Gợi ý gì từ cải cách giáo dục Pháp?

CÔNG KHANH 31/05/2016 23:05 GMT+7

TTCT - Đề án cải cách giáo dục trung học cơ sở (THCS) được Hội đồng Giáo dục tối cao Pháp (thông qua năm 2015), bắt đầu thực hiện từ năm học 2016-2017. Đề án có nhiều tham khảo thú vị cho giáo dục Việt Nam.

Một lớp học cấp THCS ở Angers, Pháp  -taktepart.com
Một lớp học cấp THCS ở Angers, Pháp -taktepart.com

 

3 môn học nền tảng

Chuẩn kiến thức - năng lực - văn hóa do 800.000 giáo viên tham gia soạn thảo và được Hội đồng Giáo dục tối cao thông qua. Đây là lần đầu tiên ngành giáo dục Pháp huy động một số lượng lớn giáo viên tham gia công việc này.

Chuẩn quy định những gì mà học sinh phải nắm vững và biết làm sau khi học xong THCS nhằm phát triển cá nhân, ý thức xã hội và tiếp tục học tập. Tiếng Pháp, toán và lịch sử được chọn làm ba môn học nền tảng ở THCS.

Chương trình mới môn tiếng Pháp coi trọng việc nắm vững và sử dụng tiếng Pháp trong cả nói và viết, tích hợp các yếu tố văn hóa và ngôn ngữ của các thứ tiếng khác liên quan (Latin, Hi Lạp cổ). Môn toán chú trọng đến tính hấp dẫn và ứng dụng của bộ môn, mối liên hệ giữa môn toán và các môn học khác, văn hóa toán học cần thiết để thấu hiểu thế giới ngày nay.

Chương trình mới môn lịch sử giúp học sinh hiểu biết về quá khứ và những nguyên tắc về chung sống hòa bình trong thế kỷ 21.

Giảng dạy liên môn và làm việc nhóm

Giảng dạy liên môn hướng đến việc giúp học sinh tiếp thu tốt hơn những tri thức trừu tượng, hiểu được nghĩa của tri thức thông qua việc kết hợp các bộ môn và thực hiện dự án nhóm.

Việc thực hiện dự án nhóm được xem là một hình thức học tập mới giúp học sinh phát triển kỹ năng nói, óc sáng tạo và tinh thần làm việc tập thể.

Tám chủ đề được đề xuất để giảng dạy liên môn là: phát triển bền vững; khoa học và xã hội; cơ thể, sức khỏe và an toàn; thông tin, liên lạc và ý thức công dân; văn hóa và sáng tạo nghệ thuật; kinh tế và nghề nghiệp; ngôn ngữ và văn hóa cổ đại; ngôn ngữ, văn hóa vùng và nước ngoài.

Các đề tài dự án nhóm được quy định rõ trong chương trình. Mỗi dự án nhóm có giáo viên của nhiều môn hướng dẫn. Những giáo viên bộ môn khác nhau cùng hướng dẫn một dự án nhóm sẽ thống nhất nội dung giảng dạy của họ theo hướng tiếp cận liên môn.

Để giúp giáo viên và học sinh thực hiện tốt dự án nhóm, Bộ Giáo dục quốc gia Pháp đăng trên trang web của mình nhiều minh họa về dự án nhóm. Ví dụ: Nadia, Carole và Jérôme là học sinh lớp 8. Từ 14g-16g ngày thứ năm hằng tuần của quý này, các em cùng làm việc với giáo viên môn toán, vật lý, hóa học và lịch sử để thực hiện dự án ra tạp chí chuyên đề về sự phát minh máy hơi nước.

Các em sử dụng những kiến thức lịch sử về cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ 19 để tái hiện bối cảnh và quá trình ra đời của máy hơi nước. Từ môn vật lý và hóa học, các em sử dụng những kiến thức về áp suất của chất khí để giải thích cơ chế hoạt động của máy hơi nước.

Giáo viên toán đề nghị các em dùng công thức để tính thời gian di chuyển từ Paris đến Lyon, Marseille, Orléans và Nantes trong hai trường hợp dùng ngựa và dùng tàu hỏa (chạy bằng động cơ hơi nước). Khi so sánh các thời gian di chuyển, học sinh nhận ra máy hơi nước thật sự là một phát minh cách mạng. Với những kết quả thu thập được, Nadia, Carole và Jérôme cùng soạn thảo tạp chí của mình và trình bày trước lớp.

Hỗ trợ cá nhân và quyền tự chủ của giáo viên

Nội dung giảng dạy và hỗ trợ học sinh thay đổi theo nhu cầu và kết quả học tập của mỗi cá nhân. Ở lớp 6, mỗi học sinh có ba giờ hỗ trợ cá nhân một tuần nhằm đảm bảo bước chuyển từ tiểu học lên THCS. Học sinh được hướng dẫn cách ghi bài, học bài, ôn tập; cách đọc và soạn thảo một văn bản viết; cách tìm kiếm tài liệu...

Ở các lớp 7, 8 và 9, học sinh có ít nhất một giờ hỗ trợ cá nhân mỗi tuần để đề xuất những kiến thức và kỹ năng mong đợi; đào sâu bài học; làm bài tập và hình thành năng lực làm việc độc lập.

Chương trình giảng dạy mới trao nhiều quyền tự chủ hơn cho giáo viên nhằm giúp họ có thể tổ chức giảng dạy dựa trên nhu cầu và tốc độ tiếp thu của học sinh.

4.000 biên chế giáo viên THCS được bổ sung và các phương tiện dạy học mới được trang bị nhằm đảm bảo mỗi giáo viên chỉ phải làm việc với một nhóm nhỏ học sinh. Số giờ thực tế giảng dạy được cắt giảm để dành cho thời gian hỗ trợ cá nhân học sinh, làm việc với nhóm dự án và tổ chuyên môn.

Chương trình mới xác định ba nhóm năng lực cần thiết gồm: năng lực làm việc theo nhóm và diễn đạt bằng ngôn ngữ nói, sinh ngữ, công nghệ thông tin. Đối với công nghệ thông tin, học sinh được học về những giá trị và mặt trái của công nghệ số, sử dụng thành thạo các công cụ số, các ngôn ngữ lập trình đơn giản.

Thay lời kết

Người Pháp xác định trường THCS là nơi xây dựng và phát triển ý thức công dân, là nơi mà kinh nghiệm cá nhân và hoạt động tập thể đều được ưu tiên. Nhà trường chú ý đến các hoạt động ngoài giờ lên lớp, tăng cường sự bình đẳng và dân chủ, phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh.

Cải cách giáo dục không phải là một công việc tự thân mà bắt nguồn từ những đánh giá khách quan. Ở Pháp, người đứng đầu thẳng thắn thừa nhận những bất cập của hệ thống giáo dục và xác định rõ mục tiêu phấn đấu để xây dựng đề án cải cách. Cải cách giáo dục Pháp không thực hiện tràn lan mà bắt đầu từ THCS - nơi được đánh giá là yếu nhất trong hệ thống giáo dục.

Không chỉ ban hành chuẩn kiến thức - năng lực, Pháp còn quan tâm đến khía cạnh văn hóa, nghĩa là quan tâm đến các chuẩn mực về đạo đức, hành vi và ứng xử của học sinh THCS trong nhà trường, gia đình và xã hội. Chương trình giảng dạy còn quy định rõ các tiết hỗ trợ cá nhân học sinh mà giáo viên phải thực hiện.

Việc giảng dạy liên môn gắn bó chặt chẽ với hình thức thực hiện dự án nhóm và được bộ chủ quản hướng dẫn rõ ràng. Trong khi ấy, giáo viên Việt Nam còn bị ràng buộc bởi phân phối chương trình, quy định cụ thể số tiết dành cho từng bài học.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận