19/02/2025 21:16 GMT+7

Gọi Tuyên Quang là thủ phủ thờ Mẫu Thoải có thỏa đáng?

Tuyên Quang có phải là thủ phủ của các ngôi đền thờ Mẫu Thoải (Mẫu Thủy) của Việt Nam là câu hỏi được đặt ra cho các nhà nghiên cứu, các diễn giả tại tọa đàm do UBND thành phố Tuyên Quang tổ chức chiều 19-2 tại Tuyên Quang.

Gọi Tuyên Quang là thủ phủ thờ Mẫu Thoải có thỏa đáng? - Ảnh 1.

Tam tòa Thánh Mẫu đền Hạ, Tuyên Quang - Ảnh: BTC

Buổi tọa đàm chủ đề Phát huy giá trị truyền thống của đạo Mẫu và Thiền Trúc Lâm trong đời sống tín ngưỡng của người dân Tuyên Quang được tổ chức trước thềm Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La năm 2025 và Pháp hội của Thiền viện Trúc Lâm chính pháp ở thành phố Tuyên Quang.

Tại tọa đàm, câu chuyện phát huy các giá trị di sản văn hóa đạo Mẫu và đạo Phật trên địa bàn thành phố để phát triển du lịch cho địa phương được các nhà nghiên cứu, lãnh đạo địa phương, các doanh nghiệp du lịch cùng bàn bạc.

Trong đó câu chuyện được các diễn giả bàn luận sôi nổi nhất là: Tuyên Quang có phải là thủ phủ của đền thờ Mẫu Thoải?

Gọi Tuyên Quang là thủ phủ thờ Mẫu Thoải có thỏa đáng? - Ảnh 2.

Đền Hạ, thành phố Tuyên Quang - Ảnh: BTC

Không dễ trả lời

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, đây là câu hỏi không dễ trả lời.

Theo ông Sơn, ngay cả khi Tuyên Quang có rất nhiều đền thờ Mẫu Thoải, việc so sánh trong văn hóa là điều không nên. Các danh hiệu trong văn hóa rất cần thận trọng.

Ông không phủ nhận Tuyên Quang từ lâu đã là nơi hội tụ và phát triển nhiều tín ngưỡng dân gian đặc sắc, trong đó có đạo Mẫu và nơi đây có mật độ đền thờ Mẫu Thoải rất lớn, nhưng danh hiệu “thủ phủ đền Mẫu Thoải” với Tuyên Quang là không dễ khẳng định.

Không dùng từ “thủ phủ”, nhưng GS.TS Trương Quốc Bình - nguyên phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa - khẳng định “trung tâm thờ Mẫu Thoải của người Việt là ở Tuyên Quang”.

Gọi Tuyên Quang là thủ phủ thờ Mẫu Thoải có thỏa đáng? - Ảnh 3.

Đến Thượng, thành phố Tuyên Quang - Ảnh: BTC

"Tuyên Quang phải trở lại là thủ phủ của Mẫu Thoải"

Là một người con của Tuyên Quang, TS Nguyễn Vũ Phan - nguyên quyền giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang - nêu ý kiến “phản biện” ông Bùi Hoài Sơn.

Ông Phan cho biết ông từ nhỏ đã sống gần đền Mẫu, thấy du khách trước 1975 đều nói “đi Mẫu Thoải Tuyên Quang”. Quá trình làm luận án tiến sĩ, ông Phan có cơ hội cùng với GS Ngô Đức Thịnh tìm hiểu về đạo Mẫu ở Tuyên Quang.

Hai thầy trò tìm được tài liệu của một nhà sử học người Pháp trước 1945, trong đó có những chi tiết nói Tuyên Quang là khởi nguồn của Mẫu Thoải.

Ông Phan cũng lý giải vì sao Tuyên Quang lại có nhiều đền thờ Mẫu Thoải (Mẫu Thủy) như vậy.

Là bởi dòng sông Lô chảy qua địa bàn tỉnh Tuyên Quang trước đây rất tấp nập thuyền bè nối miền ngược với miền xuôi. Trên đó có nhiều đoạn sông địa thế hiểm yếu rất khó khăn để thuyền bè vượt qua.

Tại mỗi điểm hiểm yếu như thế, người dân lại lập đền thờ Mẫu Thoải - người Mẹ Nước - để chở che cho con người.

Gọi Tuyên Quang là thủ phủ thờ Mẫu Thoải có thỏa đáng? - Ảnh 6.

Đền Ỷ La - thành phố Tuyên Quang - Ảnh: BTC

Theo ông Phan, trước thời kỳ đứt đoạn lễ hội và tín ngưỡng bị hạn chế, người dân cứ đến mùa lễ hội đầu năm thường đi lễ đủ Tam phủ là phủ Dầy lễ Mẫu Thượng Thiên ở Nam Định, đền Bắc Lệ ở Lạng Sơn lễ Mẫu Thượng Ngàn và lễ Mẫu Thoải ở Tuyên Quang.

Nhưng những năm gần đây người ta đi lễ rất đông ở phủ Dầy, đền Bắc Lệ mà chưa về Tuyên Quang nhiều để lễ Mẫu Thoải. “Tuyên Quang phải trở lại là thủ phủ của Mẫu Thoải”, ông Phan nói.

Gọi Tuyên Quang là thủ phủ thờ Mẫu Thoải có thỏa đáng? - Ảnh 7.Là trung tâm thờ Mẫu Thoải của người Việt, vì sao Tuyên Quang còn vắng khách?

Thành phố Tuyên Quang có 14 đền thờ Mẫu, trong đó có những ngôi đền cổ xưa cùng các lễ hội linh thiêng như lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La. Nhưng các di tích, lễ hội ở Tuyên Quang còn vắng khách, vì sao?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên