23/06/2012 19:26 GMT+7

Google Doodle tưởng nhớ cha đẻ ngành khoa học máy tính

PHONG VÂN
PHONG VÂN

TTO - Ngày 23-6, đội ngũ kỹ sư Google Doodle trình làng sản phẩm độc đáo trên Google.com, dành tưởng nhớ "cha đẻ" ngành khoa học máy tính Alan Turing nhân ngày sinh lần thứ 100 của ông.

WLxhPek6.jpgPhóng to
Cỗ máy Turing trực tuyến từ bàn tay thiết kế của đội ngũ kỹ sư Google Doodle, tưởng nhớ nhà khoa học tài ba Alan Turing nhân 100 năm ngày sinh của ông

Trong ngày 23-6, khi truy cập vào website công cụ tìm kiếm Google, người dùng sẽ bắt gặp một cỗ máy có các con số 0 và 1 cùng phím bấm trên dải băng "kỳ lạ" thay thế logo Google.

Đó là phiên bản mô phỏng cỗ máy Turing (Turing Machine) nổi tiếng, cho phép phá vỡ sáu lần năm chữ số mã nhị phân, một tác phẩm mới của các kỹ sư Google Doodle nhân ngày sinh lần thứ 100 của nhà toán học và khoa học máy tính Alan Turing.

Bạn đọc yêu thích giải mã có thể thử nghiệm mật mã Turing được phát triển bởi hai chuyên gia mật mã Jay Abbott và Senad Zukic từ PwC tại đây.

Google đưa ra một bài toán thú vị, yêu cầu khách truy cập chuyển đổi các ký tự Google từ số nhị phân (0-1) thông qua Turing Machine.

Mỗi lần thực hiện đúng, những ký tự trong logo Google đã bị xám mờ sẽ được hiển thị màu trở lại (xanh dương, xanh lá cây và đỏ). Độ khó sẽ tăng dần lên sau khi bạn giải xong lần đầu tiên. Bạn có thể tham khảo cách giải tại đây.

Máy Turing là một thiết bị thao tác các ký hiệu trên một dải băng theo một bảng quy tắc, giúp các nhà khoa học máy tính hiểu được những giới hạn của tính toán cơ học.

Alan Turing và những thành tựu vĩ đại

Sinh ngày 23-6-1912 tại London, nhà toán học tài ba người Anh Alan Turing được biết đến như cha đẻ của ngành khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo (AI).

Ông là người phát minh máy Turing (Turing machine), hình thái đơn giản nhất của một chiếc máy điện toán. Những công trình nghiên cứu của ông đã trợ giúp rất nhiều trong việc hình thành các thuật toán và khái niệm vốn có vai trò chính yếu trong việc tạo ra các máy tính hiện đại.

B8sHHt9S.jpgPhóng to
Ảnh minh họa: Wired

Trong suốt Chiến tranh thế giới thứ hai, Alan Turing tham gia đội ngũ giải mã, giúp phá vỡ thuật mã hóa bí mật trong cỗ máy Enigma của Đức. Ông đã dùng một phương thức được gọi là "bombe" để trợ giúp tiến trình giải mã cỗ máy mã hóa Enigma. Theo phương thức đó, ông đã lần lượt bẻ khóa các mật mã quan trọng để giúp quân đồng minh tìm và diệt các đơn vị quân sự và hải quân Đức.

Bạn đọc có thể xem thêm về giai thoại giải mã cỗ máy mã hóa Enigma của Đức .

Sau chiến tranh, ông làm việc tại phòng thí nghiệm vật lý quốc gia và tại Đại học Manchester.

Tuy có những công trình đóng góp vĩ đại nhưng cuộc đời Alan Turing lại rất ngắn ngủi và có một kết cục bi thảm. Tháng 1-1952, ông bị kết tội đồng tính luyến ái, thời điểm mà các hành vi đồng tính luyến ái bị coi là phạm pháp tại Anh.

Năm 1954, hai tuần trước ngày sinh nhật lần thứ 42 của mình, ông tự sát tại nhà. Cái chết do nhiễm độc cyanide của ông vẫn là vấn đề gây tranh cãi.

Năm 2009, thủ tướng Anh Gordon Brown đưa ra lời xin lỗi chính thức thay mặt cho Chính phủ Anh vì cách điều trị sai lầm (tiêm hormone estrogen) đối với "bệnh" đồng tính luyến ái của Alan Turing.

Alan Turing được vinh danh qua Giải thưởng Turing (Turing Award) do Hiệp hội Máy tính (Association for Computing Machinery) tổ chức từ năm 1966, trao cho những cá nhân có đóng góp lớn cho cộng đồng khoa học máy tính với trị giá giải thưởng lên đến 250.000 USD do Intel và Google tài trợ. Giải được xem như tương đương giải Nobel của ngành máy tính.

Tượng đồng Alan Turing xuất hiện tại nhiều nơi như công viên Sackville Park, thành phố Manchester hay tại Đại học Surrey.

PHONG VÂN (Theo Wikipedia)

PHONG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên