Trường ĐH Phan Châu Trinh gửi tới đại diện báo Tuổi Trẻ số tiền quyên góp mua vắc xin chống COVID-19 - Ảnh: T.B.D.
"Người có ít góp ít, người có nhiều thì góp nhiều, mỗi người một tay. Mỗi liều vắc xin góp hôm nay chính là giúp sức cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Bác sĩ NGUYỄN HỮU TÙNG
Trường ĐH Phan Châu Trinh là nơi đào tạo y khoa ở Quảng Nam. Đây cũng là tổ chức đầu tiên ở khu vực miền Trung chung tay mua vắc xin chống dịch cùng Tuổi Trẻ.
"Nếu cứ mỗi liều vắc xin có giá 100.000 đồng, chúng tôi xin góp ngàn liều cho cộng đồng. Chúng tôi kỳ vọng lớn vào sự phục hồi, cuộc sống sẽ trở lại" - bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, chủ tịch hội đồng trường, gửi gắm.
Trước khi buổi lễ quyên góp bắt đầu lúc 9h sáng 3-3, ông Nguyễn Hữu Tùng đã dành 20 phút nói chuyện với sinh viên: "Số tiền quyên góp có thể không lớn, nhưng điều thầy muốn các em hiểu và ý thức chính là sự sẻ chia, tin vào những điều tốt đẹp. Chúng ta là những sinh viên ngành y, những bác sĩ, điều dưỡng tương lai.
Khi góp một liều vắc xin chính là chúng ta đã san sẻ tấm lòng yêu thương, đó là tâm. Một liều vắc xin được mua về và tiêm tạo ra miễn dịch cho con người chính là giúp đẩy lùi đại dịch, cộng đồng không còn dịch tức là cộng đồng đó khỏe mạnh, ngành y chúng ta gọi đó là một phần của y tế cộng đồng, đó là trí. Tâm và trí đi liền cùng nhau thì cuộc sống sẽ luôn tốt đẹp".
Hơn một năm qua, từ ngày dịch hoành hành, việc học hành cũng nhiều lần gián đoạn. Nhiều sinh viên trường đã tình nguyện lên đường tham gia chống dịch ở địa phương. Sáng 3-3, một lần nữa những y bác sĩ, sinh viên y khoa lại hội ngộ cùng nhau để đóng góp những liều vắc xin quý giá. Ngay sau buổi quyên góp, 300 triệu đồng được trao đến báo Tuổi Trẻ để góp kinh phí mua vắc xin.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng nói: "Chương trình góp vắc xin của báo Tuổi Trẻ rất kịp thời. Tôi đọc báo Tuổi Trẻ hằng ngày, khi thấy ban biên tập báo khởi xướng chương trình, tôi bàn với toàn thể cán bộ, nhân viên, y bác sĩ cùng sinh viên lên kế hoạch quyên góp ngay. Chúng tôi gửi gắm vào Tuổi Trẻ khoản tiền sẽ được chuyển tới tay các cơ quan phòng chống dịch, để vắc xin được tiêm tới từng người sớm nhất".
Chương trình rất trách nhiệm và thiết thực
Ông Seck Yee Chung
Một chương trình tiêm chủng vắc xin COVID-19 quy mô toàn quốc không phải là một nhiệm vụ đơn giản, nếu như không muốn nói là nhiều thách thức, ngay cả với những quốc gia phát triển. Bởi vậy, thật đáng khích lệ khi thấy Việt Nam đang nỗ lực đưa các lô vắc xin đầu tiên về nước cùng lộ trình triển khai tiêm vắc xin cho các nhóm ưu tiên.
Việc xác định các nhóm ưu tiên là bước đi cần thiết và chúng tôi hi vọng sẽ nhìn thấy chương trình tiêm chủng được triển khai nhanh nhất. Do có nhiều loại vắc xin khác nhau nên trong quá trình triển khai, người dân cần thêm nhiều thông tin các loại vắc xin để họ có thể hiểu và tin tưởng chương trình mà Chính phủ đang triển khai.
Chương trình tiêm chủng cũng sẽ cần có thêm cơ sở hạ tầng như kho lạnh, hệ thống ghi chép và việc cung cấp chứng nhận để đảm bảo rõ ràng ai đã được tiêm chủng cũng như bảo quản chất lượng vắc xin. Nhà nước cần có nguồn lực cho việc này. Các sáng kiến huy động nguồn lực từ cộng đồng, tổ chức (như "Cùng Tuổi Trẻ góp vắc xin COVID-19" - PV)... được phát động cho thấy sự phản ứng nhanh nhạy, tính trách nhiệm và rất thiết thực.
Việt Nam đã kiểm soát tốt đại dịch thông qua các nỗ lực nghiêm ngặt trong việc truy vết cũng như công tác phòng chống dịch, cách thông tin, tuyên truyền, nhắn tin và hướng dẫn kịp thời đến từng người dân.
Ông Seck Yee Chung (luật sư điều hành của Công ty luật Baker McKenzie, TP.HCM) - N.BÌNH ghi
Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn
Sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đóng góp cho chương trình "Cùng Tuổi Trẻ góp vắc xin COVID-19" sáng 3-3 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Sáng 3-3, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) tổ chức ra quân Tháng thanh niên 2021 và phát động chương trình "Chung tay góp vắc xin COVID-19".
Chương trình có sự tham gia của đông đảo đoàn viên, sinh viên, cán bộ, giảng viên toàn trường. TS Nguyễn Xuân Hoàng Việt, phó hiệu trưởng nhà trường, nói tại lễ phát động: "Nói là vì cộng đồng nhưng chính chúng ta cũng là người hưởng lợi. Mỗi cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên có thể dành chút ít của mình để góp phần đẩy lùi dịch bệnh".
Ngay sau chương trình, đại diện Quỹ vận động "Chung tay góp vắc xin COVID-19" đã thực hiện kêu gọi quyên góp tại một số lớp học trong sáng nay. Thời gian tiếp nhận quyên góp sẽ kéo dài từ nay đến hết ngày 31-3. Toàn bộ nguồn quỹ sẽ được Đoàn trường trực tiếp trao tặng đến chương trình "Cùng Tuổi Trẻ góp vắc xin COVID-19" của báo Tuổi Trẻ.
Sinh viên Mai Thị Anh Thu, ngành ngôn ngữ Anh, bày tỏ: "Sáng nay, tôi cùng với nhóm bạn thân tham gia góp vắc xin. Tôi hi vọng ngoài sinh viên HUTECH, các bạn ở trường khác và cả xã hội sẽ cùng chuyển động. Việc làm tốt, hành động đẹp cần được lan tỏa để mọi người thêm niềm tin".
Nhiều sinh viên đang có tiết học đã "góp vắc xin" tại lớp ngay trong sáng 3-3. Phạm Thanh Sang, sinh viên ngành quản trị du lịch, cho biết ở lớp có thùng quyên góp và các bạn cùng góp phần nhỏ bé vào chương trình của báo Tuổi Trẻ. "Tụi mình nói vui: đầu năm làm việc tốt, chắc cả năm không rớt môn nào!" - Sang hóm hỉnh nói.
ThS Chế Dạ Thảo, giảng viên kỹ năng Trường ĐH HUTECH, có ý kiến: "Đóng góp cho chương trình không chỉ là một phần đóng góp vào việc đưa nhiều hơn những liều vắc xin COVID-19 về Việt Nam, mà còn là sự lan tỏa những giá trị đẹp giữa hành trình chống dịch COVID-19 của cả nước. Hành động nhỏ nhưng ý nghĩa thì lớn. Bản thân tôi cảm thấy thêm động lực cố gắng hơn. Hi vọng chương trình sẽ được lan tỏa hơn nữa".
MINH GIẢNG
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận