
Đĩa gốm của Nguyễn Đình Vũ vẽ từ cảm hứng truyện Phẩm tiết của Nguyễn Huy Thiệp
Năm nay nhân kỷ niệm 75 năm ngày sinh của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (1950 - 2025), theo sáng kiến của họa sĩ Lê Thiết Cương và gia đình nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cùng nhau tổ chức triển lãm Gốm Thiệp.
Triển lãm này không chỉ trưng bày những tác phẩm gốm do cố nhà văn vẽ ra từ nhiều năm trước, mà còn có sự tham gia của 42 nghệ sĩ vẽ trên chất liệu gốm tại hai địa điểm Gallery 39A Lý Quốc Sư của Lê Thiết Cương và Không gian Nguyễn Huy Thiệp.

Con gái thủy thần - tác phẩm của Nguyễn Phan Bách
Vẽ những suy tưởng của Nguyễn Huy Thiệp
Mọi người đều yêu mến ông, có cả những người gần như chưa tiếp xúc với ông bao giờ, nhưng những tác phẩm văn chương của Thiệp từ lâu đã in đậm trong lòng người.
Trước đây, vào năm 2007, cũng do Nguyễn Huy Thiệp và Lê Thiết Cương đã mời nhiều bè bạn họa sĩ vẽ minh họa cho tuyển tập truyện ngắn của Thiệp. Hiện những chân bản minh họa này do Bách và Khoa - con trai nhà văn - lưu giữ tại gia đình.
Những bản vẽ cho thấy họa sĩ đã đọc ông thế nào, hiểu ông và hiểu cuộc sống ông và chính họ đã trải qua mà hình thành bản vẽ. Chúng không còn là minh họa truyện nữa mà là những suy tưởng từ cuộc sống và nhãn quan của nhà văn, cùng với phong cách vẽ của từng cá nhân.

Tướng về hưu, tác phẩm của Lê Thiết Cương
41 nghệ sĩ tham gia vẽ gốm lần này phần đông là họa sĩ, và số khác là nhà văn, nghệ sĩ thuộc các ngành nghệ thuật khác nhau. Nhưng tất cả đã thấu hiểu Nguyễn Huy Thiệp qua truyện ngắn của ông về một cuộc sống - thời buổi đầy bất trắc, gian nan và không thiếu phần trớ trêu, hài hước.
Hầu hết những người bạn của Nguyễn Huy Thiệp đã từng sống qua thời gian đó, mà giờ đây tưởng như đó chỉ là những cơn ác mộng chưa từng có thật.
Ông Thiệp đã khắc họa sâu sắc, tinh tế về tháng năm ông sống và cọ xát với trăm năm đời người, để lấy lại những nét hằn sâu nhất bằng văn chương.

Phẩm tiết, Phan Cẩm Thượng vẽ
Cảm nghĩ về cuộc đời cùng Nguyễn Huy Thiệp
Nguyễn Huy Thiệp cũng tham gia vẽ từ lâu, nhất là trong thời bao cấp ông thường xuyên đi cùng họa sĩ vẽ thuê trang trí cho hội chợ triển lãm Giảng Võ, nhằm kiếm thêm chút đỉnh.
Dù là tự học và không hề có ý định thành họa sĩ, Nguyễn Huy Thiệp cũng đã vẽ và thể hiện được mình qua nét vẽ, sau này không còn phải đi vẽ thuê triển lãm nữa, ông vẫn giữ việc vẽ trên gốm và đặc biệt thích vẽ chân dung những người bạn trên đĩa gốm và bình lọ gốm.
Đó là những hình ảnh rất thành thật như ông nghĩ.
Những bức họa được vẽ trên đĩa bình lọ lần này của 42 nghệ sĩ cũng là cảm nhận và phong cách riêng đã có của từng người.
Họ có cái nhìn riêng về văn chương của ông kết hợp với thói quen hội họa vẫn vẽ tranh của họ mà đưa lên gốm.
Vẽ gốm bằng màu lam chàm (oxit cobanlt) và màu xanh lục (oxit mangan) cũng hạn chế về màu và khá khó vẽ khi loãng quá thì loang chảy, đặc quá dễ cháy màu, nhưng về cơ bản chúng được vẽ như lối vẽ thủy mặc đen trắng thôi, mà hầu hết các họa sĩ đã làm quen.
Cũng không hẳn là minh họa văn chương, nhiều hơn là cảm nghĩ về cuộc đời cùng với Nguyễn Huy Thiệp.

Đĩa gốm vẽ nhà văn Lê Lựu của Nguyễn Huy Thiệp
Triển lãm Gốm Thiệp do Không gian nghệ thuật Nguyễn Huy Thiệp và Gallery39 đồng tổ chức nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày sinh của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (1950 - 2025).
Triển lãm do họa sĩ Lê Thiết Cương làm giám tuyển.
Lần đầu tiên có một triển lãm gốm (lọ, đĩa) trưng bày các tác phẩm lấy cảm hứng từ câu văn, thơ trong các truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp với số lượng lớn và đông đảo nghệ sĩ tham gia.
Lần đầu tiên công chúng yêu nghệ thuật sẽ được thưởng ngoạn các tác phẩm gốm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vẽ lúc sinh thời.
Sự kiện sẽ được tổ chức ở cả ba miền. Đầu tiên là tại Hà Nội, triển lãm diễn ra ở Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm từ 4-4 đến 22-4.
Sau đó triển lãm sẽ đến Củi Lũ Art Space Hội An, TP Đà Nẵng, rồi đến TP.HCM.

Tác phẩm của Lê Trí Dũng

Phẩm tiết của họa sĩ Nguyễn Đoan Ninh

Sang sông - Đặng Tiến

Chảy đi sông ơi - Quách Đông Phương
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận