Một khu nhà trọ công nhân gần Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) - Ảnh: HẢI NGUYỄN
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến 17h ngày 6-9, hơn 4,68 triệu lượt người lao động tại 60/63 tỉnh thành nhận hỗ trợ (trừ Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng) với kinh phí trên 3.120 tỉ đồng. Con số này tương đương khoảng 48% so với dự kiến ban đầu của gói 6.600 tỉ đồng.
Trong đó, tiền hỗ trợ thuê nhà đã đến với 359.867 lượt người lao động quay trở lại làm việc tại nhà máy, nhà xưởng với mức 1 triệu đồng/người/tháng (tối đa 3 tháng).
Báo cáo nêu rõ, có 39/60 tỉnh thành giải ngân 100% số hồ sơ đề nghị hỗ trợ gồm: Bắc Ninh, Bắc Giang, Tiền Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Quảng Nam, Vĩnh Long, Cà Mau, Trà Vinh, Hòa Bình, Phú Thọ, Hậu Giang, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Sóc Trăng, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Đồng Tháp, Bình Định, Hà Tĩnh, Thái Bình, Lâm Đồng, Lào Cai, Quảng Bình, Quảng Trị, Yên Bái, Lạng Sơn, Bình Thuận, Phú Yên, Đắk Lắk, Bạc Liêu, Kon Tum, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hà Giang, Sơn La, Đắk Nông.
Tuy vậy, vẫn còn 5 địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới 70% là Đồng Nai, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hưng Yên.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã cử nhiều đoàn công tác đến TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… để nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện hỗ trợ người lao động tiền thuê trọ.
Một số nguyên nhân được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ ra là có cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức, tinh thần trách nhiệm chưa cao, chưa quyết liệt trong việc triển khai chính sách. Việc thực hiện chính sách còn chậm song song với việc tuyên truyền chưa đầy đủ, kịp thời.
"Nhiều cán bộ, công chức tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp huyện còn lúng túng, chưa nắm vững chuyên môn trong việc hướng dẫn doanh nghiệp, có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm trong việc triển khai chính sách", báo cáo nêu rõ.
Cùng với đó, việc bố trí, sử dụng kinh phí triển khai hỗ trợ chậm nên nhiều người lao động không kịp thời được hỗ trợ lúc khó khăn nhất.
Thủ tục đã được đơn giản hóa nhưng một số nơi, doanh nghiệp lại yêu cầu người lao động bổ sung hợp đồng thuê nhà, giấy đăng ký tạm trú… khiến thời gian thẩm định hồ sơ kéo dài.
Đồng thời, người sử dụng lao động lập danh sách và gửi hồ sơ muộn do muốn gộp 3 tháng/lần; có trường hợp còn sợ bị thanh tra, kiểm tra, liên đới trách nhiệm nên chưa chủ động hướng dẫn công nhân lao động làm hồ sơ.
Trong khi đó một số người lao động e ngại khi lập đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà sẽ gặp khó khăn trong việc cư trú vì liên quan đến việc đăng ký tạm vắng, tạm trú.
Đặc biệt các địa phương báo cáo số lượng lao động và dự kiến kinh phí hỗ trợ lên tới gần 6.600 tỉ đồng chưa sát thực tế, nên sau đó đề nghị giảm số lượng người hưởng chính sách. Ví dụ như An Giang (giảm 87 tỉ đồng, tương đương 91,9%); Kiên Giang (giảm 93 tỉ, tương đương 86,6%); Quảng Ninh (giảm 65 tỉ, tương đương 71,9%)…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận