Các chiến sĩ tình nguyện thi công lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời tại Trạm rađa 610 - Ảnh: Q.PHƯƠNG
Hai giờ chiều, dưới cái nắng gắt đến cháy da ở đảo, các chiến sĩ tình nguyện len khắp các con hẻm nhỏ để tặng quà và tuyên truyền, vận động người dân cùng bảo vệ môi trường.
Các bạn được cảm nhận cuộc sống thực tế của người dân, được ở, được sống với dân, thấy được những khó khăn của dân và chứng kiến họ vượt qua nó như thế nào. Đó là những giá trị rất lớn cho hành trang của các bạn sau này.
Anh Phạm Hồng Sơn (bí thư Thành đoàn TP.HCM)
Cùng dân bảo vệ môi trường
Khi vào đến nhà dân, các chiến sĩ gửi tặng các nhu yếu phẩm như: đường ăn, nước tương, bột ngọt, nước mắm; cả túi giấy, ly giấy... và thông tin đến người dân về tác hại của các loại vật dụng bằng nhựa chỉ dùng một lần.
Với các hộ dân đang sinh sống trên bè cá ngoài biển, các chiến sĩ tình nguyện đi ghe ra từng nhà bè để tặng quà và vận động người dân cùng nhau bảo vệ môi trường.
Anh Kiều Văn Hùng, một hộ dân sống trên bè cá, chia sẻ: "Lâu nay sống ở biển, chúng tôi cứ vứt rác thải xuống biển thôi chứ biết bỏ đâu! Nghe nói là môi trường bị ô nhiễm nhưng đâu biết đến mức nào, với lại cũng không rõ là bảo vệ bằng cách nào nữa! Nay được các chiến sĩ tư vấn, tuyên truyền thì người dân chúng tôi sẽ lắng nghe và thực hiện theo, vì nó là môi trường sống, là miếng cơm manh áo của chúng tôi".
Một mô hình khác giúp người dân trên đảo nâng cao ý thức bảo vệ môi trường là mô hình "Cá ăn rác". Các chiến sĩ đã sáng chế những sọt rác theo mô hình con cá bằng sắt khổng lồ và lắp đặt các sọt rác này tại những vị trí công cộng như dọc đường ven biển, khu đền thờ… để người dân bỏ rác thải.
Trong khi đó, để góp phần bảo vệ môi trường, các chiến sĩ Trường ĐH Y dược TP.HCM lắp đặt hệ thống xử lý nước thải cho trạm y tế tại đảo với tổng kinh phí 250 triệu đồng.
Anh Trương Văn Đạt - bí thư Đoàn Trường ĐH Y dược TP.HCM - cho biết hệ thống lọc lưu lượng 1-3m3/ngày. Bác sĩ Phạm Thành Công - trưởng trạm y tế xã Thổ Châu - cho biết: "Lâu nay nước thải từ trạm cứ xả thẳng ra môi trường chứ không có hệ thống xử lý. Nay nước thải từ trạm xả ra sẽ được lọc sạch, góp phần bảo vệ vệ sinh môi trường trên đảo".
Lo an sinh cho quân, dân trên đảo
Trong hai ngày 22 và 23-7, đông đảo người dân lui tới trạm y tế xã Thổ Châu vì có đoàn y bác sĩ là các chiến sĩ tình nguyện Kỳ nghỉ hồng của Thành đoàn TP.HCM đến khám và phát thuốc miễn phí cho người dân.
Tám bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy mướt mồ hôi với việc khám và tư vấn, kê đơn thuốc. Cầm trên tay bịch thuốc vừa được phát, ông Nguyễn Thanh Hường (59 tuổi) chia sẻ: "Tôi bị cao huyết áp nhiều năm nhưng chưa có tiền chữa! Nay được khám và phát thuốc miễn phí, thật sự mừng lắm!".
Trong khi đó, tại một góc bên hông đền thờ Thổ Chu, hơn 20 chiến sĩ tình nguyện khác tất bật với việc xây dựng khu nhà ăn tập thể, người cắt sắt, người xúc cát, người bê gạch…
Gạt mồ hôi trên trán khi vừa đổ xong chiếc xe chở cát, chiến sĩ Nguyễn Văn Trường Duy (Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) nói: "Chúng tôi đã túc trực ở đây hơn 20 ngày rồi. Từ một sân cỏ um tùm, nay nhà ăn tập thể sắp hoàn thành. Vậy là người dân ở đây mỗi khi cúng đền hoặc tổ chức lễ đã có nơi để nấu nướng, ngồi ăn mà không sợ mưa nắng".
Những ngày qua, nhiều hộ dân ở đảo cũng rất vui vì căn nhà của mình không còn cảnh dây điện chằng chịt như mạng nhện. Các hộ dân được các chiến sĩ tình nguyện đến từ Tổng công ty Điện lực TP.HCM làm lại hệ thống điện trong nhà. Ông Võ Văn Bàng (79 tuổi) cười nói: "May có các cháu đến từ TP.HCM chứ không biết đến lúc nào mới sửa được".
Nhiều thành viên khác của Kỳ nghỉ hồng lại đang tất bật giúp dân lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời tại Trạm rađa 610; tập huấn kỹ thuật chăn nuôi động vật, thủy sản cho người dân; tư vấn kỹ thuật trồng nấm, rau sạch… Đi đâu trên đảo những ngày này đều "chạm mặt" niềm vui.
Anh La Thanh Tuấn - phó ban công nhân lao động, Thành đoàn TP.HCM, chỉ huy trưởng chiến dịch tình nguyện tại mặt trận đảo Thổ Chu - cho biết tổng kinh phí của chiến dịch tình nguyện tại đảo là 1.150.000.000 đồng.
Trong đó, có một số công trình trọng điểm như: nhà ăn tập thể và hệ thống tưới nước tự động trong khuôn viên đền thờ Thổ Chu, lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời, sửa chữa điện cho 50 hộ dân…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận