04/07/2019 11:56 GMT+7

Google phát triển công cụ áp dụng cho tiêm kích tàng hình Trung Quốc?

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Google đã lên tiếng bác bỏ có liên quan tới quân đội Trung Quốc, nhưng giới chuyên gia vẫn hoài nghi nghiên cứu mà Google tham gia có khả năng được áp dụng cho các tiêm kích tàng hình của Trung Quốc.

Google phát triển công cụ áp dụng cho tiêm kích tàng hình Trung Quốc? - Ảnh 1.

J-20, tiêm kích tầm xa thế hệ thứ tư của Trung Quốc, từng được các chuyên gia đem lên bàn cân với tiêm kích F-35 của Mỹ - Ảnh: TÂN HOA XÃ

Báo South China Morning Post ngày 4-7 đưa tin Google mới đây đã bác bỏ cáo buộc đóng góp chuyên môn cho quân đội Trung Quốc, sau khi một nhà khoa học của Google tham gia vào một nghiên cứu có thể được dùng để tăng độ chính xác của loại chiến đấu cơ tàng hình mới của Bắc Kinh.

Đó là tiến sĩ Trạch Thụ Dân (Zhai Shu Min), một nhà khoa học hàng đầu trong đội nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) của Google. Ông là một trong những người tham gia vào một chương trình nghiên cứu ở Bắc Kinh, với các ứng dụng trong cả quân sự, y học và giáo dục.

Tài liệu nghiên cứu - về sự phát triển của công nghệ tương tác người - máy tính mới - tập trung vào một công cụ hỗ trợ chọn lọc mục tiêu thông minh giúp tăng tốc việc chọn lọc mục tiêu di động trên màn hình tới hơn 50% và cải thiện độ chính xác gần 80%.

Theo hai nhà nghiên cứu Trung Quốc được thông báo về nghiên cứu này, khi áp dụng công cụ trên, một phi công điều khiển chiến đấu cơ hay một người giám sát tên lửa phòng không có thể chọn lọc các mục tiêu đang di chuyển nhanh trên màn hình cảm ứng với tốc độ và độ chính xác chưa từng thấy.

Với những lợi ích trên khi áp dụng, tiêm kích tàng hình J-20 của Trung Quốc đã trở thành một ứng viên để "trải nghiệm" hệ thống này, theo 2 nhà nghiên cứu trên.

Phía Google xác nhận họ có tham gia vào nghiên cứu trên, nhưng bác bỏ có liên quan tới quân đội Trung Quốc.

"Tài liệu này giải quyết một câu hỏi nghiên cứu rất chung chung trong thiết kế trải nghiệm người dùng về cách thức người ta tương tác với các vật chuyển động trên màn hình cảm ứng. Tài liệu này đơn giản không phải để ứng dụng vào quân sự" - một người phát ngôn Google ngày 3-7 cho biết.

Người này nói rõ: "Không có gì trong tài liệu này đề cập tới ứng dụng quân sự. Loại nghiên cứu như thế này vốn quan trọng đối với việc cải thiện định vị dựa trên ngón tay hay bút cảm ứng trong bất kỳ ứng dụng nào".

Trong khi đó, Viện khoa học Trung Quốc (CAS) cho biết trên trang web của họ vào tuần trước: "Nghiên cứu này sẽ có triển vọng ứng dụng rộng rãi trong quân sự, y học, giáo dục và giải trí số".

Một nhà nghiên cứu vũ khí AI làm việc cho quân đội Trung Quốc cho biết rất dễ để các chuyên gia đến từ các công ty công nghệ quốc tế nghiên cứu những dự án liên quan đến quân đội Trung Quốc.

"Chẳng hạn họ có thể được yêu cầu phát triển một thuật toán, nhưng lại không được thông báo các chi tiết liệu thuật toán đó sẽ được sử dụng như thế nào" - người này lý giải.

Theo trang web của Google AI, tiến sĩ Trạch là người dẫn đầu và chỉ đạo nghiên cứu, thiết kế và phát triển các phương thức nhập (IME)… cho Google cùng các đối tác của công ty này.

Trung Quốc đã lắp đặt màn hình cảm ứng 25 inch trên tiêm kích tàng hình J-20 của quân đội nước này và được xem là màn hình lớn nhất thuộc loại này trên thế giới, theo các báo cáo của truyền thông nhà nước Trung Quốc trước đó.

Kích thước màn hình này lớn hơn màn hình cảm ứng của tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ tới 50% và lớn hơn của tiêm kích F-35 của Mỹ tới 35%.

Màn hình cảm ứng của J-20 có thể hiển thị cấu hình vũ khí trên không, tình trạng động cơ, nghiên cứu rađa trên không, các mục tiêu bạn - thù, đường định vị…

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình nhà nước Trung Quốc hồi năm 2016, ông Cao Feng, một thành viên cao cấp tại Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC), từng cho biết phi công J-20 có thể sử dụng màn hình cảm ứng như một chiếc iPad, giúp phóng to hay thu nhỏ một bức ảnh.

Tuy nhiên, thời điểm đó việc chọn lọc các mục tiêu đang di chuyển - chẳng hạn nhắm mục tiêu vào các máy bay địch đang tiếp cận nhanh trên màn hình rađa - lại không dễ dàng với phi công. Họ cần phải bám đuổi mục tiêu liên tục và canh thời gian chính xác dựa trên sự phối hợp giữa tay và mắt - vốn có thể dẫn tới nhiều rủi ro trong chiến đấu.

Google nói gì khi

TTO - Khi tìm kiếm trên Google lịch đá bán kết của VCK U-23 châu Á, bạn đọc 'chưng hửng' khi không tìm thấy tên đội U-23 Việt Nam, mà thay vào đó là U-23 Iraq.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên