26/01/2025 20:31 GMT+7

Gọi vốn FDI với vị thế mới

Từ những năm tháng gọi vốn FDI để mong có sản xuất, lo cái ăn cái mặc thì nay câu chuyện thu hút vốn FDI đã bước sang trang mới khi Việt Nam trở thành một nền kinh tế năng động, thích ứng và hội nhập sâu rộng...

Gọi vốn FDI với vị thế mới - Ảnh 1.

Một thiết bị khử mặn nặng 4.500 tấn do một doanh nghiệp FDI tại Việt Nam sản xuất ra cảng xuất sang Saudi Arabia Ảnh: D.S.

Văn phòng làm việc của ông Phan Hữu Thắng - nguyên cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - có nơi trang trọng nhất được dành cho những tấm ảnh mà ông đã chụp cùng các nhà lãnh đạo và những bảng thống kê về thu hút FDI giai đoạn 1987 - 2000 được in màu, đóng khung treo lên tường…

Những tháng ngày đầu tiên

Ở tuổi gần 75 nhưng dường như vị cục trưởng đầu tiên của Cục Đầu tư nước ngoài vẫn rất nhiều năng lượng khi nói về câu chuyện thu hút FDI.

Hào hứng chia sẻ về những dự án đang làm với vai trò chủ tịch Liên chi hội tài chính khu công nghiệp Việt Nam, ông cho biết một trong những điều trăn trở nhất của ông là tỉ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp vẫn còn thấp.

Vì vậy làm sao để mời gọi nhà đầu tư, đặc biệt là các dòng tài chính xanh, các lĩnh vực công nghệ cao vào các khu công nghiệp là điều mà ông muốn làm nhất lúc này.

Nhớ lại gần bốn thập niên qua, ông cho rằng hành trình thu hút FDI chứa đầy sự trăn trở và thận trọng. Nhưng rồi khi mở khu công nghiệp đầu tiên ở Đồng Nai, những cán bộ, lãnh đạo được giao nhiệm vụ đã vào tận nơi, đi kê từng cái bàn, cái ghế trong phòng làm việc, lòng vui phơi phới…

Ban đầu chỉ hai TP là Hà Nội và TP.HCM được phê duyệt dự án có quy mô vốn 40 triệu USD, còn các địa phương khác là 10 triệu USD.

Dần dần các địa phương cùng "đua nhau" cấp phép. Ông Thắng kể thời đó việc cấp phép gần như chỉ thực hiện trong vòng một tuần, với nhiều dự án có quy mô vốn nhỏ.

Đón sóng FDI trong thời kỳ mới

Trải qua gần bốn thập niên, Việt Nam được đánh giá là top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Việt Nam đang có thế và lực mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Ông Thắng kỳ vọng nghị quyết 50 của Bộ Chính trị với sự đổi mới về quan điểm THU HÚT vốn FDI sang tư duy HỢP TÁC sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, tái cơ cấu nền kinh tế.

"Thu hút là mang tính thụ động, mời gọi hay thậm chí là vơ về. Nhưng hợp tác là hai bên cùng thắng, tạo ra sự cân bằng và tính lan tỏa.

Nếu làm được sẽ phát huy được những lợi thế của dòng vốn FDI và khắc phục được những bất cập nội tại để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ…" - ông Thắng nói.

Để hợp tác FDI hiệu quả trong tình hình mới, điều kiện tiên quyết là đảm bảo an toàn đồng vốn, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, chính sách thống nhất và ổn định, tạo điều kiện doanh nghiệp trong nước lớn mạnh để cùng hợp tác.

Kể lại câu chuyện mời gọi Intel, ông Thắng cho rằng đó là bài học về "lót ổ đón đại bàng" trong thời gian tới.

Khi đó Tổ thu hút đầu tư có thành phần rất gọn nhẹ, gồm Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, một thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, bí thư Thành ủy TP.HCM, chủ tịch VCCI và cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài. Với quy mô vốn 1 tỉ USD, Intel tính đến ba địa điểm là Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam.

Nếu xét về lợi thế so sánh, Việt Nam có "thua kém". Nhưng kết quả, ngoài việc đáp ứng các điều kiện như địa điểm, nguồn nhân lực, các ưu đãi… điều quan trọng nhất để thuyết phục nhà đầu tư lại là niềm tin và sự quyết tâm, quyết đoán của nhà lãnh đạo Việt Nam. Cộng với những tiềm năng mà họ nhìn thấy, Intel đã chọn đặt nhà máy tại Khu công nghệ cao TP.HCM từ năm 2006 và hoạt động đến nay.

Cần đội ngũ doanh nghiệp nội địa lớn mạnh

Dù vậy vẫn còn đó sự trăn trở. Theo ông Thắng, nguồn vốn FDI đóng góp 25% tổng vốn đầu tư nhưng chiếm tới 70% xuất khẩu.

Chúng ta chưa xây dựng được nhiều đội ngũ doanh nghiệp nội địa đủ sức hợp tác, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng thế giới.

Môi trường đầu tư cần được cải thiện nhiều hơn, giảm bớt các rào cản, cần minh bạch hơn… để đón được nhiều hơn những "đại bàng" công nghệ, các lĩnh vực mới nổi như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật và hút các quỹ đầu tư lớn…

Gọi vốn FDI với vị thế mới - Ảnh 2.Doanh nghiệp phải gọi 'vốn xanh' từ thị trường quốc tế

Xanh hóa doanh nghiệp đang là xu hướng toàn cầu. Tuy nhiên để gọi vốn xanh không dễ. Nhiều doanh nghiệp phải tìm đến vốn từ thị trường quốc tế.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên