Tài xế Nguyễn Văn Hùng (Hợp tác xã 19-5) chia sẻ tại tọa đàm: “Bị gọi là “hung thần đường phố” tài xế xe buýt tự tui cũng buồn lắm chớ” - Ảnh: Q.L. |
Buổi tọa đàm với sự có mặt của nhiều tài xế xe buýt, taxi cùng với quản lý các đơn vị vận tải và lãnh đạo nhiều ban ngành của TP.HCM, do Thành đoàn TP.HCM tổ chức tại Sở Giao thông vận tải TP.HCM, cùng mổ xẻ nhiều vấn đề.
Ai dám leo lên xe “hung thần”!
Phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM Nguyễn Ngọc Tường dẫn con số thống kê số vụ tai nạn 9 tháng đầu năm 2015 tại TP.HCM rằng trong 10 loại phương tiện gây tai nạn giao thông thì phương tiện cá nhân vẫn là loại hình dẫn đầu.
Trong đó xe buýt xếp thứ sáu, đã gây năm vụ tai nạn, làm chết năm người. Còn taxi xếp thứ 10 với duy nhất một vụ tai nạn làm một người bị thương.
Dẫn ra những số liệu này để ông Tường nói rằng xe buýt và taxi chưa phải là đối tượng “đáng lo ngại” trên đường phố.
Trong khi chính xe buýt và taxi là hai phương tiện vận chuyển công cộng chính hiện nay tại TP.
Phó chủ nhiệm hợp tác xã Đông Nam: “Đào tạo văn hóa ứng xử cho tài xế có trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải” - Ảnh: Q.L. |
Ông Nguyễn Duy Nhất (Liên hiệp hợp tác xã vận tải TP.HCM) thẳng thắn cho rằng gọi xe buýt là “hung thần đường phố” có phần trách nhiệm của… báo chí!
Theo anh Nhất, khi có một vụ tai nạn xảy ra có liên quan đến xe buýt, dù chưa có kết luận điều tra song hầu như các bản tin trên nhiều phương tiện truyền thông đều nghiêng về lỗi của xe buýt, rồi gọi là “hung thần đường phố”.
“Báo chí định hướng dư luận xã hội, người dân đọc và tin vào thông tin báo chí. Trong khi TP đang cố gắng vận động người dân sử dụng phương tiện công cộng mà cứ gọi xe buýt là “hung thần” thì ai còn dám leo lên xe buýt nữa” - anh Nhất đặt câu hỏi.
Nhìn từ góc khác, trung tá Nguyễn Văn Cường - Đội trưởng đội tuyên truyền, điều tra tai nạn và xử lý vi phạm (Công an TP.HCM) - cho rằng khi dư luận gọi xe buýt là “hung thần đường phố” thì các bác tài cũng phải xem lại mình.
Tuy nhiên, ông Cường cũng nói việc gọi như thế “có phải đang chụp mũ không vì đâu phải tài xế xe buýt nào cũng chạy ẩu?”.
Từng xử lý nhiều vụ vi phạm, tiếp xúc nhiều với giới tài xế, trung tá Cường cho rằng đa phần anh em tài xế đều chấp hành tốt luật giao thông, lái xe cẩn thận. Song dù chỉ còn số ít thì người ta vẫn có quyền đánh giá không hay về hình ảnh tài xế.
“Điều người dân nhận xét chính là không ít xe buýt vừa bật xi nhan xin đường đã tấp ra, tấp vô, cúp đầu các phương tiện khác. Dù chúng ta thông cảm vì mật độ giao thông cao của TP, áp lực công việc nhưng các tài xế cũng cần lưu ý, chỉnh sửa điều này” - trung tá Cường chia sẻ.
Ông Trần Trọng Thảo - phó chủ nhiệm hợp tác xã Đông Nam - chia sẻ với các tài xế về áp lực công việc cũng như nỗi buồn khi bị gọi là “hung thần đường phố”.
Ông Thảo cho rằng phải đào tạo ứng xử văn hóa cho tài xế, đó là trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải, để sao cho tài xế, hành khách gắn bó với nhau, thái độ và cung cách phục vụ ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Phút nhìn lại của tài xế
Câu chuyện đảm bảo thời gian, áp lực luồng tuyến, cung cách phục vụ hành khách một lần nữa được nhắc lại. Tuy nhiên, không chỉ là những kiến nghị về chính sách, cơ chế liên quan, tạo điều kiện cho công việc trôi chảy hơn, mà các ý kiến của tài xế tại tọa đàm này còn là phút nhìn lại chính công việc của mình.
Tài xế Võ Quốc Bảo (Taxi Mai Linh) đề nghị Sở Giao thông vận tải xem xét bố trí chỗ đậu xe vì thực tế hiện nay taxi không có bất kỳ chỗ đậu nào.
“Khi phải đậu trong khu dân cư lại bị bà con phàn nàn vì gây ồn ào, mất vệ sinh, chúng tôi cũng băn khoăm lắm” - anh Bảo phát biểu.
Tài xế Nguyễn Thế Châu (Trung tâm huấn luyện phòng cháy chữa cháy) chia sẻ câu chuyện nhận được nhiều đồng thuận. Đó là khi lỡ xảy ra va chạm trên đường dù lỗi của anh hay của người khác, điều đầu tiên anh làm là nở nụ cười, nói câu xin lỗi.
“Nếu xảy ra cự cãi, kết quả chắc chắn không có gì tốt đẹp. Rồi chúng ta mang nỗi bực tức ấy trong người, về kể lại cho đồng nghiệp, gia đình có khác gì chúng ta mang rác rưởi đáng lý ra phải vứt ngoài đường nhưng rồi lại trút lên người thân quen của mình, có đáng không” - anh Châu ví von.
Các tài xế cùng hợp tác đồng đội trong chương trình đồng hành cùng tài xế tại Bến xe Miền Đông - Ảnh: Q.L. |
Ông Phạm Văn Sương (đại diện lãnh đạo Taxi Mai Linh) nói với các đồng nghiệp trẻ rằng mỗi tài xế phải thấy tự hào với công việc của mình mới thấy gắn bó và yêu nghề được.
Phó giám đốc sở Giao thông vận tải Lê Hoàng Minh cảm ơn vì các tài xế đã nói rất thật, chia sẻ hết những câu chuyện gặp phải tại tọa đàm. Với ông, đó cũng là những trăn trở làm sao để mỗi tài xế làm tốt hơn công việc mỗi ngày mà ngành giao thông vận tải TP mong muốn.
Ông Minh cho rằng có trách nhiệm của cấp quản lý, trách nhiệm của lãnh đạo các doanh nghiệp và chắc chắn không thể thiếu trách nhiệm của chính mỗi tài xế lưu thông trên đường hằng ngày trong việc cố gắng điều chỉnh hành vi sao cho phù hợp.
Liên hoan tài xế trẻ, giỏi, an toàn, thân thiện Lần thứ hai Thành đoàn TP.HCM tổ chức liên hoan tài xế trẻ, giỏi, an toàn, thân thiện. Ngoài buổi tọa đàm về trách nhiệm, đạo đức của tài xế, liên hoan còn có hoạt động đồng hành với tài xế tại Bến xe Miền Đông. Tại đây, các tài xế được thăm hỏi, tặng quà, tư vấn các giải pháp lái xe an toàn, hướng dẫn các động tác thể dục, tư vấn cách phòng tránh các bệnh nghề nghiệp và tham gia một số trò chơi vận động. Tối nay, Thành đoàn sẽ tuyên dương 19 tài xế đạt danh hiệu “Tài xế trẻ, giỏi, an toàn, thân thiện”, được bình chọn từ 55 hồ sơ do các đơn vị gửi về xét giải thưởng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận