Biểu tượng của công ty Google - Ảnh: AFP
Theo trang France24, ông Sundar Pichai, CEO của Google, ngày 1-10 (giờ Mỹ) cho biết sản phẩm mới của họ có tên Google News Showcase sẽ được đưa vào hoạt động đầu tiên tại Đức và Brazil.
Tại Đức, Google đã ký kết thỏa thuận khai thác, sử dụng tin tức với báo như Der Spiegel, Stern, Die Zeit, còn tại Brazil họ đã ký kết với các báo Folha de S.Paulo, Band và Infobae.
Trong kế hoạch, ứng dụng tin tức mới của Google cũng sẽ được triển khai tiếp tại Bỉ, Ấn Độ, Hà Lan và các nước khác.
Khoảng 200 tòa báo tại Argentina, Úc, Anh, Brazil, Canada và Đức đã đăng ký tham gia hợp tác với Google trong sản phẩm tin tức mới.
"Cam kết tài chính này, cũng là cam kết lớn nhất cho tới nay của chúng tôi, sẽ trả tiền cho các tòa báo để họ tạo ra những nội dung chính xác chất lượng cao cho một kiểu trải nghiệm tin tức online khác biệt", ông Pichai viết trong blog công ty.
Năm ngoái, báo cáo tài chính của Alphabet, công ty mẹ của Google, công bố thu nhập tài khóa 2019 gần 162 tỉ USD, trong đó lợi nhuận ròng là 34,4 tỉ USD.
Ứng dụng tin tức Google News Showcase sẽ cho phép các tòa báo lựa chọn và trình bày nội dung tin tức của họ. Sản phẩm này trước hết sẽ hoạt động ngay trên nền tảng tin tức Google News của thiết bị Android và sau đó sẽ hoạt động trên các thiết bị của Apple.
Theo ông Pichai, giải pháp tin tức này sẽ khác với các sản phẩm tin tức khác của chính Google, vì lệ thuộc vào lựa chọn biên tập của từng tòa báo trong việc quyết định nội dung nào nên được hiển thị với bạn đọc và cách thức trình bày nội dung đó.
Tập đoàn tin tức Spiegel Group của Đức hoan nghênh dự án này của Google.
Tuy nhiên Hội đồng các nhà xuất bản châu Âu (EPC), tổ chức gồm các thành viên trong đó có News UK, The Guardian, Pearson, The New York Times và Schibsted, lại tỏ ra thờ ơ vì cho rằng Google đang tự ý thiết lập "luật chơi" theo cách của họ mà không phải tạo ra cơ sở đàm phán công bằng với báo chí trong thỏa thuận hợp tác khai thác tin tức.
Google vẫn đang trong quá trình thương lượng với các tòa báo ở Pháp. Trong khi đó Úc lại muốn buộc Google và Facebook phải chia sẻ nguồn thu quảng cáo với các tập đoàn truyền thông của họ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận