24/05/2022 08:59 GMT+7

Góp ý Luật phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi: Mong luật đủ mạnh để xử đúng người đúng việc

VĂN THẮNG
VĂN THẮNG

TTO - Kỳ họp Quốc hội lần này sẽ bàn về dự thảo Luật phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi. Dư luận mong chờ những đổi mới đủ mạnh để xử lý đúng người đúng việc, theo hướng văn minh hơn, tiến bộ hơn trong mối quan hệ gia đình.

Góp ý Luật phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi: Mong luật đủ mạnh để xử đúng người đúng việc - Ảnh 1.

Tuổi Trẻ giới thiệu 4 ý kiến bạn đọc xung quanh dự thảo luật này.

Văn minh hơn, tiến bộ hơn từ mỗi nhà

Năm 2021, cơ quan chức năng chỉ tạm giữ xử phạt hành chính 707 vụ, xử lý hình sự 80 vụ... Theo thống kê của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch tổng hợp từ các tỉnh thành, số vụ bạo hành gia đình giảm dần. Tuy nhiên, số liệu thống kê của ngành tòa án và ngành tư pháp lại cao hơn.

Chỉ trong vòng vài tháng qua, nhiều vụ án bạo lực chấn động cảm xúc xã hội. Bé gái 8 tuổi bị người trong nhà bạo hành tử vong, bé 3 tuổi bị đóng đinh vào đầu, chồng chém chết vợ rồi treo cổ tự tử... diễn ra ở nhiều tỉnh thành.

Chị N.T.L. (53 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM) là một trong những người từng sống trong bạo hành. Mọi công việc trong nhà chị phải nghe theo sự sắp xếp của chồng. 

Đỉnh điểm là khi sinh con gái thứ hai, chị thường xuyên bị chồng đánh đập, chửi mắng. Chị đưa con đi ở nhờ, nhiều lần ức chế quá chị đòi ly dị nhưng nghĩ thương con quá phải chịu đựng. Khi kinh tế khá hơn và chị sinh con trai, chồng chị mới "đổi tính", chăm lo cho vợ con hơn.

Hành vi bạo lực gia đình không chỉ giữa vợ chồng mà còn diễn ra giữa cha mẹ và con cái. Nhiều người không ý thức việc đánh con thô bạo gây tổn hại đến thể chất và tinh thần của chính con mình đến mức nào. 

Qua từng vụ bạo hành gia đình, có thể thấy rõ nhận thức rất xưa cũ trong từng gia đình rằng vợ tôi, con tôi thì tôi có quyền. Cũng không khó thấy trong và từng cộng đồng (thôn, làng, khu phố, chung cư) tư tưởng "đèn nhà ai nấy sáng", làm lơ trước những dấu hiệu bạo hành cũng không cá biệt.

Những quy định trong luật mới cần hướng đến điều khoản ràng buộc hướng đến những nhận thức mới văn minh hơn, tiến bộ hơn về quan hệ trong gia đình. Ở đó, mỗi cá nhân đều được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. 

Chúng ta đã từng nghe chuyện ở nước ngoài trẻ con gọi cảnh sát khi thấy mình bị ức hiếp hoặc cảnh sát đến ngay và luôn khi trong nhà có chút chuyện có hơi hướng bạo hành. Đó là quyền được bảo vệ, không chỉ bảo vệ người yếu hơn mà còn là cách để mọi người hành xử văn minh, đúng pháp luật ngay từ nhà mình.

- Bà Nguyễn Thị Lệ (chủ tịch HĐND TP.HCM):

Chỉ phạt tiền thôi: không ổn

Hiện nay hình phạt tiền đối với người có hành vi bạo lực gia đình chưa được quy định cụ thể. Và việc phạt tiền đôi khi chưa ổn bởi tiền là do vợ chồng làm ra, chồng đánh vợ nhưng lại lấy tiền chung để đóng phạt. Điều này khiến nạn nhân không muốn tố cáo hành vi trong lần tiếp theo và cũng không giúp cho việc răn đe, giáo dục người có hành vi bạo lực.

Tiền nộp phạt phải là tiền riêng của người gây ra bạo lực. Và việc phạt tiền chỉ là một phần của hình phạt. Phải có biện pháp mạnh tay hơn, chứ không thể phạt tiền xong rồi thôi. Phải có hình phạt khiến họ cảm thấy xấu hổ, chẳng hạn như dọn rác ở khu phố.

- Luật sư Lê Thị Hằng (chủ tịch Hội Luật gia quận 4, TP.HCM):

Đâu cần có đơn mới xử lý

Các báo cáo cho rằng các vụ bạo hành gia đình giảm sâu nhưng thực tế tính chất mức độ ngày càng nguy hiểm, nhiều hình thái hơn.

Hiện nay thủ tục xử phạt đối với người có hành vi bạo lực gia đình phức tạp, kéo dài, không đủ nghiêm khắc. Tôi đã từng giải quyết vụ việc người chồng ngày nào cũng rượu chè về là đánh vợ nhưng người vợ không trình báo. Một hôm, người vợ tức quá thấy chồng đang say đập đầu giết chết ông. Nguyên nhân của vụ việc có một phần là người vợ không biết kêu cứu ai mới dẫn đến hành vi tiêu cực.

Ngăn chặn bạo lực gia đình phải là biện pháp mạnh, có hiệu lực tức khắc và cơ quan thực hiện đầu tiên phải là công an xã phường. Khi nhận được tin báo, công an xã phường phải đến ngay hiện trường can ngăn, mời làm tường trình, kiểm điểm và cam kết không tái phạm.

Nếu không chấp hành hoặc chống đối sẽ áp giải đưa về trụ sở, khởi tố ngay nếu đủ yếu tố. Với những vụ việc nghiêm trọng thì lập hồ sơ chuyển công an quận huyện xem xét xử lý hình sự về tội hành hạ người khác, tội cố ý gây thương tích...

Các biện pháp phải được cơ quan hành động tức thời, không cần người bị bạo hành có đơn yêu cầu mới làm.

- Luật sư Võ Thị Như Ngọc (Đoàn luật sư TP.HCM):

Hoàn thiện quy định hỗ trợ nạn nhân

Khi tôi trực tư vấn luật, tôi nghe được câu chuyện một cô kế toán trưởng tại một trường đại học bị chồng bạo hành, đến trường quậy phá. Nhưng thay vì được giúp đỡ, người này bị hạ điểm thi đua năm, đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ vì không có hạnh phúc gia đình. Quy định hiện hành về các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình chưa hoàn thiện.

Luật phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi phải quy định cụ thể về việc hỗ trợ nạn nhân bạo lực, đồng thời phải có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp với các quy định vô lý như trên.

Những vụ bạo lực gia đình khi bị phát hiện cũng khó xử lý bởi tâm lý e ngại của nạn nhân hoặc người chứng kiến vì sợ bị trả thù về sau. Kể cả người thi hành công vụ cũng bỏ qua "chuyện nhà người ta".

Cần thiết lập hệ thống cung cấp thông tin tố giác hành vi bạo lực gia đình. Bất cứ công dân nào thấy được hành vi bạo lực có thể thông báo ngay cho cơ quan chức năng. Thông tin của người tố giác phải được bảo mật.

THẢO LÊ ghi

Bạo lực gia đình nhiều vụ tàn bạo: Chú trọng hòa giải có hợp lý không? Bạo lực gia đình nhiều vụ tàn bạo: Chú trọng hòa giải có hợp lý không?

TTO - 'Hòa giải như thế nào khi một bên là người vi phạm pháp luật, một bên là người bị vi phạm' là vấn đề mà nhiều luật sư đặt ra khi góp ý dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Các ý kiến cho thấy báo cáo giảm nhưng thực tế lại tăng

VĂN THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên