Gói mì Miliket chứa đựng bao nhiêu kỷ niệm tuổi thơ, cho đến tận bây giờ, bao bì, thương hiệu và mùi vị ấy, vẫn không thể lẫn vào đâu được so với hàng trăm loại mì đang ồ ạt vào thị trường Việt Nam.
Có lẽ hương vị gói mì tuổi thơ ấy đã đi cùng mỗi người con dân Việt qua những năm tháng thăng trầm, giữ vẹn một mùi thơm đậm đà, sợi mì dai, gói mì truyền thống với hình ảnh hai con tôm.
Bố mẹ đi đám cưới, ba anh em được chia nhau hai gói mì Miliket
Tôi chẳng biết người ta gọi mì là mì tôm do xuất phát từ những con tôm có mặt trên bao bì sản phẩm mì Miliket hay những sợi mì xoắn, giống như những con tôm đang cong. Nhưng ít nhiều tôi nghĩ, nó được gọi là mì tôm bởi những hình ảnh thân quen trên gói mì Miliket. Khi mà những thương hiệu đang ồ ạt gia nhập thị trường, thì nó vẫn giữ nguyên bản từ khâu sản xuất, đến đóng gói, kể cả giá thành, nó cũng thuộc dòng sản phẩm giá rẻ, được hàng triệu người Việt biết đến.
Tôi nhớ đó là mùa đông của những năm 1990, khi chúng tôi là những cô cậu học trò nhỏ xíu, lớp một, lớp hai. Mỗi lần được ăn mì tôm đều sung sướng vui mừng như được ăn một món ngon đặc biệt vậy, vì lâu thật lâu chúng tôi mới được ăn mì một lần.
Thường là khi bố mẹ đi đám cưới, sẽ đặc biệt ưu tiên cho mấy anh chị em đi mua mì tôm về ăn.
Tôi nhớ hồi đó, gói mì tôm Miliket chỉ bán với giá 800 đồng. Nhà chúng tôi có ba anh em, nhưng bố “khoán” cho số tiền chỉ đủ hai gói mì. Nghĩa là ba anh em phải chia nhau ra, đủ để ăn cùng nhau, cũng không được mỗi đứa một gói.
Hôm đó là một ngày lạnh buốt, mưa phùn. Anh cả đi học buổi sáng, còn hai chị em chúng tôi học buổi chiều. Bố đưa tiền cho chị gái đi mua hai gói mì, tới tầm trưa trưa thì bố đi đám cưới. Vậy là hai chị em túc tắc vào bếp, nấu nước để ăn mì. Trời mưa, lạnh, mớ rơm ở ngoài trời ướt nhẹp. Hì hụi mãi chị cũng chưa nấu được nồi nước sôi để ăn mì. Cái bụng đói queo, tôi đứng ở ngoài, thèm khát chờ đợi.
Khi nồi nước mới lăn lăn nhẹ thôi, chị đã vội vàng lấy một cái tô lớn, bỏ hai gói mì vào đó, đổ nước chưa sôi vào. Mùi thơm nồng nàn bay lên, chưa kịp để những sợi mì nở ra một chút, tôi đã lấy thìa, đũa, vội vội vàng vàng ăn. Cũng được sự hối thúc của chị, kèm theo lời nói “cứ ăn đi, chút anh về ăn cơm cũng được”.
Vậy là hai chị em trong niềm sung sướng, đã cắm đầu cắm cổ ăn hết hai gói mì tôm. Anh trai tôi lục tục mở cánh cổng gỗ vào nhà hỏi ngay: “Hôm nay bố đi đám cưới, nhà mình được mua mì tôm cho ba anh em đúng không?”.
Ngay sau câu hỏi đó, chị gái đứng như trời trồng thú nhận:
- Bố có cho tiền mua mì, nhưng mà… hai chị em ăn hết rồi, anh ăn cơm với nước mắm nhé.
Tôi thấy anh trai quay đi, lén giấu giọt nước mắt tiếc nuối vào trong, rồi quay lại nở nụ cười nhân hậu:
- Thôi, hai đứa ăn hết rồi thì thôi, anh ăn cơm tạm cũng được, có cơm no là được rồi. Chẳng mấy khi hai đứa được ăn mì, nên chắc hai em đói lắm.
Lúc đó, hai chị em chúng tôi đứng ở mép cửa, nhìn anh tháo chiếc áo mưa, chiếc cặp da cũ bố mang từ chiến trường về, cất cẩn thận lên bàn học, chúng tôi lại không khỏi xót xa, vì đã lỡ ăn mất phần của anh.
Ánh mắt buồn rười rượi của anh ngày đó đã ám ảnh tôi cho đến tận sau này. Kể cả khi chúng tôi có tiền để mua thật nhiều gói mì Miliket đi chăng nữa, thì cảm giác ân hận ngày hôm đó vẫn đeo đẳng mãi.
Vương vấn một hương thơm
Có thể vì những kỷ niệm ấu thơ sâu sắc đến như vậy, nên bây giờ ngoài thị trường bao nhiêu loại mì ngon, giá cao và chất lượng tốt hơn, thì ưu tiên của tôi vẫn luôn luôn là mì Miliket. Tôi thích cảm giác pha gói mì ra tô, ngồi hít hà mùi thơm quen thuộc đó.
Một hương thơm mà không bất cứ loại mì nào có được. Chậm rãi ăn sợi mì dai, húp một miếng nước đậm đà. Thỉnh thoảng lại rưng rưng khóe mắt vì nhớ anh, nhớ những tháng ngày ấu thơ đầm ấm bên nhau.
Tôi được biết thông tin, mì ăn liền Miliket có mặt trên thị trường từ trước năm 1975, được sản xuất bởi Sài Gòn thực phẩm công ty. Sau năm 1975, có nhiều thay đổi và sáp nhập, nhưng hương vị đó, mùi thơm đó thì vẫn không thay đổi.
Nhiều sản phẩm của thương hiệu Miliket ra đời, nhưng có lẽ với mỗi chúng tôi, truyền thống vẫn luôn là giá trị cốt lõi để Miliket đồng hành cùng người tiêu dùng và có nhiều danh hiệu cao quý trên thị trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận