Hiện cơ quan tiến hành tố tụng tại Đà Nẵng đang thụ lý vụ "gom" tài khoản ngân hàng, tiếp tay người nước ngoài lừa đảo.
Với thủ đoạn lừa rất đơn giản nhưng có người đã bị "sập bẫy" mất hơn 2 tỉ đồng.
Tiếp tay lừa đảo
Chỉ cần lên các trang mạng xã hội gõ cụm từ mua bán tài khoản ngân hàng sẽ cho ra nhiều kết quả. Trên một nhóm có hơn 91.000 thành viên, những người tham gia thường rao các dịch vụ như cho thuê, bán tài khoản ngân hàng. Nhiều người không biết rằng có thể biến mình thành người tiếp tay cho tội phạm.
Điển hình như gần đây, TAND TP Đà Nẵng đã xét xử ba bị cáo: Hồ Văn Nghĩa (27 tuổi, quê Vĩnh Long), Nguyễn Duy Phương (34 tuổi, ngụ TP.HCM) và Nguyễn Văn Đô (22 tuổi, quê An Giang) về tội: sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Các bị cáo trên đã mua bán tài khoản ngân hàng, tiếp tay người nước ngoài lừa đảo tiền của nhiều người dân.
Theo cáo trạng, Hồ Văn Nghĩa được Nguyễn Thị Bích Tuyền (quê Đồng Tháp) đề nghị mở tài khoản ngân hàng để bán lại với giá 2,5 triệu đồng/tài khoản. Nghĩa dùng giấy tờ tùy thân của mình đăng ký mở 10 tài khoản tại các ngân hàng khác nhau để bán cho Tuyền.
Một thời gian sau, Tuyền giới thiệu Nghĩa với một người Malaysia tên Jackson Liew để Nghĩa bán tài khoản trực tiếp cho người này.
Thấy kiếm được tiền dễ dàng, Nghĩa bèn tìm nhiều người khác mở tài khoản chuyển cho mình để giao bán lại cho Tuyền và Jackson Liew hưởng tiền chênh lệch.
Cụ thể, Nghĩa đã móc nối với Nguyễn Duy Phương để Phương dùng tên mình mở tài khoản hoặc tìm người mở tài khoản ngân hàng "bán" lại kiếm tiền. Nhận lời, Phương mở bốn tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau.
Đồng thời, Phương thông qua mối quan hệ quen biết, tiếp tục móc nối với Nguyễn Văn Đô để Đô mở 10 tài khoản ngân hàng khác. Tất cả được Phương giao cho Nghĩa, Nghĩa đem "bán" cho Jackson lấy tiền chia nhau.
Sau khi có tài khoản ngân hàng, Jackson Liew liền sử dụng vào việc nhận tiền lừa đảo qua mạng như giả danh công an gọi điện thoại hù dọa nạn nhân đang bị điều tra, hoặc liên quan đến vụ án nào đó buộc họ phải nộp tiền bảo lãnh nếu không sẽ bị khởi tố hoặc bị bắt giam.
Sau khi nạn nhân nộp tiền vào, chúng chuyển lòng vòng qua nhiều tài khoản khác nhau để "xóa vết". Sau đó rút ra mua đồng tiền kỹ thuật số USDT để chuyển vào ví điện tử cho Jackson.
Quá trình điều tra xác định có bốn bị hại bị chiếm đoạt tổng số tiền hơn 5 tỉ đồng.
"Bay" tiền tỉ sau cuộc điện thoại
Đầu tháng 3-2020, điện thoại để bàn của bà Tr.T.P.C. (tỉnh Vĩnh Long) nhận được điện thoại của một phụ nữ tự xưng tên Lê Thị Yến Nhi là nhân viên bưu chính TP.HCM.
Người này thông báo về việc bà C. mở tài khoản số 420... tại Ngân hàng Sài Gòn chi nhánh Hà Nội có chi số tiền hơn 36,8 triệu đồng, đã quá hạn và ngân hàng yêu cầu thanh toán.
Bà C. nói không có mở tài khoản này thì được giải thích có người đánh cắp thông tin cá nhân của bà để mở tài khoản và chuyển máy cho điều tra viên ở Cục Điều tra tội phạm Hà Nội.
Sau khi thực hiện theo các yêu cầu của người này, toàn bộ số tiền hơn 545 triệu đồng có trong tài khoản đứng tên bà C. tại ngân hàng, đăng ký dịch vụ Ipay qua số điện thoại 081... bị đối tượng chuyển sang tài khoản khác rồi chiếm đoạt.
Qua sao kê các tài khoản ngân hàng có liên quan xác định số tiền trong tài khoản bà C. được chuyển qua hàng chục tài khoản, đứng tên nhiều người khác nhau.
Một trường hợp khác là ông N.V.P. (59 tuổi, trú quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) đã bị sập bẫy lừa số tiền 3,2 tỉ đồng.
Ông P. nhận được điện thoại của một người xưng là nhân viên bưu chính viễn thông yêu cầu thanh toán khoản chi tiêu của thẻ tín dụng trả sau trị giá hơn 36,8 triệu đồng mang tên ông tại ngân hàng.
Khi ông này nói không sử dụng thẻ tín dụng thì được hướng dẫn liên hệ số điện thoại đường dây nóng của Bộ Công an số 069... gặp người xưng là đại tá Tín - phó trưởng phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an.
Đối tượng hướng dẫn ông P. mua một điện thoại mới, lắp SIM đang dùng và cài đặt 3G. Sau đó chuyển số tiền ông đang gửi ở ba ngân hàng vào tài khoản mang tên ông P. tại Ngân hàng MBBank.
Ông P. thực hiện theo hướng dẫn, kích hoạt vào ứng dụng có logo Bộ Công an và nhập các thông tin tài khoản thì số tiền 3,2 tỉ đồng có trong tài khoản trên bị các đối tượng chuyển sang tài khoản khác rồi chiếm đoạt.
Qua việc yêu cầu ngân hàng cung cấp sao kê các tài khoản nhận tiền, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Đà Nẵng xác định số tiền trong tài khoản mang tên ông P. được chuyển lòng vòng qua nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau.
Đây chỉ là hai trong số các bị hại trong vụ án sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Điều tra người mở thẻ bán kiếm tiền
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Đà Nẵng đã có quyết định ủy thác điều tra đến cơ quan điều tra các tỉnh thành liên quan đối với các đối tượng mở thẻ bán cho Nguyễn Duy Phương để lấy tiền, nhưng hiện chưa có kết quả trả lời.
Một số người đã đi khỏi địa phương cư trú nên cơ quan công an tiếp tục điều tra xác minh làm rõ sau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận