02/06/2013 07:51 GMT+7

Gọi con

PHẠM XUÂN NGUYÊN
PHẠM XUÂN NGUYÊN

TT - Có nỗi buồn nào như nỗi buồn của mẹ
Khi nhìn thấy những đứa trẻ nô đùa
Có nỗi đau nào như nỗi đau của mẹ
Khi người ta hỏi: Có gì chưa?

Mx6ufW3n.jpgPhóng to
Chị Nguyễn Thị Mỹ trong chuyến đi duy nhất thăm chồng - anh Phạm Quốc Huy - ở đảo Sinh Tồn tháng 5-2012 - Ảnh: nhân vật cung cấp

Gần ba năm mẹ về sống với ba

Những tháng ngày tưởng chừng như hạnh phúc

Được sống bên một người chồng mẫu mực.

Mẹ cũng cảm ơn số phận, cuộc đời.

Nhưng đằng sau hạnh phúc đó con ơi!

Là một điều mẹ ba đều mong mỏi

Là điều gì? Mẹ không cần nói

Con cũng biết phải không?

Là một điều ở sâu thẳm đáy lòng

Cứ khắc khoải trong tim ba mẹ.

Là tiếng khóc, tiếng cười con trẻ

Là tiếng bi bô ngọng nghịu gọi ông bà.

Những tháng ngày ba đi công tác xa

Chỉ mình mẹ âm thầm chờ đợi.

Nỗi cô đơn phủ đầy trong đêm tối

Mẹ mặc cho dòng nước mắt tuôn rơi.

Chẳng ai hiểu được lòng mẹ con ơi!

Dù chẳng phải tại ba, hay tại mẹ

Nhưng cuộc đời vẫn trớ trêu như thế.

Ba mẹ tìm con cho đến bao giờ?

Mẹ thuộc lòng những câu hát ầu ơ

Để mỗi đêm ru con vào giấc ngủ

Và mẹ gom những câu chuyện cổ

Con vẫn chưa về mẹ biết kể cho ai?

Thời gian trôi, mẹ mong ước từng ngày

Con sẽ sớm về bên ba mẹ

Con yêu ơi! Đừng ham chơi nữa nhé.

Về đi con! Cho hạnh phúc tròn đầy.

Tôi gặp tác giả bài thơ này lần đầu trong chuyến thăm Trường Sa (tháng 5-2012). Bạn đọc báo Tuổi Trẻ hẳn còn nhớ Nguyễn Thị Mỹ. Cô chính là tác giả bài thơ “Mơ thăm anh trên đảo Sinh Tồn” được trao giải nhất trong cuộc thi “Cảm xúc Trường Sa” do báo tổ chức (2011).

Từ giải thưởng đó, Mỹ được đi cùng đoàn đại biểu hành trình của báo Tuổi Trẻ ra thăm Trường Sa “Góp đá xây Trường Sa”. Cô về cùng chuyến tàu của chúng tôi cũng ra đảo lần đó, sau khi được ở lại thêm mấy ngày trên đảo Sinh Tồn để gần chồng. Chồng cô là lính hải quân ở đảo. Vợ chồng cô cưới nhau đã mấy năm và đang khao khát hạnh phúc được làm cha làm mẹ. Bài thơ là nỗi lòng mong đợi cháy bỏng đó.

Tiếng mẹ gọi con về ở đây khác mọi tiếng gọi con trên đời, vì đứa con chưa hiện hữu. Mỹ không có ý định làm thơ, câu chữ bật ra là từ bản năng, thiên chức của người phụ nữ được làm vợ, làm mẹ. “Gần ba năm mẹ về sống với ba”, bây giờ đã năm năm, người vợ trẻ vẫn tha thiết gọi “Về đi con! Cho hạnh phúc tròn đầy”...

PHẠM XUÂN NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên