéo dài", ông Liên nói.

"Đã khẳng định Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền thì không còn cách nào khác phải bảo đảm độc lập tư pháp. Hiện độc lập đang hiểu hơi khác nhau. Độc lập với các nhánh quyền lực khác, giữa các cấp xét xử độc lập, độc lập giữa các thẩm phán với nhau. Mọi hoạt động của tòa án đều phải là luật hết, không thể nghị định hay thông tư điều chỉnh được", ông Liên phân tích.

Góp ý văn kiện Đại hội XIII: Cải cách tư pháp phải hướng đến độc lập xét xử - Ảnh 3.

GS Lê Hồng Hạnh cho rằng tòa án phải độc lập trong xét xử - Ảnh: THÂN HOÀNG

GS Lê Hồng Hạnh, nguyên viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, cũng cho rằng Nhà nước và xã hội phải có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của độc lập tư pháp. Các thể chế bảo đảm độc lập tư pháp không chỉ tác động đến ý thức xã hội mà còn là cơ sở pháp lý để thẩm phán thực thi tính độc lập của mình trong xét xử.

"Dự thảo báo cáo chính trị và một số văn kiện khác cần nhấn mạnh nội dung độc lập xét xử. Tòa án là một thiết chế không thể thiếu trong nhà nước pháp quyền nhưng phải độc lập xét xử. Độc lập trong xét xử và chỉ tuân theo pháp luật phải là điểm nhấn của cải cách tư pháp", ông Hạnh nói.

Theo ông Hạnh, dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII cần làm rõ hơn nội dung về cải cách tư pháp, xác định rõ đây là cải cách hệ thống tòa án theo hướng đảm bảo tính độc lập trong xét xử. 

Cải cách tư pháp cần hướng tới các giải pháp đảm bảo tính độc lập của tòa án, trong đó chú trọng đến yêu cầu thượng tôn pháp luật trong quan hệ với tòa án, chống mọi sự can thiệp trái pháp luật tố tụng, trái Hiến pháp năm 2013.

Góp ý Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII: Phát triển con người là đột phá của mọi đột phá Góp ý Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII: Phát triển con người là đột phá của mọi đột phá

TTO - PGS.TS Vũ Văn Phúc - phó chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng trung ương, nguyên tổng biên tập tạp chí Cộng Sản - đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi cùng Tuổi Trẻ về những điểm mới, điểm đột phá của dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên