Các gian hàng trưng bày sản phẩm nhận hỗ trợ từ hoạt động khuyến công - Ảnh: N.AN
Ông Lưu Duy Dần - chủ tịch HIệp hội Làng nghề Việt Nam - chia sẻ điều này tại Hội nghị sơ kết chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2014-2018 do Bộ Công Thương phối hợp với Ban Kinh tế trung ương, UBND TP.Hà Nội tổ chức sáng nay 24-4.
Theo ông Dần, Việt Nam hiện có khoảng 50.000 làng nghề, có vai trò lớn trong phát triển nông thôn, giải quyết việc làm, ổn định xã hội. Mặc dù hoạt động khuyến công đã góp phần thúc đẩy phát triển làng nghề, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc.
Hiện hoạt động khuyến công chủ yếu do Bộ Công Thương thực hiện, thiếu sự phối hợp với các bộ ngành liên quan, gây khó khăn cho địa phương, đặc biệt là cho người sản xuất khi tiếp cận nguồn lực.
Các làng nghề cũng đã được quy hoạch thành cụm công nghiệp địa phương, cụm làng nghề, tuy nhiên việc giải phóng đồng bộ đất đai xung quanh để hoàn thiện hạ tầng, cơ sở vật chất khác như khu xử lý nước thải, còn gặp nhiều khó khăn.
Bị hàng Trung Quốc cạnh tranh gay gắt
Đặc biệt, vấn đề xây dựng vùng nguyên liệu cũng đang đặt ra nhiều thách thức, khi không có quy hoạch cụ thể, dẫn tới nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như lụa Vạn Phúc, thổ cẩm Mai Châu, gốm Bát Tràng... không còn nhiều "vốn liếng", tức là không có ưu thế về nguyên liệu, sản xuất nên bị hàng ngoại nhập cạnh tranh gay gắt.
"Nhiều sản phẩm Trung Quốc đang tràn ngập, làm cho vốn liếng của gốm Bát tràng, lụa Vạn Phúc, thổ cẩm Mai Châu cũng không còn nguyên vẹn. Như thổ cẩm của Trung Quốc rất đẹp, kiểu cách và hoa văn rất hấp dẫn, khó cạnh tranh lại được", ông Dần cho hay.
Theo lãnh đạo các địa phương, hoạt động khuyến công dù đã góp phần thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng với nguồn kinh phí còn hạn chế, chính sách không đồng bộ, thiếu sự kết nối, phối hợp các bộ ngành và địa phương, nên hiệu quả đạt được chưa được như kỳ vọng.
Ông Nguyễn Minh Toại - phó giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ - cho biết địa phương chỉ có ngân sách vỏn vẹn 3,2 tỉ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Trong đó tập trung vào đào tạo nghề, nâng cao năng lực, công nghệ, kỹ thuật, phát triển sản phẩm tiêu biểu, thông tin truyền thông, quảng bá sản phẩm...
Tuy nhiên, mức hỗ trợ cho địa phương còn nhỏ lẻ, giá trị không cao nên chưa thu hút được doanh nghiệp tham gia. Trong khi đó nhu cầu khuyến công ở đô thị nhiều hơn do vùng nông thôn chưa có thị trường lớn, sản xuất nhỏ lẻ theo kiểu liệu cơm gắp mắm, ít hiệu quả.
Hỗ trợ nhỏ giọt, thiếu liên kết
Ông Lê Trọng Hân - phó giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa - cũng cho biết ngân sách khuyến công của địa phương chỉ là 26 tỉ đồng nhưng tập trung cho doanh nghiệp chế biến sâu.
"Vốn cấp còn hạn chế, nên sự động viên, chia sẻ, kích thích đối với doanh nghiệp còn đang quá ít. Đề nghị mở rộng đối tượng, như khai thác chế biến sâu, xuất khẩu thì ưu tiên mức hỗ trợ cao hơn để khuyến khích đầu tư trang thiết bị cao cấp hơn", ông Hân nói.
Theo Bộ Công Thương, giai đoạn 2014-2018 tổng kinh phí khuyến công cả nước được phê duyệt là 1.189,193 tỉ đồng. Chương trình đã đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho 18.000 lao động nông thôn, nâng cao năng lực quản lý cho 10.020 cán bộ.
Chương trình cũng hỗ trợ cho 630 cơ sở công nghiệp chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, đổi mới thiết bị, công nghệ.
Bộ Công Thương cho biết tới đây sẽ tập trung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến cho các cơ sở, chú trọng nâng cao năng lực tư vấn, đa dạng hóa hình thức truyền thông; thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn theo chiều rộng và chiều sâu...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận