27/04/2012 04:49 GMT+7

Gối đầu lên cỏ

QUẾ SƠN
QUẾ SƠN

TT - Natsume Soseki (1867-1916) là nhà văn lớn vào cuối thời Minh Trị Duy tân, được xem là "một trong ba cột trụ của văn học hiện đại Nhật Bản" bên cạnh Mori Ogai (1862-1922) và Akutagawa Ryunosuke (1892-1927).

j29quyKj.jpgPhóng to
Gối đầu lên cỏ thuộc Tủ sách Tinh hoa văn học của Phương Nam Book, Lam Anh dịch từ nguyên tác tiếng Nhật, NXB Hội Nhà Văn - Ảnh: L.Điền

Chân dung của ông được Nhà nước Nhật chọn in trên tờ bạc 1.000 yen và phát hành liên tục từ năm 1984-2004. Ngôi nhà ông ở trọ khi du học ở London trong những năm đầu thế kỷ 20, từ lâu đã thành nhà lưu niệm Soseki ở ngay thủ đô nước Anh, mở cửa cho du khách vào thăm viếng.

Ông được Chính phủ Nhật thời Minh Trị gửi sang Anh học với mục đích trở thành "học giả Nhật đầu tiên của nước Nhật về văn học nước Anh" và quả thật sau khi về nước, ông giảng dạy và nghiên cứu về văn học Anh ở ngôi trường cũ của mình, danh giá bậc nhất đất nước, là Ðông Kinh Ðế quốc Ðại học, nhưng chỉ vài năm sau ông lại từ nhiệm để dành thời gian và tâm lực cho việc sáng tác. Và ông đã miệt mài làm việc cho tới khi chết vì bệnh loét dạ dày, để lại một di sản đồ sộ và đa dạng gồm hàng chục tiểu thuyết, hàng trăm bài thơ haiku, truyện ngắn, tiểu luận văn học...

Các chủ đề thường thấy trong các tác phẩm của Soseki là những nỗi đau khổ nội tâm và sự cô đơn, cách ly của giới trí thức trong bối cảnh xã hội hiện đại hóa (vào thời buổi đó, là đồng nghĩa với Tây phương hóa) quá nhanh, gây ra những đụng độ khó tránh khỏi giữa văn hóa truyền thống và văn hóa du nhập, là sự xung đột giữa nghĩa vụ và dục vọng, là sự đối mặt giữa lòng trung thành với tập thể và tâm thức tự do...

Ghi lại các thông tin trên chỉ để nói là, với sự ra mắt của bản dịch công phu và trau chuốt, Gối đầu lên cỏ (Kusamakura, xuất bản năm 1906, nghĩa đen là "gối cỏ", nghĩa bóng là "lữ hành"), người đọc có dịp khám phá một khuôn mặt tinh hoa của nền văn học hiện đại của nước Nhật mà tới nay, sau hơn một thế kỷ, công chúng Nhật vẫn còn tìm đọc.

Tiểu thuyết này, tuy thuộc dòng văn học trữ tình, tức nặng phần biểu hiện những cảm xúc của con người, lại không kể ra một chuyện tình yêu nào cả. Nó chỉ đơn giản kể câu chuyện một chàng họa sĩ từ kinh đô lên vùng núi hẻo lánh nhưng đẹp đẽ để tìm cảm hứng sáng tạo, dừng chân nhiều ngày ở một quán trọ có suối nước nóng trong một sơn thôn vắng vẻ. Và chính nơi đây, trong không gian mùa xuân hoa tươi lá thắm, chàng đã gặp nàng Nami, một người đẹp u uẩn với tâm hồn mù sương. Tên nàng là "diễm ảo" - như lời giới thiệu của Nhật Chiêu...

Gối đầu lên cỏ hòa quyện độc đáo giữa cảm xúc, suy tưởng và miêu tả thiên nhiên. Soseki hấp thụ văn học cổ điển Trung Quốc, say mê văn hóa truyền thống Nhật Bản và hiểu biết sâu sắc văn học, nghệ thuật nước Anh nên ông đem nỗi đam mê cùng những ảnh hưởng đó vào truyện một cách tinh tế và thông suốt. Với tập sách này, cảm xúc và lý lẽ hòa quyện nhau như một bản hợp âm tinh diệu, cần được nghe chậm, chậm như khi trò chuyện trong buổi trà với một cao tăng.

QUẾ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên