Hàng trăm chuyên gia tham gia thảo luận, góp ý tại hội thảo - Ảnh: T.X
Các bất cập trong biện pháp tạm hoãn xuất cảnh và kiến nghị hoàn thiện được đề ra tại hội thảo khoa học "Biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự" tại Trường đại học Luật TP.HCM ngày 3-10.
Tiến sĩ Lê Huỳnh Tấn Duy - trưởng bộ môn Luật tố tụng hình sự, Trường đại học Luật TP.HCM - chỉ ra quy định biện pháp tạm hoãn xuất cảnh được quy định trong luật xuất nhập cảnh và bổ sung vào Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Biện pháp này áp dụng đối với người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị can, bị cáo khi có dấu hiệu xuất cảnh để bỏ trốn.
Kết quả áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trong quá trình giải quyết án hình sự trung bình của 4 tỉnh thành gồm TP.HCM, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu năm 2018 là 305 trường hợp, trung bình năm 2019 là 347 trường hợp. Trong đó TP.HCM áp dụng nhiều nhất, Trà Vinh áp dụng ít nhất.
"Biện pháp này giúp ngăn chặn tình trạng bỏ trốn ra nước ngoài, nhất là trong giai đoạn đang bị thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng, giai đoạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố so với trước đây..." - tiến sĩ Tấn Duy phân tích.
Tiến sĩ Lê Huỳnh Tấn Duy trình bày tham luận tại hội thảo - Ảnh: T.X
Tuy nhiên, tiến sĩ Tấn Duy chỉ ra một số bất cập trong quy định áp dụng biện pháp này khiến nghi can, bị can, bị cáo có thể lợi dụng để bỏ trốn ra nước ngoài như: quy định về đối tượng áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh còn chưa đồng bộ; tạm hoãn xuất cảnh trong trường hợp gia hạn thời hạn và trường hợp tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; việc áp dụng song song biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với biện pháp ngăn chặn khác; trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh chưa đồng bộ...
Thảo luận về vấn đề này, luật sư Vũ Phi Long - nguyên chánh tòa hình sự Tòa án Nhân dân TP.HCM, cũng cho rằng Bộ luật tố tụng hình sự để "ngỏ" khả năng áp dụng song song biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với biện pháp ngăn chặn khác.
Việc áp dụng song song cũng thường xảy ra trong thực tiễn xét xử và cho thấy rất hiệu quả trong đấu tranh với tội phạm.
Từ các phân tích, ý kiến đóng góp, tiến sĩ Tấn Duy đưa ra một số đề xuất nhằm hoàn thiện về biện pháp này.
Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp hoàn thiện hệ thống các biện pháp cưỡng chế, ngăn chặn trong Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận