"Rõ ràng chúng ta đang bước vào một siêu chu kỳ khác" - ông Peter Oppenheimer, chiến lược gia về cổ phiếu toàn cầu và là trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô châu Âu tại Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ), nhận định trên kênh CNBC vào ngày 8-1.
"Siêu chu kỳ" thường được định nghĩa là khoảng thời gian tăng trưởng kinh tế kéo dài, thường đi kèm với việc GDP ngày càng tăng, nhu cầu hàng hóa mạnh dẫn đến giá cả cao hơn và mức độ việc làm cao.
Chiến lược gia Oppenheimer chỉ ra siêu chu kỳ đáng chú ý gần đây nhất mà nền kinh tế thế giới trải qua bắt đầu vào đầu thập niên 1980.
"Siêu chu kỳ lớn mà chúng ta trải qua thực sự bắt đầu vào đầu những năm 1980 khi lãi suất và lạm phát đạt đỉnh ở mức rất cao và chúng ta đã chứng kiến 25 - 30 năm lạm phát và chi phí vốn liên tục giảm" - ông nói.
Ông cho rằng lần này trí tuệ nhân tạo và quá trình khử cacbon là hai trong số những yếu tố chính có thể có tác động tích cực trong chu kỳ mới.
Mặc dù AI vẫn đang ở giai đoạn đầu, nhưng công nghệ này ngày càng được sử dụng làm nền tảng cho các sản phẩm và dịch vụ mới. Ông Peter Oppenheimer cho rằng công nghệ đột phá này có thể cạnh tranh với tác động của động cơ hơi nước hoặc điện khí hóa.
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ước tính 83 triệu việc làm sẽ biến mất trên toàn thế giới chỉ trong 5 năm do AI.
Còn Ủy ban Chuyển đổi năng lượng (ETC) ước tính chi phí cho quá trình khử cacbon có thể lên tới 110.000 tỉ USD, tương đương 1,3% GDP toàn cầu dự kiến trong 30 năm tới.
Tuy nhiên ông Oppenheimer cho rằng cả hai yếu tố này đều có khả năng tạo ra thêm hàng triệu việc làm mới và cải thiện năng suất một cách triệt để.
"Chúng ta sẽ chứng kiến sự cải thiện về năng suất nhờ các ứng dụng AI và điều này có thể tích cực cho tăng trưởng" - ông Oppenheimer nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận