Giờ lên mạng, đâu đâu cũng thấy người ta đua nhau lên tiếng phê phán cách dạy học theo phương pháp công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại. Không cần đề cập bản chất phương pháp giáo dục của ông hay dở đến đâu, ai cũng có thể phê phán như thể mình là chuyên gia.
Ném đá tập thể’ thế này là rào cản sự tiến bộ xã hội. Cách ứng xử này đang vô tình nhen nhóm, nuôi dưỡng sự ích kỷ cá nhân, cũng như tạo cơ hội cho sự hiếu thắng, góc xấu xí trong mỗi người phát triển.
Bảo Thoa
Đây là chương trình đã được thí điểm dạy nhiều nơi trên cả nước hàng chục năm qua. Tôi đã tìm trên mạng xem có phụ huynh cũng như học sinh từng học theo phương pháp này có phàn nàn, chê trách gì không.
Trong khi không ít ý kiến "người trong cuộc" hài lòng về chương trình mình từng học, nhiều người không học phương pháp này lại phê phán gay gắt.
Có người dọa không cho con đến trường, có người xé sách của con, có người cắt ghép đủ mọi hình thức để gán cái xấu, cái dở cho tác giả. Một người phê bình, trăm người theo, rồi bàn cãi, tranh luận... Quá nhiều người đang vào vai những nhà ngôn ngữ học trên mạng xã hội.
Năm ngoái, dư luận cũng đua nhau "ném đá" PGS.TS Bùi Hiền về đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt.
Chưa nói đến tính khả thi của đề xuất, tôi thấy thật đáng buồn khi cư dân mạng xoáy vào tác giả với những câu chữ thậm tệ. Bằng tất cả ngôn từ, người viết thể hiện mình rất rành rẽ, mình không thể sai.
Lâu lâu lại có một cá nhân vướng vào "tâm bão" dư luận khi bị quá đông người cùng nhau "ném đá tập thể" trên mạng xã hội theo kiểu này.
Có lẽ chúng ta chưa quên những lời tung hô của người hâm mộ dành cho các cầu thủ U-23 Việt Nam hồi đầu năm?
Khi ấy, họ được chào đón vinh quang, huấn luyện viên Park Hang Seo được tung hô như người hùng. Vừa rồi thì sao? Khi đội tuyển không vào được chung kết, rồi chúng ta thua UAE ở trận tranh huy chương đồng, người ta lại đổ dồn về những "nhân vật chính".
Nhiều người đả kích nụ cười của HLV khi thua Hàn Quốc ở trận bán kết, cho rằng ông đã "thả" để trả nợ đất nước! Không ít cổ động viên quá khích còn vào Facebook của cầu thủ Quang Hải để không tiếc lời phê phán.
Nhìn cách yêu ghét của người hâm mộ, tôi cảm thấy chẳng khác gì khi hay thì vỗ tay vào, khi dở thì dùng "gạch đá" để tặng nhau trên mạng.
Biết rằng khen hay chê là quyền của mỗi người, nhưng có khi nào chúng ta nhìn lại rằng chê đã có tính văn hóa, trên tinh thần góp ý xây dựng hay chưa?
Hay chúng ta chỉ muốn "vùi dập" người khác để thỏa mãn tính hiếu thắng của mình? Nhiều khi chưa rõ "ngô khoai", dư luận đã vội vã lên tiếng thể hiện quan điểm cá nhân.
Ai cũng có quyền phản biện, nhưng quan trọng là phản biện như thế nào? Phản biện khác chửi, khác mắng mỏ, khác vùi dập. Cứ thấy một ai đó nghĩ khác, làm khác những điều mình hiểu, mình biết... mình cứ đả kích họ thậm tệ.
Xã hội liệu có phát triển, có văn minh được không với cách chê bai này? Phải chăng văn hóa phản biện của cư dân mạng đang có vấn đề?
Có khi nào chúng ta nhìn lại cách ứng xử trên mạng của chính mình? Nhiều người cứ nghĩ mạng xã hội ảo nên tha hồ tung hô, tha hồ "ném đá", không sao cả! Nhưng chắc chắn, ở đó, rõ mồn một nét văn minh giữa người với người.
Dù ở ngoài đời thực hay trên mạng xã hội, việc dùng ngôn từ chuẩn mực là cần thiết. Chúng ta có quyền lên tiếng, có quyền phản biện, có quyền góp ý, nhưng chắc chắn việc dùng lời lẽ xấu xí để vùi dập, hạ thấp người khác là một việc rất không nên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận