25/10/2018 19:59 GMT+7

Gom đời mình vào hai chữ Nâng niu

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Nhà thơ, nhà khảo cứu lão thành Lê Giang vừa ra mắt quyển sách thứ 2 của bà trong năm nay, với nhan đề như một dịp nhìn lại chặng đường sáng tác, điền dã và khảo cứu cùng tất cả bạn bè thân hữu và đồng nghiệp lâu nay: Nâng niu.

Gom đời mình vào hai chữ Nâng niu - Ảnh 1.

Một trong những hình ảnh được in trong sách, từ trái sang: nhà thơ , nhà văn Nguyễn Đông Thức, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, NSND Đỗ Lộc và nghệ sĩ Vũ Bích Diệp tại Bình Dương - Ảnh: L.ĐIỀN chụp lại

Hai chữ nâng niu hẳn đã được tác giả bước vào tuổi 89 đắn đo cân nhắc lắm mới chọn làm nhan đề.

Vì gần phân nửa dung lượng trang sách là tập hợp các bài viết về Lê Giang trong rất nhiều góc độ: nhà thơ, nhà nghiên cứu, tác giả kịch bản... trong suốt mấy chục năm của một đời theo đuổi văn nghệ dân gian, sưu tầm ca dao dân ca, viết lách và sinh hoạt cùng giới văn nghệ nhiều vùng miền.

Lê Giang gọi tên phần nội dung ấy là Một thời để thương, mà quả tình một người nghệ sĩ như vậy, trưởng thành từ chiến tranh ở "rừng" về thành phố, tiếp tục cống hiến cho vốn liếng văn hiến nước nhà đến khi gối mỏi chân chồn mới ngồi lại, lần giở xem những gì người ta viết về mình, thấy rõ ràng một chữ thương.

Người thương mình và mình cũng thương người quá đi mất. Nên tấm lòng mới trải ra trang giấy, lưu giữ lại cho mai sau những gì mình đã làm hết sức hôm nay.

Đây cũng chính là phần nội dung quan trọng để những ai muốn tìm hiểu về Lê Giang có thể tham khảo nhiều ý kiến có chất lượng chuyên môn: nhà văn Hoài Anh viết về Lê Giang lại nhớ ngọn Lư Sơn trong thơ Tô Đông Pha, nhà văn Nguyễn Đông Thức "chấm" được ở Lê Giang cái chỗ "câu văn không già, lời văn ý nhị"...

Tập sách còn có phần lớn nội dung là những trước tác của Lê Giang. Đó là những bài tản văn hình thành theo từng sự kiện, viết nhân dịp về thăm đồng đội xưa, hoặc nhớ đến những nghệ sĩ nhạc sĩ với thăng trầm tâm sự như Lưu Hữu Phước, Quốc Hương, Hoàng Hiệp..., hoặc mấy dòng ký thác với nhà văn Nguyễn Quang Sáng, văn và thơ gửi Giang Nam...

Chính những trang viết dưới dạng hồi ký mang tên Một thời để nhớ này sẽ trở thành đắc dụng cho những ai muốn tìm hiểu các nhân vật văn nghệ Việt Nam đương đại qua tư liệu và góc nhìn của Lê Giang.

Và còn một điều thú vị cho những ai cầm quyển sách ngót 500 trang khổ lớn (16x24cm) trên tay, là sẽ có dịp đọc thơ của Lê Giang chen trong những bài viết. Một phần tâm huyết nghệ sĩ của bà hẳn đã dành cho những mạch thơ này.

Thơ là tiếng lòng khi có điều gì đó từ cuộc đời khua động. Mà cuộc đời như đôi vợ chồng Lê Giang - Lư Nhất Vũ hẳn là khua động luôn luôn, nên hãy lần xem những vần thơ, những tiếng thơ sẽ còn cộng hưởng với đời: Chờ chẳng thấy sao Hôm lên núi/ Hay chìm trong bụi chuối lưng đèo/ Hay tình yêu lạc vào vùng Cấm/ Nghe tắc kè cộng hưởng đá kêu... (Đêm núi Cấm).

Nửa thế kỷ nhạc phẩm Lư Nhất Vũ

TT - Gần 200 tác phẩm trong mạch sáng tác liên tục từ năm 1955 đến 2012 của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ vừa được tập hợp và ra mắt trong tập sách đồ sộ Bài ca đất phương Nam với hơn 900 trang khổ lớn (20,5 x 28cm).

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên