Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tại hội nghị triển khai đề án "đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" trong năm 2024, do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 22-2 tại Hà Nội.
Mới giải ngân được 531 tỉ đồng
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng thừa nhận việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng cho phát triển nhà ở xã hội thời gian qua rất chậm.
Tính đến thời điểm hiện tại mới có 28 tỉnh công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay gói tín dụng 120.000 tỉ đồng, với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỉ đồng. Và có 6 dự án nhà ở xã hội tại các địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 531 tỉ đồng. Tỉ lệ giải ngân rất hạn chế.
Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Vương Quốc Toàn, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lan Hưng - một doanh nghiệp tham gia phát triển nhiều dự án nhà ở xã hội trên cả nước, cũng thẳng thắn cho rằng vấn đề vốn cho các dự án nhà ở xã hội rất nan giải. Gói 120.000 tỉ thực tế không đi vào cuộc sống.
Trước thắc mắc của doanh nghiệp, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định để phát triển nhà ở xã hội thì vấn đề "tiền đâu" là hết sức quan trọng.
"Phải nhìn nhận thực tế các lĩnh vực khác giải ngân rất nhanh, riêng lĩnh vực này giải ngân vô cùng chậm. Điều này, Thủ tướng thực sự không hài lòng. Nguyên nhân như doanh nghiệp nói là rất khó tiếp cận.
Tôi cũng nghĩ các ngân hàng thương mại phải hết sức cách mạng thì mới làm công việc này, vì ưu đãi lãi suất thì về mặt kinh doanh phải tính toán kinh tế. Cho một anh vay không phải ưu đãi gì, cho vay bình thường thì sẽ tốt hơn là cho những anh vay ưu đãi".
Phó thủ tướng cũng cho rằng có thể chính sách đề ra chưa hợp với vấn đề kinh tế, phía ngân hàng cần rà soát, đánh giá lại, không thể duy ý chí. Tiền để đấy mà không giải ngân được đồng nào, trong khi nhu cầu rất lớn là điều phản ánh không đúng thực tế.
Cần xem lại chính sách sai ở đâu đó, không nên đề ra những chính sách không đúng với thị trường.
Cần bổ sung cơ chế cấp bù lãi suất từ Nhà nước
Cũng theo Phó thủ tướng: "Chúng ta đã yêu cầu các ngân hàng thương mại hoạt động theo quy định của pháp luật, theo thị trường thì trong trường hợp muốn thực hiện chính sách thì phải có cơ chế cấp bù từ phía Nhà nước. Như vậy, các ngân hàng thương mại mới có thể thực hiện được chính sách ưu đãi đề ra. Chúng ta cần xem lại các vướng mắc để tìm cách thức giải quyết, không có tiền thì chẳng làm sao mà đầu tư được".
Trao đổi về các vướng mắc trong tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỉ đồng thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết để thúc đẩy giải ngân gói 120.000 tỉ, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức nhiều hội nghị để thúc đẩy giải ngân gói tín dụng ưu đãi này.
Hiện có hai tiêu chí cho vay, thứ nhất là có ít dự án triển khai, thứ hai là về điều kiện tiếp cận tín dụng.
Theo báo cáo của các ngân hàng thì có một số doanh nghiệp vướng nợ xấu, chính nợ xấu đã ảnh hưởng đến giải ngân. Và để tháo gỡ vấn đề này, Thủ tướng đã yêu cầu các ngân hàng xem xét đáo nợ cho các dự án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận