29/09/2008 15:02 GMT+7

Google Translate: "Thông dịch viên" trực tuyến cho người Việt

T.DŨNG
T.DŨNG

TTO - Google vừa bổ sung thêm khả năng hỗ trợ tiếng Việt cho công cụ chuyển đổi ngôn ngữ trực tuyến Google Translate. Đây có thể coi là minh chứng cho thấy Google đánh giá khá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam.

Sử dụng Google Translate người dùng không chỉ có thể dịch từ, câu hay đoạn văn mà còn có thể dịch cả một trang web từ nhiều ngôn ngữ khác nhau sang tiếng Việt hoặc ngược lại từ tiếng Việt sang một tiếng nước ngoài khác bằng những thao tác rất đơn giản. Ví dụ người dùng có thể dịch website báo Tuổi Trẻ sang tiếng Anh và 32 ngôn ngữ khác. Hay dịch trang blog của mình để các khách nước ngoài có thể xem trang này dễ dàng hơn.

skmfJLkF.jpgPhóng to
Google Translate dịch trang Nhịp Sống Số của Tuổi Trẻ từ tiếng Việt sang tiếng Anh.

Không những thế các nhà phát triển và quản trị website còn có thể dễ dàng bổ sung Google Translate lên trang web mong muốn chỉ bằng một vài dòng lệnh Javascript đơn giản được Google cung cấp sẵn. Công cụ này cho phép người dùng có thể dịch website sang ngôn ngữ quen thuộc với họ, góp phần phá bỏ rào cản ngôn ngữ trên thế giới mạng Internet.

“Translated Search” là một tính năng khác của Google Translate cho phép người dùng dịch một thuật ngữ tìm kiếm từ ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác rồi tiến hành tìm kiếm bằng chính Google Search với từ khóa đã được dịch đó. Tính năng này hiện cũng đã hỗ trợ tiếng Việt.

Duy nhất tính năng Dictionary của Google Translate là đến thời điểm này vẫn chưa hỗ trợ tiếng Việt.

Đối với người dùng Google Toolbar, Google Translate sẽ có thêm một tính năng nữa. Đó là dịch nghĩa từ trực tiếp trên website bằng tiếng Anh. Chỉ cần chỉ chuột vào từ muốn tra nghĩa Google Translate sẽ ngay lập tức hiển thị một cửa sổ pop-up nhỏ hiển thị đầy đủ ngữ nghĩa của từ đó bằng tất cả ngôn ngữ có hỗ trợ.

Như vậy, với việc bổ sung thêm tiếng Việt, tổng số lượng ngôn ngữ được Google Translate hỗ trợ đến thời điểm hiện tại đã lên tới con số 34. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng có thể dịch một ngôn ngữ nguồn sang 33 thứ tiếng khác nhau như tiếng Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Na Uy, Hà Lan, Ả Rập, Bungari, Croatia, Đan Mạch, Hy Lạp, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…

Vấn đề chất lượng

Google Translate có thể dịch từ khá tốt nhưng lại gặp khó khăn trong việc dịch câu, đoạn văn, dịch ý hay câu phức tạp. Với những từ tiếng lóng hay mang nghĩa bóng thì Google Translate cũng không thể xử lý được. Trong những trường hợp như thế này đôi khi Google Translate vẫn để nguyên ngôn ngữ gốc. Trường hợp người dùng đưa lên tiếng Việt không dấu thì Google Translate cũng đành… "bó tay".

Nhìn chung, chương trình này dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh tốt hơn là từ Anh sang Việt. Ví dụ: từ “miễn bàn”, công cụ sẽ dịch là “free table”. Hay dịch từ Anh sang Việt chương trình sẽ dịch một số câu rất ngô nghê như “hello, how are you?”= “Xin chào, làm thế nào là bạn?”.

83O7Ow2q.jpgPhóng to
Google Translate dịch tiếng lóng rất yếu

Nhưng có thể nói chất lượng dịch của Google vẫn tương đối tốt và đủ để những người không hiểu biết một thứ ngôn ngữ nào đó có thể hiểu được ý nghĩa của một website viết bằng ngôn ngữ đó. Chúng ta khó có thể đòi hỏi được chất lượng dịch cao hơn nữa mặc dù Google cam kết sẽ liên tục cải tiến và nâng cấp.

Đơn giản là bởi Google Translate là một “cái máy biết dịch” chứ không phải là “một thông dịch viên bằng xương bằng thịt”. Làm sao một chiếc máy mà có đủ khả năng để hiểu hết sự phức tạp trong ngôn ngữ hàng ngày của con người.

“Chiếc máy dịch” đó hiện vẫn phải sử dụng cơ chế dịch kiểu “word-by-word” đối chiếu trực tiếp từ trong ngôn ngữ nguồn với từ có nghĩa tương đương trong ngôn ngữ đích rồi ghép lại thành câu dịch. Cũng có khá nhiều mẫu câu ngữ pháp có mặt trong cơ sở dữ liệu của Google Translate nhưng không phải lúc nào cũng được sử dụng đúng và phù hợp.

Tuy nhiên, không ít người dùng Việt Nam khi dùng thử đều đã đánh giá Google Translate là công cụ chuyển đổi ngôn ngữ trực tuyến tốt nhất trên thế giới mạng Internet hiện nay.

Đánh giá cao thị trường Việt Nam

2yZwGD4S.jpgPhóng to
Chương trình dịch từ tiếng Việt sang tiếng Trung.

Việc Google Translate bổ sung thêm khả năng hỗ trợ tiếng Việt không chỉ là một tin tốt lành đối với người dùng Việt mà nó còn là dấu hiệu rõ ràng cho thấy “cách nhìn” của một hãng công nghệ hàng đầu thế giới hiện nay đối với thị trường công nghệ thông tin Việt Nam.

Các quan chức cấp cao của Google khi đến Việt Nam gần đây trả lời báo giới rằng Việt Nam thực sự là một thị trường tiềm năng. Việc bổ sung thêm khả năng hỗ trợ tiếng Việt cho Google Translate lần này có thể xem là một minh chứng rõ ràng cho “đánh giá” đó của “gã khổng lồ tìm kiếm”.

Yếu tố quan trọng nhất trong “con mắt” của Google chính là người dùng Internet. Càng có nhiều người dùng được dùng Internet, được truy cập web và sử dụng dịch vụ của Google thì hãng này càng kiếm được nhiều lợi nhuận từ dịch vụ quảng cáo trực tuyến. Việt Nam lại đang có lợi thế về mặt này.

Tính đến nay đã có khoảng 20,2 triệu người dân Việt Nam - khoảng 23,4% dân số - được sử dụng Internet. Theo số liệu thống kê của Internet World Stats, Việt Nam hiện đứng thứ 6 ở châu Á và đứng thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á - sau Indonesia (25 triệu) - về số lượng người dân được sử dụng Internet. Tính chung trên toàn thế giới Việt Nam đứng thứ 17/20 nước có số lượng người dân được dùng Internet nhiều nhất thế giới.

Còn nếu xét về tốc độ tăng trưởng thì ở Châu Á, Việt Nam chỉ xếp sau Pakistan. Chỉ sau có 8 năm số lượng người dùng Internet ở Việt Nam đã tăng hơn 100 lần - từ khoảng hơn 200.000 trong năm 2000 đến 20,2 triệu trong năm 2008.

Ngoài ra, Việt Nam cũng nằm trong danh sách 10 quốc gia có tốc độ phát triển mạng băng rộng cao nhất thế giới do Hãng nghiên cứu viễn thông Ovum (Anh) xây dựng. Ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông (Bộ TT&TT), cho biết hiện tốc độ phát triển Internet băng rộng tại Việt Nam tăng 150%. Mặc dù vậy, Việt Nam mới có khoảng 1,41 triệu thuê bao băng rộng và đạt mật độ 1,58% dân số.

Rõ ràng với một thị trường tiềm năng như thế này Google sẽ khó lòng nào mà có thể bỏ qua được. Việc bổ sung thêm khả năng hỗ trợ tiếng Việt cho Google Translate là một trong những bước đi đầu tiên của “gã khổng lồ tìm kiếm” trong việc xâm nhập sâu hơn nữa vào thị trường Việt Nam.

Hướng dẫn sử dụng

Để sử dụng Google Translate, người dùng trước tiên hãy truy cập vào địa chỉ , rồi dán từ, câu, đoạn văn… vào mục “Original Text” hoặc đường dẫn website vào mục “Translate a Web Page”, sau đó chọn ngôn ngữ nguồn - hoặc có thể để Google Translate tự chọn ngôn ngữ nguồn bằng cách chọn lựa “Detect Language” - và ngôn ngữ đích rồi bấm nút “Translate” và chờ đợi trong giây lát công cụ sẽ hiển thị đã được dịch.

Ví dụ, để dịch website Tuổi Trẻ Online từ tiếng Việt sang tiếng Anh, độc giả hãy nhập địa chỉ “www.tuoitre.com.vn” vào mục “Translate a Web Page” và chọn ngôn ngữ nguồn là “Vietnamese” và ngôn ngữ đích và “English” rồi bấm nút “Translate”. Chỉ trong vài giây Google Translate sẽ hiển thị kết quả trong cùng cửa sổ trình duyệt.

Còn để dịch một đoạn văn bản, độc giả hãy nhập nội dung văn bản vào mục “Original Text”, chọn ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích rồi bấm nút “Translate”. Kết quả dịch sẽ được hiển thị ở ngay bên tay phải đoạn văn bản gốc giúp người dùng dễ so sánh hơn.

Để bổ sung công cụ Google Translate vào website, nhà phát triển hãy truy cập vào địa chỉ , chọn lựa ngôn ngữ hiển thị rồi sao chép phần mã nguồn trong mục “Copy and paste the HTML below to include the gadget on your webpage” đưa vào website.

Đối với người dùng Google Toolbar - có thể tải về miễn phí tại địa chỉ - sau đó tiếp tục truy cập vào địa chỉ rồi nhắp chuột chọn ngôn ngữ mong muốn, kéo và thả nó vào thanh công cụ Google Toolbar để bổ sung thêm.

T.DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên