18/01/2020 20:11 GMT+7

Góp tư liệu cho 'cột mốc chủ quyền' Hoàng Sa

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Bồi đắp thêm những tư liệu, hiện vật, công trình nghiên cứu vào 'cột mốc chủ quyền'. Đây là thông điệp được phát đi từ buổi phát động xây dựng Thư viện Hoàng Sa, do UBND huyện Hoàng Sa (TP Đà Nẵng) và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức chiều 18-1.

Góp tư liệu cho cột mốc chủ quyền Hoàng Sa - Ảnh 1.

Ông Võ Ngọc Đồng (bên phải) tiếp nhận những tư liệu quý có liên quan đến Hoàng Sa - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Buổi phát động xây dựng Thư viện Hoàng Sa do UBND huyện Hoàng Sa (TP Đà Nẵng) và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức chiều 18-1, đúng vào dịp tưởng niệm 46 năm ngày Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. 

Ông Võ Ngọc Đồng, chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, cho biết từ khi phát động vào năm 2016 đến nay, UBND huyện Hoàng Sa đã tiếp nhận được 212 hiện vật, tư liệu có giá trị lịch sử, pháp lý cao từ các tổ chức, cá nhân sưu tầm, hiến tặng.

"Đó là những nghĩa cử hết sức cao đẹp của nhân dân ta và bạn bè quốc tế. Chúng ta cùng chung một sự quan tâm đến vùng đất máu thịt của Tổ quốc", ông Đồng nói.

Góp tư liệu cho cột mốc chủ quyền Hoàng Sa - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự buổi phát động xây dựng Thư viện Hoàng Sa do UBND huyện Hoàng Sa (TP Đà Nẵng) và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức chiều 18-1 - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Tại buổi lễ, UBND huyện Hoàng Sa sẽ tiếp nhận các tư liệu, hiện vật mới gồm:

19 châu bản triều Nguyễn nói về việc xác lập và thực thi chủ quyền của triều đình nhà Nguyễn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt trong lần này có một châu bản lần đầu tiên công bố. Đó là bản tấu của Bộ Hộ ngày 22-12 Tự Đức 22 (1869) về việc tỉnh thần Quảng Nam tư trình căn cứ lời bẩm của Tấn thủ Đà Nẵng Nguyễn Văn Tư trích tiền gạo cấp phát cứu tế cho 540 người tỉnh Phúc Kiến nước Thanh trên một chiếc thuyền sam bị nạn trôi dạt đến Vạn lý Trường Sa thuộc Đại Nam (Việt Nam).

Bản đồ "Hoàng Lê Cảnh Hưng". Đây là một văn bản giấy dó còn nguyên vẹn, khổ 30x17cm, gồm 40 trang, chữ Hán được viết theo thể chữ Khải. Văn bản này được sưu tầm từ thư viện Đại học Keio (thủ đô Tokyo, Nhật Bản). 

Trang 31b trong "Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ" mô tả về Bãi Cát Vàng (tức quần đảo Hoàng Sa) kéo dài ngoài biển, tương ứng với khu vực từ cửa Đại cho đến khoảng giữa núi Sa Huỳnh trong đất liền...

Góp tư liệu cho cột mốc chủ quyền Hoàng Sa - Ảnh 3.

Đông đảo người dân và học sinh đến tìm hiểu tư liệu về biển đảo tại Nhà trưng bày Hoàng Sa - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Góp tư liệu cho cột mốc chủ quyền Hoàng Sa - Ảnh 4.

UBND huyện Hoàng Sa (TP Đà Nẵng) trao bảng ghi nhận sự đóng góp của báo Tuổi Trẻ và các nhà xuất bản - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Góp tư liệu cho cột mốc chủ quyền Hoàng Sa - Ảnh 5.

Trưng bày nhiều tư liệu lịch sử liên quan đến Hoàng Sa - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Tại buổi lễ, ngoài việc báo Tuổi Trẻ đồng hành và tài trợ hạng mục xây dựng Thư viện Hoàng Sa, Thư viện Đà Nẵng và 4 nhà xuất bản đã trao tặng 648 cuốn sách liên quan đến chủ quyền biển đảo để xây dựng Thư viện Hoàng Sa, gồm: NXB Chính trị Quốc gia (400 cuốn sách), NXB Đà Nẵng (100 cuốn sách), Thư viện Đà Nẵng (100 cuốn sách), NXB Trẻ (36 cuốn sách), NXB Thông tin Truyền thông (12 cuốn sách).

Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm hệ thống hóa tài liệu pháp lý, các công trình nghiên cứu hướng tới xây dựng Thư viện Hoàng Sa thành một trung tâm nghiên cứu về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và chủ quyền biển đảo của Việt Nam. 

Không được quên Hoàng Sa Không được quên Hoàng Sa

TTO - Trong tâm thức người Việt, Hoàng Sa không bao giờ mất. Và chính việc phát động xây dựng công trình Thư viện Hoàng Sa hôm nay là tiếp tục truyền đi thông điệp đó.

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0